Nhiều bệnh nhi viêm phổi mà bố mẹ không biết

Chưa sốt đã viêm phổi

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho biết, trong tổng số các ca nhập viện thì có tới trên 50% là viêm phổi. Trung bình mỗi ngày tiếp nhận gần 10 trường hợp nhập viện vì viêm phổi. Các cháu có biểu hiện thở nhanh khác thường, thở rút lõi lồng ngực, có thể kèm theo sốt, trong đó một số trẻ bệnh nặng phải thở ôxy. Ngoài những cháu bé do uống thuốc điều trị viêm họng, viêm phế quản không đáp ứng, thì rất nhiều cháu khi được chẩn đoán viêm phổi, bố mẹ đều sốc, ngỡ ngàng vì họ không nghĩ tình trạng con mình lại nặng nề đến vậy.


Nhiều trẻ đến khám đã viêm phổi nặng dù chưa có biểu hiện sốt

Sau sinh được 13 ngày, bé L.M.H (Linh Đàm, Hà Nội) có húng hắng ho, mũi hơi khịt khịt và vẫn bú mẹ như bình thường. Vì thấy con vẫn ăn, ngủ tốt, bố mẹ cũng không đưa con đi khám mà chỉ nhỏ nước muối sinh lý hàng ngày. Tuy nhiên, đến đêm hôm sau, bé đã phải vào bệnh viện cấp cứu vì khó thở, nhịp thở nhanh, có dấu hiệu suy hô hấp. “Ôm con vào viện khám, bác sĩ yêu cầu nhập viện vì viêm phổi mình vẫn ngỡ ngàng. Bởi con không sốt, vẫn bú mẹ được, chỉ hơi húng hắng ho. Thế mà sau hơn một ngày đã xuống phổi”, chị Minh, mẹ bé H cho biết. BS Đỗ Tuấn Anh, Khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho biết, bệnh nhi này được yêu cầu nhập viện vì viêm phổi sơ sinh diễn biến rất nhanh. Thời điểm vào viện, bé chỉ húng hắng ho, không sốt, bú kém, có dấu hiệu viêm phổi rút lõm lồng ngực… nhưng chỉ sau đó 1 tiếng đo nồng độ oxy máu chỉ đạt 85%, (dưới 95% là trẻ đã suy hô hấp, khó thở), nhịp thở đến 75 lần/phút.

Hay như trường hợp của bé Vũ Hồng L (41 ngày tuổi) cũng bị viêm phổi sau một ngày bố mẹ phát hiện con thỉnh thoảng có tiếng ho. “Chỉ húng hắng ho thôi, còn bé hoàn toàn bình thường, không sốt, vẫn bú mẹ nên em chắc mẩm con bị sặc nước bọt”, mẹ bé L cho biết.Theo mẹ bé L, rất may mẹ được bác sĩ hướng dẫn đếm nhịp thở con trong thời gian bé nằm viện 15 ngày vì sinh non, nên khi thấy con thỉnh thoảng mới có tiếng ho, chị đã đếm nhịp thở bé, thấy thở 67 lần/phút (nhanh hơn bình thường) nên chị đã đưa con tới viện khám. “Quả thực, không thấy con có nhịp thở nhanh hơn bình thường, mình đã không đưa con đi vì mọi người đến chơi đều nói, trẻ con ho khúc khắc vì đờm dãi, chứ bé tuyệt nhiên không có biểu hiện gì khác”, chị Hoa cho biết.

Dấu hiệu không điển hình


Theo BS Tuấn Anh, viêm phổi ở trẻ nhỏ, đặc biệt sơ sinh không biểu rầm rộ như ở trẻ lớn, nên việc nhận biết dấu hiệu là rất khó khăn. Không giống viêm phổi ở trẻ lớn với những biểu hiện điển hình là sốt cao, ho nhiều, ở trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi, viêm phổi diễn biến rất nhanh và dấu hiệu lại thường không điển hình, dễ bị bỏ qua. Với nhóm trẻ dưới 6 tháng tuổi thì dấu hiệu sốt, ho là những dấu hiệu không quan trọng, thậm chí nhiều trẻ không sốt (chỉ hâm hấp) và không ho nhưng đã bị viêm phổi rất nặng.


Cho trẻ đi khám ngay khi có dấu hiệu bất thường

Vì thế, với trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi và trẻ sơ sinh, các bậc phụ huynh cần quan sát trẻ rất kỹ. Nếu thấy trẻ bỗng ậm ạch khó chịu, bú ít hơn ngày thường, khóc khi đang bú, có giấc ngủ bất thường (ngủ nhiều hơn bình thường hoặc ít hơn bình thường, quấy khóc) thì cha mẹ cần theo dõi chặt chẽ. Lúc này, ngoài quan sát cách thở của bé qua cánh mũi (khi thở, hai cánh mũi phập phồng lên xuống rõ ràng), thì nên vén áo lên để quan sát ngực con. Thấy bé thở nhanh, ngực lõm hơn bình thường thì cha mẹ cần đưa con đi khám sớm vì có thể bệnh đã diến biến nặng.Việc theo dõi con chặt là rất quan trọng. Bởi có những bé, ở thời điểm đi khám chưa có biểu hiện viêm phổi, nhưng chỉ vài tiếng sau đã có dấu hiệu rút lõm lồng ngực, nhịp thở nhanh. Việc bố mẹ biết cách quan sát, đếm nhịp thở của trẻ sẽ giúp cha mẹ kịp thời đưa trẻ đến viện khi có dấu hiệu bất thường.
thuychi
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin