Nhiều người dân ở xã Tứ Hiệp (huyện Thanh Trì,
Hà Nội) mới đây không khỏi bức xúc và lo lắng khi phát hiện chỉ sau một đêm,
cánh đồng của họ tràn ngập những hộp, ống các loại thuốc ho siro Royal, thuốc bổ
Egokids, và Cancium...
Vụ việc đã được người dân báo cho cơ quan chức năng. Tiến
hành điều tra, Phòng Cảnh sát Môi trường (PC49), Công an Hà Nội phối hợp cùng Sở
Y tế Hà Nội và Công an xã Tứ Hiệp đã nhanh chóng làm rõ toàn bộ số thuốc xả thải
bừa bãi trên là sản phẩm không đảm bảo chất lượng bị công ty cổ phần thương mại
Sao Hoàng Gia (ở Hoàng Cầu, Đống Đa, Hà Nội) trả lại cho Công ty Intechpharm (ở
ngõ 373 đường Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì) sản xuất theo đơn đặt hàng.
Theo quy định về quản lý và xử lý rác thải y tế, khi tiếp nhận số thuốc không đảm bảo chất lượng, Công ty Intechpharm phải có trách nhiệm lập hội đồng và tiến hành tiêu hủy an toàn. Thế nhưng, Công ty Intechpharm lại thuê người vận chuyển số thuốc kém chất lượng vứt ra khu vực bãi đất trống cạnh công viên Yên Sở (quận Hoàng Mai, Hà Nội) gây ô nhiễm môi trường. Chưa dừng lại ở đó, sau khi bị phát hiện, Intechpharm lại thuê người thu gom số rác thải trên đem vứt ở cánh đồng trên địa bàn xã Tứ Hiệp.
Đại tá Trần Trọng Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (PC49), Bộ Công an cho biết, vi phạm về quản lý và xử lý chất thải y tế vẫn diễn ra phức tạp. Trong thời gian qua, lực lượng cảnh sát môi trường đã phối hợp các cơ quan chức năng phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm về bảo vệ môi trường tại nhiều cơ sở y tế. vi phạm về môi trường chủ yếu tại các cơ sở y tế là quản lý chất thải y tế nguy hại không đúng quy định; để lẫn chất thải y tế nguy hại với các chất thải y tế thông thường; để nước thải y tế xả trực tiếp ra môi trường mà không qua xử lý. Nhiều cơ sở y tế còn phát tán bức xạ vượt tiêu chuẩn cho phép, nhiều bệnh viện còn chôn lấp rác thải y tế hoặc đốt thủ công, gây ô nhiễm môi trường sống xung quanh. Đáng chú ý, một số cơ sở y tế do quy trình quản lý rác thải y tế lỏng lẻo đã để nhân viên lợi dụng tuồn bán rác thải y tế ra bên ngoài cho các đầu nậu thu gom sử dụng làm nguyên liệu tái chế sản xuất các vật dụng sinh hoạt.
Theo Nghị định 179/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường thì mức phạt cao nhất là 2 tỷ đồng đối với tổ chức, đơn vị vi phạm và 1 tỷ đồng đối với cá nhân vi phạm.
Bình luận của bạn