Những đứa trẻ sinh ra đã mang chì trong máu



100% trẻ em bị nhiễm độc chì

Ở Đông Mai, rất nhiều đứa trẻ, dù được sinh ra và nuôi nấng trong điều kiện kinh tế khá giả nhưng lại bị chậm phát triển, thần kinh, ngớ ngẩn. Ông T, một người dân Đông Mai chia sẻ: Trẻ con ở Đông Mai bị ngớ ngẩn, thần kinh những năm gần đây nhiều lắm. Tính ra phải đến gần nửa số hộ có xưởng tái chế chì đều có con bị ngớ ngẩn. Như nhà ông Lê Viết C có hai đứa con thì cả 2 đứa bị. Rồi gia đình anh chị Chín - Tăng cách đây không lâu đứa con gái của anh chị mắc bệnh bại liệt qua đời. Không biết có phải do bị nhiễm độc chì hay không nhưng gần đây người ta không thấy anh chị làm nghề nữa. Trong đợt xét nghiệm vừa rồi, hai đứa cháu của chị cũng trong diện nhiễm độc chì bảng A (mức báo động). Hay như gia đình anh Nhinh, chị Thuỷ theo nghề tái chế chì đã ngót nghét 30 năm thì cả hai đứa con đều bị khiếm thính, trí tuệ kém phát triển…

Nhiều chục năm trở lại đây, không ít gia đình ăn, ngủ trong ngôi nhà chất đầy chì, trong mỗi hạt gạo, lá rau, mỗi cốc nước và cả bầu không khí để thở của họ đều có chì. Hiện Đông Mai có khoảng 40 người làm nghề "hẩy chì" (nấu chì tài các lò) với thu nhập 700-800 nghìn đồng/người/đêm. Ngoài ra các công đoạn khác của nghề tái chế chì cũng thu hút hàng trăm lao động, thu nhập 200-300 nghìn đồng/ngày. Và khi có số liệu của đoàn khảo sát công bố 100% số trẻ em ở Đông Mai được xét nghiệm máu đều cho kết quả nhiễm độc chì, phần lớn ở cấp độ báo động, nguy hiểm thì người dân mới giật mình thảng thốt. Hóa ra bao nhiêu năm nay, cái thứ chất độc này cứ âm thầm ngấm vào cơ thể con cháu họ mà họ không hề hay biết.

Kết quả khảo sát năm 2012 của Viện Y học lao động và vệ sinh môi trường (Bộ Y tế) cho thấy, trong 109 đứa trẻ dưới 10 tuổi được xét nghiệm ở Đông Mai thì tất cả đều có hàm lượng chì trong máu vượt ngưỡng giới hạn cho phép là 10Mg/dl. 24 bé sau đó được xét nghiệm lại máu tĩnh mạch, kết quả có 2 trường hợp có hàm lượng chì máu ở mức nguy hiểm, 17 trường hợp ở mức báo động, 4 trường hợp ở mức cao và 1 trường hợp ở mức ranh giới. Nhiều bé mới 2-3 tuổi đã có hàm lượng chì trong máu ở mức đáng báo động như cháu Lê Ngọc Chuẩn, con anh Lê Ngọc Hai, hàm lượng chì trong máu gấp hơn 7 lần mức cho phép. Còn bé gái Lê Phương Ly, con anh Lê Văn Quân, 4 tuổi, có hàm lượng chì trong máu là 73,16 Mg/dl, thuộc mức nguy hiểm, có nguy cơ tổn thương thần kinh cao, đã phải nhập viện và điều trị bằng thuốc thải chì truyền tĩnh mạch…

Không chỉ số trẻ mắc bệnh về thần kinh, bại liệt gia tăng mà theo thống kê của trạm y tế xã Chỉ Đạo, những năm gần đây, số người chết ở thôn Đông mai có xu hướng trẻ hóa, nhiều người mắc các bệnh nan y như ung thư phổi, ung thư gan, ung thư vòm họng… Theo bà Đặng Thị Lý, trạm trưởng trạm y tế xã Chỉ Đạo thì có lẽ việc người dân Đông Mai nhiễm độc chì là hậu quả của tình trạng ô nhiễm đất, nước, không khí đã tồn tại khá lâu tại địa phương. Qua thời gian, chất chì ngấm vào cơ thể bằng nhiều đường khác nhau. Trong những đứa trẻ được xét nghiệm, nhiều đứa nhiễm độc bảng A, cực kỳ nguy hiểm, tuy nhiên nhìn bề ngoài thì không phân biệt được vì chúng vẫn khỏe mạnh bình thường.

Để những đứa trẻ được lớn lên bình thường

Theo lãnh đạo xã Chỉ Đạo thì làng Đông Mai làm nghề tái chế pin, ắc quy đã 35 năm. Trước kia người làng đi thu gom pin, ắc quy ở khắp các vùng mang về tái chế, hoàn toàn theo cách thủ công ngay tại gia đình. Những hóa chất trong pin, ắc quy, chủ yếu là chì, a xít được xả ngay ra sân, rồi đổ trực tiếp theo kênh mương ra cánh đồng. Không chỉ nước, đất, mà không khí ở Đông Mai cũng ô nhiễm trầm trọng. Nghiên cứu của Viện Y học lao động và vệ sinh môi trường về mức độ ô nhiễm chì tại xã Chỉ Đạo cho thấy, mức ô nhiễm chì trung bình trong không khí vượt tiêu chuẩn 3,47 lần. Có những thời điểm, hàm lượng chì vượt ngưỡng hơn 10 lần cho phép. Các loại thực phẩm như rau, cá có hàm lượng chì nhiễm vượt tiêu chuẩn là 4,61 lần. Ông Lê Văn Gương, trưởng thôn Đông Mai cho biết ngày xưa khói từ các xưởng tái chế chì thải ra táp vào lá lúa khiến sâu bệnh cũng phải chết, người dân trồng rau, trồng lúa không cần dùng đến thuốc sâu.

Hiện nay, Đông Mai đã di dời cơ sở sản xuất ra khu công nghiệp tập trung theo chỉ đạo của UBND tỉnh Hưng Yên. Tuy nhiên, theo ông Lê Huy Gương, trưởng thôn Đông Mai thì dù đã có quyết định của UBND tỉnh, huyện nhưng những hộ dân làm nghề ở Đông Mai vẫn còn rất lúng túng vì chưa có hướng dẫn hay hỗ trợ cụ thể. Đa phần các hộ di dời là tự nguyện, họ tự bỏ tiền mua đất, san ủi mặt bằng, xây dựng nhà xưởng mà chưa nhận được sự hỗ trợ gì. Ngoài ra, theo ông Gương, việc ô nhiễm môi trường ở Đông Mai đã giảm nhiều, do các hộ sản xuất đã có những cải tiến đáng kể về kỹ thuật như làm ống dẫn khói, thu vào túi vải để tận thu lượng chì bị mất trong quá trình đun nấu đồng thời bảo vệ môi trường. Cách làm này tận thu được 95% hàm lượng chì "bốc hơi" ra ngoài nhưng chi phí xây dựng lò đốt, ống dẫn khí khá đắt nên chỉ một số hộ có điều kiện mới làm được. Hiện Đông Mai vẫn còn trên chục hộ sản xuất tại khu dân cư, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm.

Năm ngoái, Trung tâm Môi trường và Phát triển cộng đồng (Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam) cũng đã phối hợp với Chi cục BVMT và địa phương thực hiện Dự án khắc phục ô nhiễm chì trong đất tại thôn Đông Mai. Dự án đã tiến hành lấy hàng nghìn mẫu đất để phân tích, đánh giá hàm lượng chì. Sau khi có kết quả phân tích mẫu, dự án đã lựa chọn 37 hộ có hàm lượng chì cao nhất trong đất để thực hiện xử lý ô nhiễm chì. Dù vẫn còn nhiều lo lắng cho con em mình, nhưng với những chuyển biến theo hướng tích cực này, hy vọng tương lai của những đứa trẻ ở Đông Mai sẽ không bị đánh đổi lấy những đồng tiền thoát nghèo của gia đình chúng.

Theo các chuyên gia y tế, trẻ nhiễm độc chì có thể bị hội chứng não cấp, phù não, các rối loạn khác, có thể dẫn đến tử vong. Nguy hiểm hơn, đa số trẻ bị nhiễm độc chì sẽ chậm phát triển cả thể lực và trí tuệ, thấp bé nhẹ cân, suy giảm chỉ số thông minh (IQ), thay đổi hành vi, tính tình mà gia đình không nhận biết, không được chẩn đoán, điều trị. Và rất nhiều trong số đó sẽ trở thành những đứa trẻ trì độn, sống phụ thuộc. Trong quá trình lớn lên, trẻ sẽ tự đào thải chì trong máu, nhưng chắc chắn sẽ để lại di chứng không thể phục hồi, đó là làm chậm phát triển trí tuệ, hậu quả là tương lai của những đứa trẻ chắc chắn sẽ thiệt thòi.


doandoan
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin