Những phụ nữ bất tử


Mẹ Teresa Calcutta

Trong lịch sử hơn 100 năm của giải Nobel Hòa bình, những cá nhân được trao giải là phụ nữ như mẹ Teresa Calcutta chiếm rất ít. Điều đó có bất công với phụ nữ hay không, đó là một vấn đề khác. Tuy nhiên, sự hy sinh và cái mà họ dành tặng cuộc đời là những giá trị không thể đong đếm và giải thưởng hay danh xưng này nọ không thể chạm tới được. Sự tôn vinh cũng là điều đáng quý, nhưng sự tôn vinh thật sự quý giá khi hậu thế tiếp tục kế thừa và sống với những giá trị mà những con người đó để lại. “Về huyết thống, tôi là người Albania. Về quốc tịch, tôi là người Ấn Độ. Về tôn giáo, tôi là một nữ tu Công giáo. Nói về tiếng gọi của cuộc đời, tôi thuộc về thế giới…" - đó là những dòng tự bạch của nữ tu vĩ đại này, để rồi Mẹ trở thành một biểu tượng của việc xoa dịu nỗi đau nhân loại. Không chỉ những người theo đạo Thiên Chúa gọi bà là Mẹ, mà những người nghèo ở Ấn Độ, và hôm nay, cả thế giới đều gọi bà là “Mẹ Teresa” bởi tình yêu thương và sự gần gũi của bà dành cho con người.

Từ năm 1931 đến năm 1948, Mẹ Teresa dạy học cho một trường trung học ở Calcutta. Khoảng thời gian này, hình ảnh của những người bệnh tật và đói khổ đã thực sự ám ảnh, đốc thúc người nữ tu này phải làm gì đó cho họ. Năm 1948, Mẹ bắt đầu thực hiện tâm nguyện của mình, sống tận tụy giúp đỡ cho những người cùng khổ trong thành Calcutta. Dù không hề có bất kỳ một trợ cấp nào, Mẹ vẫn mở một trường học ngoài trời cho trẻ em sống trong khu ổ chuột.

Tình thương người của Mẹ đã thuyết phục được những người có cùng tâm nguyện. Họ tìm đến với mẹ để cùng chung tay lo lắng cho những con người bất hạnh. Năm 1950, 12 nữ tu đầu tiên cùng mẹ đã thành lập nên dòng Thừa sai Bác ái, dưới sự chấp thuận của Đức Giáo hoàng, với nhiệm vụ chính là yêu thương và phục vụ người nghèo.

Dòng Thừa sai Bác ái của Mẹ đã lan rộng ra khắp thế giới, cả liên bang Xô viết cũ và các nước Đông Âu. Họ giúp đỡ những người cùng cực trong xã hội ở một số quốc gia của châu Á, châu Phi và châu Mĩ La tinh. Họ vệ sinh, chăm sóc cho những người đang hấp hối vì bão lụt, bệnh dịch, đói khát và tị nạn để họ bớt đau đớn trước khi mất. Mẹ cũng có nhiều nhà ở Nam Mĩ, châu Âu và châu Úc dùng để chăm sóc cho những bệnh nhân AIDS, vô gia cư và nghiện rượu. Dòng Thừa sai Bác Ái trên toàn cầu được tài trợ và giúp đỡ bởi các cộng sự – sau này trở thành một hiệp hội quốc tế chính thức vào ngày 29/03/1969. Đến năm 1990, dòng có hơn 1 triệu cộng sự đến từ hơn 40 quốc gia. Cùng với các cộng sự này, dòng Thừa sai Bác ái cũng noi gương tinh thần của Mẹ Teresa và sống theo tinh thần đó ngay trong gia đình họ.

Với Mẹ, không có gì tốt đẹp hơn cho con người bằng tình thương và sự giúp đỡ. Mẹ để lại cho đời một tượng đài yêu thương cao cả mà cả loài người phải trân trọng và ngưỡng mộ.
Dẫu vậy, cho đến khi qua đời (1997), gia tài duy nhất của Mẹ chỉ có một chiếc áo vải thô trắng viền xanh đơn giản mà Mẹ đã mua với giá 1 đồng và tấm lòng thương người bao la sau hơn 50 năm phục vụ những người khốn cùng.

Đệ nhất phu nhân Argentina Eva Peron

Khi nữ danh ca Madonna cất cao giai điệu bất hủ của “Don’t cry for me Argentina”, cả thế giới bị lay động bởi câu chuyện nhân vật trong bài hát. Nhân vật đó là một người có thật, một phụ nữ đẹp, và là phu nhân của Tổng thống Agentina Juan Peron. Bà được người dân Argentina ngưỡng mộ vì đã đấu tranh giành quyền bầu cử cho phụ nữ, đảm bảo lợi ích cho người lao động và thành lập các bệnh viện cho người nghèo, cùng các trại mồ côi.

Cuối những năm 40, Argentina là một đất nước giàu có và phát triển. Tuy nhiên, đó vẫn là một vùng đất hà khắc với phụ nữ và những người vô gia cư. Sử dụng vị thế của một Đệ nhất phu nhân, Eva Peron đã thúc đẩy thành lập những luật mới, cho phép phụ nữ được đi bầu cử và trẻ em vô thừa nhận được hưởng những quyền bình đẳng. Những quyết định táo bạo của bà đã gặp sự phản đối gay gắt, thậm chí là xúc phạm của phe bảo thủ, nhưng những điều đó đã không thể dập tắt những lý tưởng của bà.

Suốt quãng đời hoạt động của bà, những người dân nghèo của Argentina được hưởng nhiều quyền lợi và mức thu nhập của họ cũng được tăng lên. Với những hoạt động ấy, năm 1952, bà được phong tước hiệu “Người lãnh đạo tinh thần của đất nước”. Tuy nhiên, đó cũng là năm định mệnh của đời bà, khi căn bệnh ung thư quái ác đã tước đi mạng sống của người phụ nữ sống vì bao người này. Người ta thấy hình ảnh của bà trên giường bệnh vẫn trăn trở công việc đấu tranh vì người lao động. Hàng triệu người Argentina đã đổ ra đường dự lễ tang bà. Và cho đến hôm nay, trên mộ phần của bà ở Bueno Aires, ngôi mộ ghi câu nói bất hủ của bà: “Don’t cry for me Argentina. The truth is I have never left you” (Đừng khóc vì tôi, Argentina. Vì tôi không bao giờ lìa xa các bạn), vẫn đầy những đóa hoa tươi của người đời sau dâng tặng.

Tổng thống Cristina Fernandez de Kirchner, người được xem là Eva Perón mới của Argentina, đã cho rằng thế hệ phụ nữ của mình mang một món nợ đối với Eva Perón. Bà Cristina nói: "Eva có rất nhiều kẻ thù, đồng thời cũng được nhiều người mến mộ nhất. Bà là người bị xúc phạm nhiều nhất, bị lăng mạ và coi thường nhiều nhất nhưng cũng là người được sùng kính nhất. Một người bị xỉ nhục nhiều nhất nhưng hôm nay vinh quang bất diệt". Hình ảnh Eva Perón đã được tái hiện trong bộ phim Evita, qua sự thể hiện của nữ danh ca Madonna.

Công nương Diana

Là vợ của Thái tử Charles, sống trong nhung lụa nhưng cả đời bà không nguôi quên sự quan tâm đến những người bất hạnh, nhất là trẻ em, và được cả thế giới xưng tặng là Nữ hoàng của lòng nhân ái. Trên cương vị Đại sứ đặc biệt của Hội Chữ Thập đỏ Anh quốc, bà đã từng giữ cương vị điều hành hoặc mẹ đỡ đầu của 93 tổ chức từ thiện trên thế giới và được mệnh danh là “Nữ Đại sứ của con tim”.


Đôi khi quá nhiệt tình với người nghèo khổ, bà đã gặp phải những rắc rối chính trị tế nhị, như việc bà đến Pakistan để khánh thành bệnh viện ung thư ở Lahore do vận động viên vô địch cricket nổi tiếng Pakistan là Imram Khan sáng lập. Bất chấp mọi khó khăn, với nhiệt tình năng động trong các hoạt động xã hội và nhân ái, không tính toán về địa vị chính trị, bà qua hàng giờ với trẻ em Pakistan bị ung thư cũng như đến Népal thăm các trẻ em bị bệnh cùi đang điều trị ở bệnh viện Anadaban.

Tại nước Anh, Công nương Diana là người đi tiên phong trong trận chiến chống lại căn bệnh thế kỷ AIDS với tổ chức London Lighthouse chuyên săn sóc những người bị nhiễm HIV. Bà cũng đã từng đến Nam Phi bên cạnh Tổng thống Nelson Mandela kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng thế giới trong các chương trình phòng ngừa HIV đối với các dân tộc Nam Phi trong đó có hai triệu người bị nhiễm.

Không bao giờ bà tỏ ra ngần ngại trước nguy hiểm. Khi lao vào cuộc chiến chống mìn sát thương trên thế giới, bà đã đến Angola và Bosnia, vào tận hiện trường với áo giáp trên người, để hỗ trợ, động viên tích cực cho công việc của những người gỡ mìn đầy nguy hiểm, và thăm các trẻ em bị thương tật do mìn, bà đã ôm các cháu bé vào lòng, rơi nước mắt khi vỗ về, an ủi.
Với mục đích nâng cao nhận thức đúng đắn của mọi người về virus HIV – một căn bệnh lây nhiễm mới và đặc biệt nguy hiểm, Công nương đã bắt tay thân ái với một bệnh nhân bị nhiễm HIV vào ngày 19 tháng 4 năm 1987. Công nương từng nói: “HIV không hề khiến bạn gặp nguy hiểm khi tìm hiểu về nó. Chính vì thế mà bạn có thể bắt tay, có thể ôm hôn những con người xấu số mắc căn bệnh này. Họ cần những hành động tình cảm như thế!” Hình ảnh này đã gây xôn xao dư luận một thời và cho đến nay người ta vẫn đưa bức hình này làm bằng chứng sống động trong những chiến dịch tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS.

Cựu Đệ nhất phu nhân Pháp Carla Bruni-Sarkozy từng bày tỏ lòng ngưỡng mộ “Diana thật phi thường. Công nương hôn và âu yếm cả những đứa trẻ mắc bệnh AIDS. Bà thực hiện khối lượng công việc khổng lồ, dẫn đến bước tiến lớn trong cuộc chiến chống lại căn bệnh thế kỷ.”
vanhuong
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Văn hóa