Tại cuộc họp Ban chỉ đạo An toàn Vệ sinh Thực phẩm (ATVSTP) TP Hà Nội diễn ra chiều 29/10, Chi Cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Hà Nội Lê Đức Thọ cho biết, qua việc thanh kiểm tra 110 cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm đã phát hiện và xử lý vi phạm 44 cơ sở với tổng số tiền phạt gần 360 triệu đồng và 7 cơ sở sản xuất đã bị đình chỉ hoạt động. Ngoài ra, thanh tra đã tiêu huỷ 253 hộp caramen đủ điều kiện ATVSTP, huỷ 17,2 kg bánh đúc có hàn the. Chi Cục ATVSTP kiểm tra giám sát 429 cơ sở dịch vụ ăn uống và sản xuất thực phẩm: 361/429 cơ sở đạt ATTP (83,9%)…
Tiến hành kiểm tra 256 tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp cũng đã xử phạt 128 tổ chức, cá nhân, vi phạm hành chính với tổng số tiền là hơn 456 triệu đồng.
Trưởng Phòng Quản lý Công nghiệp (Sở Công thương Hà Nội) Nguyễn Thị Quỳnh Vân cho rằng, theo quy định chức năng của từng ngành, nhóm ngành hàng như: tinh bột, bánh kẹo, ô mai do công thương quản lý, còn các nông sản như: rau, củ quả lại do ngành nông nghiệp quản lý. Vì vậy, một doanh nghiệp vừa sản xuất miến gạo vừa sản xuất miến dong thì phải xin cấp hai giấy phép ATVSTP. Bởi vì miến gạo được sản xuất từ tinh bột, còn miến dong được chế biến từ củ dong riềng. Tương tự, doanh nghiệp sản xuất ô mai cũng gặp khó, vì ô mai ngọt do công thương chịu trách nhiệm, còn ô mai mặn lại do nông nghiệp quản lý. Thậm chí, trong một siêu thị, kinh doanh nhiều nhóm ngành hàng thuộc ba sở quản lý, phải mất rất nhiều thời gian để xin đủ ba giấy chứng nhận hợp quy, khi đó mới được cấp giấy đủ điều kiện ATVSTP.
Phó Ban chỉ đạo ATVSTP TP Hà Nội, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền nhấn mạnh, sẽ kiến nghị để liên Bộ sớm ban hành thông tư, văn bản phân công rõ trách nhiệm trong quản lý ATVSTP. Để công tác quản lý ATVSTP ngày một tốt hơn, đề nghị các ngành vào cuộc tích cực và phối hợp chặt chẽ, đồng thời tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân. Riêng ngành y tế cũng sẽ tăng cường các đoàn kiểm tra, giám sát các cơ sở, tập trung cao điểm trong Tết dương lịch và Nguyên đán tới đây.
Đánh giá công tác quản lý ATVSTP, một đại biểu thẳng thắn thừa nhận, không ở đâu thực phẩm lại được bày bán bừa bãi, mất vệ sinh như nước ta. Vị đại biểu này cũng đã tận mắt chứng kiến vì lợi nhuận, người trồng vừng còn dùng thủ đoạn giã pin rồi nhuộm vừng trắng thành vừng đen để tăng giá thành. Tuy nhiên, công tác quản lý giữa các ngành chức năng còn… "lùng nhùng" không chỉ gây khó cho nhà kinh doanh mà khi sai phạm xảy ra, quả bóng trách nhiệm sẽ lại được "đá qua, đá lại".
Việc thanh kiểm tra của Chi Cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thuỷ sản thành phố cũng cho thấy,trong tổng số 66 cơ sở sản xuất, kinh doanh được kiểm tra thì có đến 50% số cơ sở phát hiện chưa đảm bảo vệ sinh. Những thức ăn hàng ngày của người dân như: rau, củ quả, hải sản... cũng nằm trong diện "cần kiểm soát". Đơn cử như kiểm tra đột xuất 16 cơ sở kinh doanh sản phẩm thuỷ sản, đồng thời lấy 30 mẫu thuỷ sản tại các chợ trên địa bàn thành phố để kiểm tra có 4/30 mẫu cá phát hiện chất cấm, trong đó có 1 mẫu cá tầm, 1 mẫu cá trê nhiễm kháng sinh LeucoMalachite Green không được phép sử dụng, 2 mẫu cá quả nhiễm kháng sinh cấm AOZ. Lấy 233 mẫu rau, 32 mẫu quả, 60 mẫu chè và 18 mẫu rau ngót (trong đó có 10 mẫu được lấy tại vùng sản xuất, 8 mẫu được lấy tại chợ đầu mối) cũng cho kết quả, có 3 mẫu rau, 1 mẫu quả và 2 mẫu rau ngót có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá ngưỡng cho phép. |
Bình luận của bạn