Nhà báo, nhà thơ Dương Kỳ Anh - "cha đẻ" của Hoa hậu Việt Nam chia sẻ về những chuyện hậu trường Hoa hậu. Ảnh: TL.
"Cha đẻ" Hoa hậu Việt Nam tiết lộ chuyện hậu trường đấu tố
Nguyễn Thị Thành đã trắng trợn lừa dối công luận
Scandal hoa hậu ngày càng phức tạp
Thí sinh Nguyễn Thị Thành tố ban tổ chức Hoa hậu Việt Nam xử ép
Phát hiện “gian dối” ở các cuộc thi Hoa hậu như thế nào?
Theo “cha đẻ” của Hoa hậu Việt Nam thì việc phát hiện gian dối ở các cuộc thi Hoa hậu Việt Nam có rất nhiều cách. Bên cạnh việc tiếp nhận thông tin đa chiều từ nhiều nguồn để nhìn nhận về thí sinh thì BTC Hoa hậu Việt Nam luôn có một bộ phận được lập ra chỉ để theo dõi các thí sinh trong suốt quá trình tham gia cuộc thi. Những người theo dõi thí sinh sẽ là những người được xem như “tai mắt” của BTC bởi thông qua nguồn này mà họ sẽ có cái nhìn chân xác nhất về thí sinh của mình. Vì lẽ đó, nhiều năm qua, Hoa hậu Việt Nam vẫn luôn giữ được tiêu chí “công bằng - khách quan - nhân văn” mà ngay từ đầu cuộc thi đã đề ra.
Tuy nhiên, nhà báo Dương Kỳ Anh cũng cho rằng, trong lịch sử 14 mùa Hoa hậu Việt Nam, cả những mùa ông làm trưởng BTC lẫn những mùa sau này, chưa bao giờ BTC phải “đăng đàn” để thông tin với báo giới về chuyện thí sinh nguỵ tạo hồ sơ qua mặt BTC và BGK, lại còn trắng trợn lên báo nói những điều không đúng gây ảnh hưởng đến uy tín của Hoa hậu Việt Nam 2016 như vừa qua.
“Theo tôi, khi thí sinh đã đặt BTC vào tình huống đó rồi thì nên công khai mọi sự thật. Vì thực tế đó là chuyện “cực chẳng đã” nhưng cũng không thể im lặng để cho một cá nhân bôi nhọ danh dự của một tập thể và lớn hơn là một cuộc thi. Bên cạnh đó, đó cũng là một bài học để thí sinh nào có ý định dùng “thủ thuật” để len lỏi vào cuộc thi này sẽ phải suy nghĩ lại”, ông Nam nói.
“Trước đây việc kiện cáo hoặc tố cáo rất ít bởi họ cạnh tranh nhau một cách lành mạnh. Khi có những tố cáo, nếu đủ cơ sở để tin, chúng tôi sẽ giải quyết bằng cách cho người đi điều tra, nếu không đúng thì bỏ qua, nếu đúng thì gặp thí sinh đó để trao đổi riêng với họ để họ tự nguyện rút lui. Thường thì để chứng minh sự trong sạch của thí sinh, chúng tôi mời cả công an, chính quyền địa phương và nơi họ đang học tập hoặc làm việc xác nhận. Cả 3 nơi trên có dấu đỏ chứng nhận thì chúng tôi mới tin tuyệt đối. Nhưng thế cũng chưa đủ, BTC còn có một tổ thường xuyên theo dõi thí sinh trong suốt cuộc thi nữa”, nhà báo Dương Kỳ Anh chia sẻ thêm.
Nhà báo Dương Kỳ Anh kể, ông còn nhớ mãi kỷ niệm khi tổ chức Hoa hậu Việt Nam 1992, khi chỉ còn mấy ngày nữa là vòng Chung kết diễn ra thì ông nhận được thư tố thí sinh M. có con nhưng vẫn đi thi Hoa hậu. Dù khá bất ngờ về việc này nhưng ngay lập tức BTC cũng đã cho tiến hành điều tra để xác minh nguồn tin. Và chỉ sau một thời gian ngắn thì BTC nhận được thông tin từ đội điều tra thông báo người đẹp này đã có con 3 tuổi. Và dù lúc đó nhan sắc của người đẹp này nổi trội hơn Hà Kiều Anh nhưng BTC vẫn phải động viên cô tự rút lui.
“Thời điểm đó, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và GS Nguyễn Quang Tuyền là thành viên BGK đã đề nghị nên xử lý thí sinh theo cách nhân văn nhất đó là gọi thí sinh lên và làm công tác tư tưởng để thí sinh tự rút lui trong danh dự bằng một lý do tự họ đưa ra. Rất may, thí sinh thời đó cũng không ghê gớm như bây giờ nên sau khi được đả thông tư tưởng thì họ cũng tự rút trong im lặng, không có gây ồn ào gì cả”, “cha đẻ” Hoa hậu Việt Nam kể lại.
Hay cũng có một mùa Hoa hậu Việt Nam, khi ứng viên sáng giá nhất của cuộc thi đã gần như được Hội đồng BGK thống nhất chọn để trao vương miện thì BTC lại nhận được đơn thư tố cáo cô này làm mũi. Khi tiến hành kiểm tra nhân trắc học thì đúng là thí sinh này có làm mũi và BTC quyết định phải loại cô ra khỏi vòng Chung kết.
Một thành viên của BTC Hoa hậu Bản sắc Việt cũng cho biết, vấn đề lớn nhất của BTC cuộc thi này khi đã lựa chọn các người đẹp vào vòng Bán kết, Chung kết chính là việc xác minh lý lịch và phẫu thuật thẩm mỹ. Công nghệ phẫu thuật thẩm mỹ càng trở nên tinh vi thì BTC lại càng phải thận trọng và kỹ càng hơn trong việc “thăm”, “khám”. TS. Vũ Thị Thu Hương cùng ê-kíp 4 người đã rất cận thận khi cho kiểm tra nhân trắc học từng thí sinh tới 3 lần. Cứ tới mỗi vòng là lại tiến hành kiểm tra lại. Tuy nhiên, vấn đề lớn hơn chính là mối lo lắng về các đơn thư tố cáo. Theo một thành viên của BTC cuộc thi này thì dù có nhận được một số đơn thư tố cáo trong các vòng thi nhưng khi bí mật cử đội xác minh đi tìm hiểu thì sự thật chỉ đúng một phần rất nhỏ và sự thật đó không vi phạm quy chế của cuộc thi.
Những vụ “phát giác” gây rúng động
Có một điều rất dễ nhận thấy đó là cứ càng vào sát vòng Chung kết của các cuộc thi Hoa hậu, khi các thí sinh tiềm dần năng lộ diện thì các đơn thư tố cáo lại càng tăng lên. Và trong lịch sử các cuộc thi Hoa hậu ở Việt Nam đã từng có nhiều trường hợp bị phát giác gây rúng động vì đã vi phạm quy chế.
Một sự việc đáng tiếc xảy ra đối với cuộc thi Hoa hậu Thế giới người Việt 2010 khi người đẹp Phạm Thị Thuỳ Linh bị phát giác chỉnh sửa mũi, bị tước danh hiệu Người đẹp Áo dài và buộc phải rời khỏi cuộc thi này với tư cách thí sinh. Cụ thể, sau khi nhận được phản ảnh cùng với việc đánh giá lại kết quả chấm thi của các giải phụ, BGK cuộc thi này đã có những nghi vấn về việc thí sinh này phẫu thuật thẩm mỹ chỉnh sửa mũi. Sau khi làm việc với Phạm Thị Thùy Linh thì người đẹp đã thừa nhận đã chỉnh sửa mũi cách đây 5 năm. Trước đó, tại các vòng sơ loại, chuyên gia nhân trác học đã kiểm tra kỹ hình thể của tất cả 42 thí sinh. Tuy nhiên, vết phẫu thuật ở cánh mũi bên trong của Thùy Linh quá nhỏ, lại mờ do thời gian nên BTC đã không phát hiện ra.
Cho đến bây giờ, nhiều người vẫn không thể quên được “scandal” gây rúng động của Vương Thu Phương ở Hoa hậu Việt Nam 2012. Chỉ còn đúng vài giờ trước khi đêm Chung kết Hoa hậu Việt Nam 2012 diễn ra thì ảnh cưới của người đẹp này xuất hiện tràn lan trên mạng. Tuy nhiên, bản thân người đẹp này lại không thừa nhận đó là ảnh cưới của mình.
Tiến hành xác minh, BTC Hoa hậu Việt Nam phát hiện ra những bức ảnh cưới này chính là của Vương Thu Phương. Và dù cô chưa đăng ký kết hôn nhưng đã tổ chức lễ thành hôn tại quê bạn trai và chung sống một thời gian. Về lý đúng là Vương Thu Phương chưa đăng ký kết hôn nhưng về quan niệm đạo đức truyền thống, khi đã tổ chức hôn lễ và chung sống như vợ chồng thì xã hội nghiễm nhiên xem người đó đã lập gia đình. Với một cuộc thi để tôn vinh vẻ đẹp thiếu nữ Việt Nam, những biểu hiện không trung thực của Vũ Thu Phương rõ ràng không phù hợp. Và cô đã bị loại ngay trước thềm Chung kết của cuộc thi này khi đã được dự đoán chắc nịch cho ngôi Hoa hậu.
Ở Hoa hậu Việt Nam 2014, thí sinh Vũ Hoài Thu cũng đã phải dừng thi vì bị phát hiện đã từng phẫu thuật mũi, cụ thể là có dấu hiệu phẫu thuật tạo hình độn sóng mũi. Dù đã lên tiếng phủ nhận và nhiều lần không đồng tình với kết quả của giám khảo đưa ra nhưng khi được BTC mời lên cơ sở y khoa để khám định thì thí sinh lại vắng mặt nhiều lần). Vì thế, Vũ Hoài Thu đã bị loại khỏi cuộc thi theo quy định.
Riêng với người đẹp Hồng Quế thì bị loại ngay tại vòng sơ tuyển của cuộc thi Hoa hậu Đại Dương 2014 bởi sở hữu tới 5 hình xăm. Dù sau đó người đẹo này khẳng định sẽ xóa hết hình xăm để tham gia cuộc thi nhưng ở vòng sơ tuyển ở khu vực phía Bắc được tổ chức vào ngày 20/4/2014, Hồng Quế đã không có mặt. Bà Nguyễn Thế Thanh - Trưởng BTC Hoa hậu Đại Dương 2014 cho biết, Hồng Quế là gương mặt sáng giá và thừa tố chất để giành giải thưởng cao nhất tại cuộc thi này nhưng vì sở hữu 5 hình xăm nên đã bị loại ra khỏi danh sách thí sinh tham gia cuộc thi.
Nhiếp ảnh gia Tô Thanh Tân cho rằng, vẻ đẹp trong các cuộc thi Hoa hậu ở Việt Nam dù có khác nhau đôi chút về tiêu chí thì trên cơ bản vẫn là đề cao vẻ đẹp bên ngoài và vẻ đẹp bên trong. Nếu vẻ đẹp bên ngoài là những gì có thể nhìn thấy thì vẻ đẹp bên trong chính là cốt cách, tâm hồn và đạo đức. Sự trung thực ở mỗi người đẹp là biểu hiện rõ nhất cho nét đẹp bên trong. Nếu một người đẹp nhờ “thủ thuật” mà qua mặt được BTC, BGK và vươn lên một ngôi vị nào đó cũng chưa hẳn đã là người đẹp. Và vẻ đẹp đó cũng như “cái kim trong bọc” lâu ngày cũng bị người đời phát giác.
Vì thế, các thiếu nữ khi có ý định tham gia các cuộc thi Hoa hậu, ngoài vẻ đẹp nhan sắc cần phải học cách trung thực và cạnh tranh lành mạnh.
“Hãy đến cuộc thi bằng trái tim thiện lành thì những điều tốt đẹp sẽ đến. Hãy chọn mục tiêu vừa sức để cố gắng phấn đấu với khả năng của mình. Đôi khi không cứ phải đạt danh hiệu mới là thành công, việc được trải nghiệm và trưởng thành hơn khi đồng hành với cuộc thi cũng là khoá học rất bổ ích của cuộc đời mà không dễ ai có được”, nhiếp ảnh gia họ Tô nói.
Bình luận của bạn