Cẩn trọng với bệnh viêm mũi xoang ở trẻ


Tránh cho trẻ tiếp xúc với khói, bụi, môi trường ô nhiễm để phòng ngừa các bệnh đường hô hấp

Viêm mũi xoang là một bệnh rất thường gặp và có xu hướng ngày một tăng lên. Với trẻ nhỏ, xoang bị viêm sớm nhất, ngay từ lúc mới sinh là xoang sàng. Xoang hàm thường bị viêm từ lúc 4 - 5 tuổi. Các xoang khác thường bị viêm muộn hơn.

Có nhiều nguyên nhân gây ra viêm mũi xoang như: Do nhiễm vi khuẩn, virus (nhiễm khuẩn do trẻ bị viêm họng, viêm VA, viêm amidan, viêm mũi, viêm lợi, viêm tủy răng…), nấm, do dị vật (gặp viêm xoang một bên ở trẻ), dị ứng, chấn thương, trào ngược dạ dày thực quản. Một số yếu tố thuân lợi làm trẻ dễ bị viêm mũi xoang hơn như điều kiện sống, môi trường bị ô nhiễm, thời tiết thay đổi, khói, bụi…


Khi bị viêm mũi xoang trẻ có các triệu chứng như: nhiễm trùng rõ rệt, sốt cao, môi khô, lưỡi bẩn, mệt mỏi, kém ăn… Trẻ ngạt tắc mũi kèm theo chảy nước mũi trắng đục rồi chuyển dẫn màu vàng xanh, mùi tanh hôi. Trẻ có thể kêu đau nhức vùng mặt, thường đau về sáng, đau thành từng cơn, vùng má, trán, thái dương hai bên, hoặc lan xuống răng hay lên nửa đầu, đau tăng lên về sáng do ban đêm dịch tiết và mủ ứ đọng kèm theo ngửi kém. Một số trẻ có thể bị giảm thị lực trong giai đoạn này.


Viêm mũi xoang ở trẻ nhỏ có thể điều trị khỏi và nguyên tắc điều trị là làm cho xoang dẫn lưu và thông khí trở lại; điều trị theo nguyên nhân gây viêm xoang (điều trị viêm nhiễm, lấy bỏ dị vật, tái tạo lại giải phẫu sau chấn thương…). Bệnh có thể chuyển thành mạn tính sau 12 tuần nếu không tích cực điều trị viêm xoang cấp.


Viêm mũi xoang tuy không ảnh hưởng đến tính mạng trẻ nhưng kéo dài sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt của trẻ và nếu không được điều trị tốt sẽ gây biến chứng như: viêm mũi họng, viêm tai giữa, cốt tủy viêm xương hàm trên, xương thái dương, viêm thanh quản, viêm phế quản…

Phương pháp điều trị viêm mũi xoang trẻ em hiện nay chủ yếu là điều trị nội khoa như "Làm sạch và thông thoáng hốc mũi cho trẻ (xì mũi, rửa mũi, hút mũi và mủ): Nhỏ các loại thuốc sát khuẩn, chống phù nề, co mạch; Xông hơi nước nóng với các loại thuốc có tinh dầu, bay hơi được; Khí dung mũi xoang... Ngoài ra, có thể sử dụng liệu pháp kháng sinh cho trẻ để có hiệu quả điều trị tốt nhất” – TS.BS Phạm Thị Bích Đào cho biết.

Phòng bệnh viêm mũi xoang cho trẻ bằng cách:

-Tránh cho trẻ tiếp xúc với lạnh, bụi, khói…
-Điều trị tốt các ổ viêm nhiễm ở vùng mũi họng, răng miệng.
-Điều trị tốt các bệnh viêm đường hô hấp.
-Nâng cao sức đề kháng, tăng cường sức chống đỡ của niêm mạc mũi xoang.

linhly
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Tai mũi họng