Thượng tọa Thích Thọ Lạc: “Tây Phương cực lạc chính ở cõi này chứ đâu xa!”

Thượng tọa Thích Thọ Lạc, Phó Trưởng Ban Văn hóa Trung ương, Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Thiền: Hiểu đúng để luyện tâm

Phát hiện ngôi đền Phật giáo cổ nhất

Hỏi đáp về đạo Phật: 5 phút thông tỏ

Đây là khẳng định của Thượng tọa Thích Thọ Lạc, Phó Trưởng Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (BVHTWGHPGVN) trong buổi phỏng vấn về những ảnh hưởng của Phật giáo đến cuộc sống của con người và việc bảo tồn bản sắc văn hóa Phật giáo cũng như bản sắc văn hóa Việt Nam trong những năm tới.
Theo nhận định của Thượng tọa Thích Thọ Lạc, với 2.000 năm lịch sử, Phật giáo in dấu ấn của mình vào nền văn hóa Việt và chính người Việt bằng nhiều cách thức khác nhau cũng “khảm” dấu ấn của mình vào Phật giáo, chế định các giá trị văn hóa Phật giáo. Cùng với thời gian lịch sử, sự hòa trộn bản sắc văn hóa Phật giáo Việt Nam với bản sắc văn hóa dân tộc đã đem lại những nét đặc trưng riêng của văn hóa Phật giáo Việt Nam trong giai đoạn mới. Bảo tồn những nét đặc trưng này không chỉ là việc của Phật giáo mà còn là việc cần sự chung tay góp sức của toàn dân tộc. 
Linh vật của Việt Nam là con nghê đá, thân thiện với con người
Cần nhận thức đúng về Phật giáo
Trong thời gian vừa qua, đã có rất nhiều ý kiến cho rằng, sự du nhập của văn hóa ngoại lai, mà đơn cử là những con sư tử đá đặt tại các đền, chùa, đang làm mất đi bản sắc văn hóa Phật giáo Việt Nam. Là Phó trưởng BVHTWGHPGVN, Thượng tọa có nhận định gì về những ý kiến này?
Xin khẳng định lại rằng, sự du nhập của văn hóa Phật giáo ngoại lai không thể làm “hỏng” nét văn hóa truyền thống của Phật giáo. Tuy nhiên, nếu cứ để sự việc này tiếp diễn và không có sự định hướng lại cộng đồng, sự lai căng văn hóa này sẽ làm “hỏng” hay làm mất đi bản văn hóa của Phật giáo Việt Nam.
Thượng tọa có thể giải thích rõ hơn?
Linh vật thường đặt ở các đền, chùa Việt Nam là con nghê – gần giống với sư tử nhưng hiền hòa hơn và ăn cỏ. Nghê thường được đặt trong vườn cỏ trước sân chùa, thể hiện sự thân thiện, hài hòa của nhà Phật.
Xin lấy ví dụ là những con sư tử đá (theo quan niệm phong thủy để trấn phương hung) được cộng đồng tín, trọng trong thời gian qua, không phù hợp với tinh thần Phật giáo ở điểm nào? Tinh thần của Phật giáo vốn là từ, bi, hỷ, xả, hài hòa cùng với thiên nhiên và con người, không tách rời thiên nhiên và con người. Trong khi đó, những con sư tử đá thường mang tính chất uy quyền – phù hợp với chốn công quyền hơn chùa chiền. Các Phật tử, doanh nghiệp không nhận thức được điều này nên mua về và cung tiến lên chùa, coi như đó là một phần của công đức của mình với nhà chùa. Còn về phía các chùa, nhiều sư, tăng chưa có những nghiên cứu sâu về những linh vật này nên nhận và đặt trong khuôn viên chùa, gây hiểu lầm trong cộng đồng. Nếu tình trạng không được chỉnh đốn thì sau này, khách thập phương sẽ không tìm thấy “bản sắc riêng” của Phật giáo Việt Nam nữa, chỉ thấy sự “lai căng”. Khi đó, chúng ta sẽ “na ná” giống như Trung Quốc, Nhật Bản... trong mắt khách thập phương. Đó là sự “đánh mất bản sắc văn hóa” cần được loại bỏ, cần được “khép lại” từ từ.
“Khép lại” từ từ chứ không phải “cấm”, thưa Thượng tọa?
Đúng vậy! Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có công văn thông báo cho các tự viện, chùa chiền trong cả nước về việc duy trì, bảo tồn các nét văn hóa của Phật giáo Việt Nam, chống lai căng. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, chúng ta lựa chọn giải pháp “khép lại dần dần” bởi những nét văn hóa ngoại lai này đã có một thời gian “dài” du nhập vào Việt Nam nên không thể nói “cấm là cấm ngay được”. Có một bất cập là, các sư, Phật tử và người dân chưa có nhận thức đầy đủ “Thế nào là bản sắc văn hóa Việt Nam”. Do đó, điều quan trọng nhất là phải giải thích cho cộng đồng hiểu về bản sắc văn hóa của dân tộc và Phật giáo để họ kế thừa, phát huy những nét văn hóa đó thay vì du nhập văn hóa từ các quốc gia khác. 
Hơn thế nữa, không phải bất cứ nét văn hóa du nhập nào cũng là không tốt. Với những nét văn hóa phù hợp, chúng ta hoàn toàn có thể hòa nhập vào bản sắc văn hóa Phật giáo dân tộc. Đó mới là tinh thần Phật giáo.
Như Thượng tọa phân tích, vai trò của tuyên truyền, giáo dục cho cộng đồng hiểu về bản sắc văn hóa Phật giáo Việt Nam giữ vai trò rất quan trọng trong việc ngăn ngừa sự “xâm nhập” của văn hóa ngoại lai.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức các buổi triển lãm di sản văn hóa Phật giáo để tuyên truyền cho cộng đồng hiểu hơn về bản sắc văn hóa Phật giáo Việt Nam
Đúng vậy. Nếu như một người dân bình thường hay tăng, sư, ni, Phật tử hiểu được về bản chất của văn hóa Phật giáo thì họ sẽ không phạm sai lầm nữa. Nói rõ hơn thì như thế này: Nếu người dân hiểu con sư tử không phải linh vật của Việt Nam, không đặt ở chùa, chiền thì chắc chắn họ sẽ không cung tiến lên chùa nữa. Nếu các tăng, ni hiểu rằng con vật này là vật hung thì dù có được cung tiến sẽ không nhận mà còn phân tích cho người dân hiểu rõ hơn về linh vật nói riêng và bản sắc văn hóa Việt Nam nói chung. Do đó, vai trò của tuyên truyền, giáo dục về văn hóa Phật giáo là rất lớn.
Xác lập bản sắc văn hóa Phật giáo Việt Nam: Việc cần làm ngay!
Vậy, thưa Thượng tọa, có thể hiểu thế nào là bản sắc văn hóa của Phật giáo Việt Nam? Thế nào là tinh thần Phật giáo?
Như tôi đã nói, tinh thần Phật giáo là từ, bi, hỷ, xả, hài hòa cùng với thiên nhiên và con người, không tách rời thiên nhiên và con người. Tinh thần này, khi du nhập vào mỗi quốc gia sẽ hòa đồng, hòa nhập với văn hóa của từng quốc gia, từng dân tộc “như nước với sữa” để tạo nên nét riêng biệt của Phật giáo ở quốc gia/dân tộc đó. Khi du nhập vào Trung Quốc, Phật giáo hòa nhập với nền văn hóa Trung Quốc. Khi vào Nhật Bản, Phật giáo hòa quyện với văn hóa Nhật Bản để tạo nên một nét riêng có của Phật giáo Nhật Bản. Tại Việt Nam cũng vậy, khi du nhập vào Việt Nam Phật giáo hòa nhập với phong tục tập quán, nét văn hóa riêng có của người Việt để tạo nên bản sắc văn hóa riêng biệt của Phật giáo Việt Nam. 
Với hơn 2.000 năm hòa quyện và phát triển nên văn hóa Phật giáo Việt Nam không thể tách rời văn hóa dân tộc và nói đến văn hóa dân tộc cũng không tách rời văn hóa Việt Nam. Hay nói chính xác hơn thì văn hóa Phật giáo và văn hóa dân tộc tuy hai nhưng đồng nhất thể (Tuy hai mà một - PV). Do đó, chúng ta nên gìn giữ bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, không để văn hóa ngoại lai xâm nhập khiến cho văn hóa Phật giáo Việt Nam mất đi bản sắc riêng có.
BVHTW GHPGVN đã có giải pháp gì để tuyên truyền cho người dân hiểu rõ hơn về bản sắc văn hóa Phật giáo Việt Nam, thưa Thượng tọa?
BVHTW GHPGVN đã có những bước tuyên truyền rất mạnh trong cộng đồng để đảm bảo bảo tồn bản sắc văn hóa Phật giáo Việt Nam. Trong thời gian gần đây, BVHTW GHPGVN đã đi khảo sát một loạt các tỉnh biên giới, đặc biệt là các tỉnh phía Bắc và tại đó đã tuyên truyền cho tăng, ni và cả cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là những người làm công tác quản lý Phật giáo tại khu vực đó phải duy trì, phát huy truyền thống dân tộc, phải giữ gìn được bản sắc của dân tộc mình. Nếu chúng ta không làm “chặt”, chúng ta có thể sẽ bị “xâm lược” về văn hóa, không chỉ là các con linh vật mà cả kiến trúc, cả ngôn ngữ. 
Lấy ví dụ về ngôn ngữ nhé. Là chùa Việt Nam, sao phải dùng chữ Hán làm chi? Nếu dùng chữ Hán để viết đại tự, câu đối, hoành phi... thì sao người dân có thể hiểu được? Nhiều chùa chiền, thiền viện hiện nay đã có những bước chuyển đổi rõ rệt về ngôn ngữ. Hoành phi, câu đối được chuyển sang tiếng Việt, vẫn đảm bảo về thẩm mỹ, về độ nghiêm trang của kiến trúc Phật giáo mà người dân có thể hiểu được ý nghĩa của những dòng chữ đó. Đó là một tiến bộ. Trong thời gian tới sẽ là kiến trúc, sắc phục hay cách thờ tự… để khi đến với Việt Nam, bạn bè quốc tế sẽ nhận thấy được bản sắc riêng có của Việt Nam chứ không phải “na ná” với nhiều quốc gia khác trong khu vực.
Tuy nhiên, cộng đồng vẫn còn thờ ơ với văn hóa Phật giáo
Như vậy, bản sắc riêng có của văn hóa Phật giáo Việt Nam sẽ được xác lập trong thời gian tới, thưa Thượng tọa?
Nói về văn hóa Phật giáo thì muôn màu, muôn dạng, nhưng về cơ bản, trong năm 2015, BVHTWGHPGVN sẽ xác lập nét đặc trưng của Phật giáo Việt Nam, trước hết là để giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của Phật giáo cũng như dân tộc, thứ đến là để duy trì, phát huy và phát triển các giá trị văn hóa này. 
Có 4 việc quan trọng mà BVHTW GHPGVN xác định sẽ thực hiện trong năm 2015 này. Đó là: Xác định và gìn giữ các di sản truyền thống của Phật giáo. Thứ hai là Việt hóa hoàn toàn ngôn ngữ Phật giáo, bao gồm cả kinh sách. Thứ ba là xác định và tìm ra nét kiến trúc độc đáo của Phật giáo Việt Nam. Thứ tư là trang phục, không thể để bị “lẫn” với tăng, ni của nước bạn Trung Hoa mãi được. Trong năm 2015, BVHTWGHPGVN sẽ tập trung làm rõ những vấn đề này. Tất nhiên còn nhiều đề tài nhỏ liên quan như âm nhạc, văn hóa ẩm thực Phật giáo, ứng xử trong nghi lễ, lễ hội hay giao tiếp Phật giáo... cũng sẽ được thực hiện song song với 4 vấn đề lớn trên. 
Dự kiến, các chương trình sẽ được tổ chức tại cả 3 miền đất nước để không chỉ tìm ra những nét chung của Phật giáo Việt Nam mà còn tìm ra nét riêng của từng vùng, miền để bảo tồn và phát triển. Ngoài ra còn tổ chức lễ hội văn hóa Phật giáo tại các tỉnh biên giới như Điện Biên, Lạng Sơn...
Trải rộng tình thương để xây dựng Tây Phương cực lạc
Thưa Thượng tọa, trong thời gian gần đây, Giáo hội Phật giáo Việt Nam có nhiều hoạt động nhằm giới thiệu đến công chúng những giá trị của Phật giáo. Nhiều Phật tử cũng nói về quan niệm “Phật hóa nhân gian” hay đưa đạo vào đời. Có thể hiểu như thế nào về quan niệm này?
Tinh thần Phật giáo là “Tự giác giác tha, tự lợi lợi tha, vô ngã vị tha”. Đó là tinh thần hướng thiện và các pháp môn tu hành hướng con người ta đến sự an lành, giải thoát, thánh thiện và giác ngộ. Các pháp môn tu hành của Phật giúp con người được an lạc, giải thoát. Những người đến với Phật giáo là tự cảm nhận tinh thần của Phật giáo. Cảm nhận rồi thì chia sẻ, hướng dẫn, tuyên truyền để những người xung quanh cùng hiểu về tinh thần này. Đó chính là đem đạo vào đời.
Giáo hóa cho chúng sinh hiểu về tinh thần của Phật giáo và áp dụng tinh thần đó trong cuộc sống chứ không phải chỉ là trưng bày những bức tượng, linh vật hay biểu tượng của Phật giáo. (Ảnh: Zing)
Dựa trên tinh thần đó, Phật giáo hướng con người đến chân, thiện, mỹ. Khi chúng ta hiểu được điều này thì chúng ta hướng dẫn những người xung quanh. Trong Phật giáo, không cần phải giúp người đâu xa, mà chỉ cần giúp những người xung quanh mình, trong gia đình mình hay gọi là Phật giáo hóa gia đình, Phật giáo hóa xã  hội. 
Vừa qua, BVHTWGHPGVN cũng đã có những hành động nhân rộng hơn nữa tinh thần từ bi hỷ xả, tinh thần “Đại bi đồng thể” (thương người như thể thương thân) của Đức Phật trải rộng trong toàn xã hội. Ban đã kêu gọi các Phật tử chia sẻ sự khó khăn với các hoàn cảnh trong xã hội, những người nghèo khổ, đói rét... Tối tối, các Phật tử, nhóm Phật tử đã mua áo, mũ, găng tay, thức ăn, vật dụng gia đình... tặng cho những người vô gia cư. Như vậy, chúng ta trải rộng tình thương của Phật với cộng đồng. Đó là văn hóa phi vật thể của Phật giáo.
Xã hội càng có nhiều người cảm nhận được tinh thần này - cứ thật tâm mà sống, nhân ái, chan hòa với mọi người, với cộng đồng - thì người người an lạc, xã hội an lạc, ít việc ác, giàu việc lành. Khi đó, Tây Phương cực lạc hiện diện trong chính cuộc sống hiện tại này chứ ở đâu xa.
Mọi người đều đối xử tốt với nhau thì xã hội an lạc. Tâm an lạc thì thế giới an lạc thì cực lạc tại chính kiếp này rồi. Không phải là vật chất nhiều, địa vị cao mà có được sự an ổn. Chính tình người, tâm của con người với nhau, biết tôn trọng, biết trân trọng và chia sẻ tình thương cho nhau là hạnh phúc, là cái an lạc hiện tại, là xây dựng thế giới cực lạc trong cõi này. Trong hiện tại phải gây cái nhân thì sang kiếp sau mới được sang Tây Phương cực lạc. Đó chính là Phật giáo hóa nhân gian, Phật giáo hóa gia đình.
Cảm ơn những chia sẻ của Thượng tọa. Chúc Thượng tọa và Giáo hội Phật giáo Việt Nam một năm mới an lành.
Kế hoạch xác lập bản sắc văn hóa Phật giáo Việt Nam cho từng quý của năm 2015 gồm:
- Quý I: Tổ chức triển lãm về các di sản văn hóa, ngôn ngữ, kiến trúc, trang phục của Việt Nam cũng như các quốc gia qua các thời kỳ để cộng đồng có thể nhìn thấy điểm chung và điểm riêng biệt của văn hóa Phật giáo Việt Nam
- Quý II – III: Tổ chức các cuộc thi nghiên cứu và thiết kế các đặc trưng văn hóa Phật giáo Việt Nam. Các cuộc thi sẽ tổ chức rộng rãi và có lấy ý kiến của cộng đồng.
- Quý IV: Ban hành, phổ biến cho cộng đồng hiểu về những nét riêng của Phật giáo Việt Nam: Chữ viết riêng, ngôn ngữ riêng, trang phục riêng, kiến trúc riêng... mà chúng ta cần phải biết để phát huy và phát triển nó lên.
Khánh Hạ (H+)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Trò chuyện