Phát hiện Nam Việt Hùng vương ngọc phả cổ nhất

Bản sao và bản dịch Hùng vương ngọc phả vĩnh truyền được viết từ thời Tiền Lê được nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Đài lưu giữ

Lễ khai ấn Đền Trần sẽ diễn ra vào đêm 14 tháng Giêng

"Lãnh đạo cấp cao không nên dự khai ấn đền Trần"

Đi đền, chùa như thế nào cho đúng?

Điều đáng tiếc là nhóm phóng viên Health+ đã không được tận mắt nhìn thấy ngọc phả viết trên giấy gió được cất giữ trong ngồi đền cổ. “Từ ngày biết được giá trị của những “tờ giấy” gió gập đôi, chữ viết hai mặt trước sau vốn được cất giữ cẩn trọng tại nơi trang trọng nhất của đền, chính quyền địa phương và ông từ của đền càng thận trọng hơn trong việc nói đến ngọc phả hơn 1.000 năm tuổi này”, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Đài - người có công lớn trong việc tìm kiếm, dịch cũng như sắp xếp lại các trang ngọc phả nguyên bản - cho biết.
Ngọc phả cổ nhất Việt Nam
Nội dung ngọc phả nói về họ Hồng Bàng (họ vua Hùng), sử ký Việt Nam, ghi chép danh vị các vị vua Hùng được thờ cúng, trong đó viết từ chi đầu đến chi cuối, theo thứ tự. Mỗi vị vua có tên thường gọi, tên húy, tên thụy, tên mỹ tự truy phong, ngày sinh, ngày mất, số năm trị vì, tuổi thọ, vợ con, cháu chắt…
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Đài
“Nam Việt Hùng vương ngọc phả vĩnh truyền miêu duệ tôn điệt ức vạn niên hương hỏa tự điển truy sùng” là tên chính thức của Ngọc phả viết bằng chữ Hán được tìm thấy tại đền Vân Luông Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Đài, từ những thông tin trên ngọc phả cho thấy, bản ngọc phả Hùng Vương này được viết vào năm Thiên Phúc đầu tiên, tháng Giêng, ngày 25 thuộc thời vua Lê Đại Hành (dương lịch là năm 980, cách đây 1035 năm). Đây là bản ngọc phả cổ nhất về thờ cúng Hùng Vương. 
“Bản Ngọc phả đã ghi rõ 18 chi Hùng Vương, liên quan trực tiếp đến bài vị giúp ta biết Vua Hùng nào là thần chủ trong đền, miếu thờ để xin ngài phù hộ cho cuộc sống”, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Đài cho biết.
Theo phân tích của các nhà nghiên cứu, trong đó có Giáo sư Vũ Khiêu, giá trị của ngọc phả Nam Việt Hùng Vương ngọc phả vĩnh truyền là di sản văn hóa phi vật thể vô cùng độc đáo thắp sáng tình cảm và nhận thức tổ tiên rực rỡ, hùng cường, khẳng định “Nam quốc sơn hà nam đế cư/Tiệt nhiên định phận tại thiên tư”, làm sâu sắc và phung phú tín ngưỡng thờ cúng Hùng vương là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ngọc phả thờ cúng Hùng Vương ra đời trong thời kỳ vận nước “đổi gió”. Năm 980, sau hơn 1.000 năm đô hộ Bắc thuộc, nước ta giành được độc lập với sự lên ngôi hoàng đế của Đinh Tiên Hoàng. Năm Thiên Phúc đầu tiên, Lê Đại Hành cho viết Nam Việt Hùng Vương ngọc phả vĩnh truyền, chỉ ra 18 đời Vua Hùng đã làm bừng lên trong tâm thức người Việt các thời đại sự tự hào dân tộc, về nền độc lập dân tộc của nước nhà. Tâm thức ấy trải mãi theo dòng lịch sự, như tiếp sức cho mọi thế hệ dân tộc chống lại quân xâm lược. Cũng tâm thức ấy, việc nước Nam Việt hoàn toàn độc lập là lẽ tự nhiên của đất trời, của tạo hóa, như muôn quy luật của tự nhiên vậy.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Đài (ngoài cùng bên phải) nói về cột đá thề trước cổng Đền Thượng
Khác với những bản ngọc phả được tìm thấy và lưu truyền trước đó, Nam Việt Hùng Vương ngọc phả vĩnh truyền là bản ngọc phả dành cho việc thờ cúng nên ghi chép danh vị (tên thường gọi, tên húy, tên thụy và tên mỹ tự truy phong) từng chi, chỉ nêu người vua đầu tiên. Bản ngọc phả này góp phần làm sáng tỏ lịch sử cội nguồn. Trước đó, nhiều thế hệ tưởng rằng, 18 đời Vua Hùng bao gồm cả Kinh Dương Vương và Lạc Long Quân. Nhưng thực tế, Nam Việt Hùng Vương ngọc phả vĩnh truyền cho thấy, 18 đời Vua Hùng không bao gồm Kinh Dương Vương và Lạc Long Quân, mà chỉ tính từ Hùng Quốc Vương (Cấn chi, người con đầu của Lạc Long Quân và Âu Cơ).
Núi Nghĩa Lĩnh và một góc “nhìn” mới
Cùng với nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Đài, chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình “thăm lại” Đền Hùng. Về bố cục kiến trúc đền chùa trên núi Nghĩa Lĩnh theo lối Tiền Phật hậu Thánh. Thánh ở địa hình cao nhất và được phân nền cấp khác nhau: Đền Hạ, Đền Trung, Đền Thượng, đều có bài vị thờ. 
Đền Trung hay còn gọi là “Hùng Vương Tổ miếu” – là nơi phát tích đầu tiên có 3 ngai thờ có bài vị. Ngai giữa bài vị ghi: “Đột ngột cao sơn cổ Việt Hùng thị thập bát thế thánh vương vị”. Trước đó, nhiều người cho rằng, đó là thờ 18 đời Vua Hùng. Nhưng khi đối chiếu lại với Nam Việt Hùng Vương ngọc phả vĩnh truyền thì bài vị đó thờ Hùng Quốc Vương – vị Vua đầu tiên của nước Văn Lang, con trai trưởng của Lạc Long Quân, người anh cả của bọc trăm trứng. Ngai bên trái ghi “Viễn Sơn thánh vương vị” là thờ Hùng Nghi Vương, con trai trưởng của Hùng Quốc Vương. Ngai bên phải ghi “Ất Sơn thánh vương vị” thờ Hùng Huy Vương - con trai trưởng của Hùng Nghi Vương. “Nếu không có ngọc phả cổ này, có lẽ, chúng ta sẽ còn chưa chấm dứt được sự nhầm lẫn kéo dài trong việc cúng tế các thánh vương ở Đền Trung. Nói tâm linh một chút thì nếu không “kêu đúng tên, cầu đúng người” thì chưa chắc các ngài đã về nhận lễ mà chứng cho vậy”, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Đài nói.
Ngai thờ Ất sơn thánh vương vị tại Đền Thượng
Tương tự Đền Trung, cấu trúc thờ tự Đền Thượng có 4 ngai, 3 ngai có bài vị xếp hàng chữ nhất ở vị trí cao, hướng về phía Nam, trong đó có ngai giữa có 34 chữ mỹ tự: “Đột ngột cao sơn hiển hùng ngao thống thủy hoằng tế chiếu liệt ứng thuận phả hộ thần minh thọ quyết ứng quảng huệ y diễn vệ hàm công Thánh vương vị”. Ngai bên trái và bên phải có 5 chữ mỹ tự: “Viễn Sơn Thánh vương vị”, “Ất sơn thánh vương vị”. Đây là tục thờ thần núi (Thiên thần) và thờ Hùng vương (Nhân thần). Đó là 3 quả núi: Núi Hùng, núi Văn, núi Trọc mà nhân gian gọi là “Tam sơn cấm địa” và tam vị thánh vương, đứng đầu 18 đời Vua Hùng: Hùng Quốc vương, Hùng Nghi vương – con vua Hùng, Hùng Huy Vương – cháu vua Hùng. Chính vì vậy, trong đền có đại tự “Triệu cơ vương tích” - dấu vết nền móng của vua. Mặt trước đền có 4 chữ đại tự Nam Việt triệu tổ - Tổ mở đầu nước Nam. 
Ngai thứ 4 nhỏ hơn, không bài vị, bố trí thấp hơn ngai trên, tọa ở góc hướng Đông Nam, hướng tới nơi hội tụ nguồn nước ngã ba sông – tụ thủy như tụ nhân, là tụ phúc, làm ăn thịnh vượng - là bàn thờ Mẫu, nhưng là mẫu chung thời nguyên thủy thị tộc, gắn với chế độ mẫu quyền. Sự dung hợp tuyệt vời thờ thần núi gắn liền với thờ Mẫu và thờ người có công dựng nước đã thiêng liêng hóa Vua Hùng và người mẹ qua thần linh. Sự thiêng liêng hóa ấy với mục đích cuối cùng là nêu cao đạo lý uống nước nhớ nguồn, là nền tảng của đạo đức và tín ngưỡng Việt Nam, sự dung hợp tài tình ấy, mỗi khi thắp hương trước bàn thờ Tổ cả nước như ta nghe thấy tiếng đồng vọng kỳ lạ của quá khứ sáng trong tim niềm tin thiêng liêng cao cả.
Hùng Vương lăng nằm ở phía trái Đền Thượng, nhìn ra ngã ba sông, được cho là mộ của vua Hùng đời thứ 6. Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Đài, Hùng Vương Lăng chỉ là một biểu tượng và là nơi thờ chung cho tam vị thánh vương đứng đầu của 18 đời Vua Hùng.
Cũng theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Đài, nhiều năm trước, trong thời gian trùng tu Hùng Vương lăng, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra một đôi cột đá đẹp, cao 1m2 với nhiều ký tự và chữ viết được đặt trước lăng. Mất nhiều năm nghiên cứu, cộng với những phát hiện mới về những đôi cột đá tương tự như vậy ở các khu thờ tự khác, ông mới phát hiện ra đó là hoa biểu – hay còn gọi là dấu tích của vua. Chỉ có những khu mộ dành cho vua hoặc cho những người trong hoàng tộc mới được đặt đôi hoa biểu này. Những văn tự ghi trên đó thế nào không rõ, nhưng hiện nay, đôi hoa biểu của Hùng Vương lăng được đặt chìm, chỉ hở ra đôi hàng chữ ghi khắc năm trùng tu thời Nguyễn.
Hùng Vương lăng được cho là lăng mộ tượng trưng cho 18 đời Vua Hùng
Kết
Sau chuyến “thăm” Đền Hùng với nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Đài, chúng tôi còn dành một buổi thăm toàn thể khu di tích Đền Hùng với Đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân dưới chân núi Sim (Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên là năm khởi công xây dựng đền thờ, đỉnh núi Sim phát lộ một đầu rồng hướng lên trời xanh, khiến không ít người tin rằng, nó thể hiện sự thương nhớ, hướng vọng về nơi đất mẹ, nơi Mẹ Âu Cơ cùng 50 người con trai sinh sống), Đền thờ Quốc Mẫu Âu Cơ trên đỉnh Ốc Sơn (Tượng Mẫu hướng về ngã ba sông, nhìn bao quát khắp trăm miền như mắt mẹ hướng về muôn người con phương xa để chăm sóc, bao bọc, trở che...) và tam đền Hạ, Trung, Thượng trên đỉnh Nghĩa Lĩnh với những câu chuyện kể muôn đời tượng trưng cho sức mạnh ngàn đời của toàn dân tộc. Câu chuyện của người hướng dẫn viên có khác, nhưng vẫn hàm chứa nhiều ý nghĩa của nơi chốn linh thiêng. 
Tượng Quốc tổ Lạc Long Quân và Đền Quốc mẫu Âu Cơ trong khu di tích Đền Hùng
Chợt nghĩ, chuyện về vua cha, mẫu mẹ và những người con trên khắp miền tổ quốc, dù theo cách giải nghĩa nào, vẫn là những tranh luận khó có lời giải chính xác. Điều quan trọng, đó là chốn thiêng, những di sản văn hóa, là mạch quốc thống, là niềm tự hào, lòng yêu nước đời đời cho con cháu noi theo.
Anh Vân - Khánh Hạ (H+)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Tâm thức