Bây giờ thì người ta ví von, rồi "đổi tên" phố Chợ Sáng (phường Phả Lại, Chí Linh, Hải Dương) là phố "ung thư", vì cả khu phố vẻn vẹn chỉ hơn 100 nóc nhà nhưng chỉ trong mấy năm đã có 28 người chết (và còn 6 người đang chờ chết) do mắc bệnh ung thư. Kia là nhà bà Trần Thị Ngọt có chồng chết, con chết vì ung thư, bà cũng đang mắc bệnh này. Cách đó 3 gian nhà là cháu Đào Vĩnh Khang- 2 tuổi, đang mắc nang bạch huyết lưỡi; rồi 4 gian nhà liên tiếp ở giữa phố đều có người vừa chết vì ung thư… Đến đâu, chúng tôi cũng nghe nói đến ung thư và chết chóc.
Ung thư từ
già đến trẻ
Chúng tôi có mặt ở
phường Phả Lại, thị xã Chí Linh (Hải Dương) vì một sự việc thời sự: Người dân dựng lều bạt, đổ đất
lấp cổng Cty TNHH Thiên Lộc - đơn vị sản xuất tấm lợp phibrôximăng gây ô nhiễm suốt một thời gian
dài. "Người dân tự ý đổ đất lấp cổng nhà máy của người ta thế này là quá khích rồi" - một người lên
tiếng. Đáp lại, một người đàn ông trung niên giọng từ tốn: "Tôi là người phố Chợ Sáng thuộc khu dân
cư Ngọc Sơn, phường Phả Lại. Chính tôi tham gia vào việc này. Mời các anh ở đây một ngày, chứng
kiến chúng tôi sống khổ thế nào, sẽ thấy tại sao người dân chúng tôi làm như vậy...".
Cháu Đào Vĩnh Khang với căn bệnh nang bạch huyết lưỡi.
Phố Chợ Sáng trông
bề ngoài khá khang trang, nhưng âm u lạ lùng. Một thứ mùi "lạ", một màn sương mờ từ khói bụi cứ lẩn
quất, ngột ngạt khắp khu phố nhỏ. Mấy căn nhà có biển "bán nhà" phía trước, những tấm biển cũ kỹ
khiến người ta hiểu nó đã được treo đã lâu lắm rồi. Chị Vũ Thị Xuân (ở số 336) nhanh nhảu: "Nhà
đẹp, giá rẻ lắm, nhưng chủ nhà treo biển 5-6 năm nay chẳng ai mua. Đơn giản vì những nhà đó đều có
người chết vì ung thư. Ai có ý định mua nhà, khi biết về khu phố này đều bỏ cuộc. Chúng tôi vì
không đủ tiền chuyển nhà nên đành ở lại, chấp nhận sống chung với khói bụi".
Nằm cuối dãy phố, căn
nhà bà Trần Thị Ngọt chỉ rộng chừng 20m2. Bà Ngọt nước mắt ngắn dài khi kể về hoàn cảnh của mình.
Hơn 20 năm trước, bà Ngọt về sống tại khu phố này cùng chồng. Tới năm 1993, vợ chồng bà sinh được
cậu con trai Phạm Văn Tùng. "Khi đó chúng tôi là gia đình hạnh phúc" - bà Ngọt nhớ lại những ngày
tháng dù nghèo khó nhưng êm đềm. Thế rồi khoảng năm 2005, chồng bà cứ yếu dần, các bác sĩ chẩn đoán
chồng bà bị ung thư. Chẳng bao lâu thì người chồng chết, bà Ngọt một mình tần tảo nuôi con. Nhưng
đến năm 2010, đứa con duy nhất của bà cũng mắc căn bệnh quái ác này. Cùng thời điểm, bà Ngọt đi
khám bệnh và được thông báo mắc bệnh ung thư như chồng, con.
Kinh tế cạn kiệt, sức
khỏe mất dần, mẹ con bà chỉ biết bấu víu sống bằng những bữa cơm mà người dân phố chợ thương tình
gom góp giúp đỡ. Không thuốc thang điều trị, đầu năm 2013 con trai bà chết. Chỉ trong mấy năm, lần
lượt chồng, con ra đi, bản thân đang mắc ung thư giai đoạn cuối, người đàn bà bất hạnh này dường
như chỉ sống tạm để chờ đến ngày "đi" theo chồng, con.
Ung thư não, dạ dày, vòm
họng, phổi... đã lần lượt lấy đi sinh mệnh của 28 người ở phố chợ Sáng trong vòng vài năm trở lại
đây. 10 năm trước, vợ chồng chị Vũ Thị Minh mua căn nhà của ông Phạm Văn Hòa. Gia đình ông Hòa phải
bán nhà vì ông mắc bệnh ung thư não, điều trị quá tốn kém. Chuyển về sống tại căn nhà này được mấy
năm thì mẹ chị Minh mắc ung thư chết. 2 năm sau chồng chị là anh Trần Mạnh Hải vốn khỏe mạnh bỗng
đổ bệnh ung thư rồi ra đi.
Đầu năm 2012, đi khám
bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai, chị Minh thêm một lần rụng rời khi nhìn thấy kết quả chẩn đoán: Ung
thư. Cách nhà chị Minh 4 căn nhà là một dãy liên tiếp 5 ngôi nhà có người bị ung thư. Ông Nguyễn Bá
Khanh mấy năm nay phải làm bạn với những bình ôxy vì ung thư. Con gái ông Khanh là chị Nguyễn Thị
Doan ở nhà bên cạnh cũng mới chết vì ung thư dạ dày. Những đứa trẻ mới sinh ra ở khu phố chợ này
cũng chịu chung cảnh ngộ với người lớn. Nhìn cảnh cháu Đào Vĩnh Khang (SN 2000) khôi ngô tuấn tú,
nhưng lưỡi cứ đẩy ra khỏi miệng như một miếng thịt thừa, không khỏi xót xa. Cháu sinh ra ở đây,
uống nước ở đây, mắc bệnh nang bạch huyết lưỡi - một dạng của ung thư.
Nhà máy, khói
bụi bao vây khu dân cư
Phố Chợ Sáng chỉ là một
cụm dân cư nhỏ mà chúng tôi kịp khảo sát. Những khu phố lân cận với những dãy phố tương tự và cũng
nhiều người mắc bệnh ung thư. Các khu phố này có đặc điểm là nằm lọt thỏm giữa 4 phía là các nhà
máy, xí nghiệp, bến bãi. Với cụm dân cư phố Chợ Sáng, điều họ phải chịu đựng nhiều hơn là nằm sát
vách với một cơ sở sản xuất tấm lợp phibrôximăng. 20 năm trước, khi công nghiệp còn chưa phát
triển, người dân Chí Linh tự hào có xí nghiệp sản xuất phibrôximăng mang tên ''tấm lợp Đông Anh''.
Khói bụi mù mịt nhưng chẳng sao, nước thải từ nhà máy đổ ra đen kịt nhưng người dân vẫn dễ dàng
chấp nhận. Thậm chí, khi làm đường người dân vào xin nhà máy ít xỉ để lót ổ gà, được nhà máy "hào
phóng" cho, họ còn cảm ơn rối rít.
Nơi vui chơi của trẻ em phố Chợ Sáng cũng nhuốm màu... công nghiệp.
Tuy vậy chỉ vài năm
sau, đồng loạt người dân ở đây đều cảm nhận thấy sức khỏe suy giảm nghiêm trọng, từng người mắc
những căn bệnh quái ác. Đến lúc này, dân phố Chợ Sáng mới tìm hiểu thì được biết nhà máy này dùng
chất amiăng, một loại hóa chất cực độc - để sản xuất tấm lợp. Bất bình, họ kéo đến vây nhà máy và
dưới áp lực đó, chính quyền vào cuộc yêu cầu nhà máy này đóng cửa. Được 3 năm thì Cty sản xuất tấm
lợp Đông Anh chuyển nhượng toàn bộ cơ sở vật chất cho Cty TNHH Thiên Lộc. Cty này "phát huy truyền
thống" tiếp tục sản xuất tấm lợp phibrôximăng, khiến người dân một lần nữa bất bình kéo đến đổ đất
đá vây cổng công ty suốt từ ngày 14/10 tới nay.
Khi sự kiện dân vây Cty
Thiên Lộc vẫn đang "nóng bỏng", ông Phạm Đức Bình - Trưởng phòng hành chính Cty Thiên Lộc (nguyên
là cán bộ nhiều năm của CTCP đầu tư và xây dựng số 18) - thừa nhận: Đơn vị trước (tấm lợp Đông Anh
- PV) sản xuất tấm lợp phibrôximăng không có hệ thống thu gom, xử lý nước thải nên toàn bộ nước
thải đều được xả ra bên ngoài, chảy ra khu dân cư dẫn đến việc 2 ao cá bị chết và phải đền. Chính
ông Bình là người khi đó được công ty giao cho nhiệm vụ thực hiện thanh thoán chi trả đền bù cho 2
hộ dân nuôi cá. Trong quá trình sản xuất tấm lợp, do nhà xưởng hở, không được che chắn, công nghệ
lạc hậu nên bụi amiăng phát tán ra môi trường chung quanh, bay vào khu dân cư là khó
tránh.
Nói Cty tấm lợp Đông Anh
và Cty TNHH Thiên Lộc gây ô nhiễm khiến người dân mắc ung thư có phần khiên cưỡng, bởi quanh khu
phố chợ này có hàng chục nhà máy thi nhau xả khói bụi. Ông Phương Văn Môn - Phó Chủ tịch UBND
phường Phả Lại - thì phân bua: "Đây là khu công nghiệp, mà đã là khu công nghiệp thì ô nhiễm là
đương nhiên".
Ông Môn nói đúng, nhưng
bàng quan quá. Và chính quyền địa phương ở đây "gần dân" đến mức -theo lời ông Môn thì: "Nghe
nói ở đấy có nhiều người bị ung thư, nhưng nguyên nhân ở đâu thì phải cơ quan chuyên môn đánh giá,
chứ chúng tôi làm sao mà biết được?". Thừa nhận là có nhiều đơn khiếu nại của người dân khu vực
phản ánh tình trạng ô nhiễm trầm trọng và thực trạng có nhiều người bị ung thư, nhưng khi được hỏi
địa phương đã có kiến nghị gì với cấp trên hay cơ quan chuyên môn chưa thì vị đại diện chính quyền
địa phương vẫn một mực cho rằng "phải có ý kiến của cơ quan chuyên môn". Nhưng cơ quan chuyên môn
nào sẽ đến với bà con phố Chợ Sáng, khi mà chính quyền địa phương chỉ "nghe nói có nhiều người bị
ung thư"?
Đem câu chuyện về khu
phố ung thư trao đổi với lãnh đạo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Hải Dương, chúng tôi cũng nhận được
câu trả lời "không biết", nhưng xem ra còn có trách nhiệm hơn. Ông Bùi Huy Nhanh - Giám đốc trung
tâm - khẳng định: "Cơ quan y tế dự phòng tỉnh Hải Dương chưa nhận được báo cáo nào của cấp dưới
cũng như chính quyền địa phương phản ánh gì về tình trạng số người mắc ung thư đột biến như các anh
phản ánh". Tuy nhiên, ông Nhanh không quên xin chúng tôi địa chỉ "phố ung thư" với câu nói chắc
nịch: "Nếu báo chí phản ánh, chắc chắn chúng tôi sẽ cử tổ công tác tới để điều tra hồi cứu. Quá
trình điều tra hồi cứu sẽ mất khoảng nửa tháng để có kết luận về hiện tượng này".
Câu nói của ông Giám đốc
Trung tâm Y tế dự phòng gieo vào lòng chúng tôi một hy vọng: Biết đâu, tiếng nói, đơn thư của hàng
trăm người dân "phố ung thư" suốt mấy năm qua, bây giờ sẽ có hồi đáp?
Bình luận của bạn