Ô nhiễm ánh sáng – “kẻ thù giấu mặt”

“Ô nhiễm ánh sáng” là cụm từ để chỉ một loại ô nhiễm có thật, ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống, sức khỏe người dân từ việc lạm dụng quá nhiều loại đèn điện thắp sáng tại các đô thị hiện nay. Các nhà khoa học tại Hong Kong vừa công bố nghiên cứu cho thấy, đặc khu hành chính này là một trong những thành phố có mức độ “ô nhiễm ánh sáng” tồi tệ nhất trên thế giới, vượt quá 1.000 lần mức độ cho phép vào buổi tối.

Thực tế cho thấy, con người đang quá lạm dụng vào nguồn ánh sáng từ bóng đèn điện. Ở những thành phố lớn, những chiếc đèn đường sáng rực, đèn cao áp chiếu sáng công trường, những biển hiệu quảng cáo... đã tạo ra một nguồn ô nhiễm vô hình, một sát thủ trực tiếp ảnh hưởng tới sức khỏe của con người.

Năng lượng phát sinh từ việc chiếu sáng ban đêm làm tăng một lượng lớn khí CO2 và các loại khí nhà kính khác. Hơn nữa, nó còn góp phần vào hiệu ứng ấm lên của trái đất. Tất cả đều do nhu cầu lãng phí về năng lượng ánh sáng của con người.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, ánh sáng không cần thiết và thiết kế thiếu hợp lý được coi là một dạng ô nhiễm. Trong một thế giới ngày càng hiện đại hơn, dạng ô nhiễm này đang tác động đến chúng ta một cách âm thầm. Nó chính là một "sát thủ thị lực" đáng sợ đối với con người. Ô nhiễm ánh sáng từ các bóng đèn màu sắc sặc sỡ (còn gọi là ô nhiễm ánh sáng màu) không những tạo ra bất lợi đối với mắt mà còn gây rối loạn cho thần kinh, khiến cho con người dễ xuất hiện các triệu chứng như: choáng váng, chóng mặt, khó chịu trong người, buồn nôn, mất ngủ, mất tập trung, cơ thể mệt mỏi, cáu gắt thường xuyên, buồn phiền... Theo nghiên cứu, nếu như bị các tia tử ngoại sinh ra bởi các bóng đèn ánh sáng màu trong sân khấu chiếu xạ trong thời gian dài sẽ xuất hiện các triệu chứng chảy máu mũi, rụng răng, đục thủy tinh thể, thậm chí dẫn tới bệnh máu trắng và các bệnh nguy hiểm khác…

Điện năng và ánh sáng là cơ sở của sự phát triển kinh tế và đáp ứng nhu cầu của cuộc sống con người. Tất nhiên, các nước phát triển không thể thiếu hai yếu tố này. Nhưng với sự đe dọa của ô nhiễm ánh sáng như hiện nay, các nhà khoa học đang nỗ lực nghiên cứu các nguồn thay thế, giảm bớt tác hại tiềm tàng do ánh sáng nhân tạo mang lại. Để giải quyết vấn đề cấp bách này, các nhà khoa học ở một số quốc gia đã chuyển sang biện pháp sử dụng "màu sinh thái". "Màu sinh thái" là những màu sắc đem lại cảm giác dễ chịu cho đôi mắt, không gây phản quang hay ảnh hưởng đến sức tập trung của thị giác.

Chẳng hạn như khi trang trí kiến trúc trong phòng, người ta sử dụng màu vàng lúa, xanh nhạt thay cho màu trắng kích thích mắt, thậm chí trang phục cũng cần theo màu sinh thái, không nên mặc quần áo màu trắng tuyết gây ra cảm giác không dễ chịu cho thị giác người xung quanh. Ngoài ra, các nhà khoa học còn khuyến khích mọi người nên sử dụng đèn có lồng cách nhiệt, giảm công suất chiếu sáng ngoài trời. Bóng đèn có lồng cách nhiệt (thường là lồng kính) tốn ít công suất và giúp tiết kiệm năng lượng, chi phí và giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.

Nguồn: Trung tâm Quan Trắc Môi Trường - Tổng Cục Môi Trường

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn