Bé 6 tuổi bị rận mu tấn công
Xuất hiện nhiều trường hợp rận mu kí sinh
Thông tin từ Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương cho biết, gần đây Viện tiếp nhận điều trị nhiều trường hợp rận mu (còn có tên gọi là rận càng cua, rận bẹn...) ký sinh trên cơ thể. Hầu hết bệnh nhân đều sống tại Hà Nội. Như trường hợp anh Trần Đình H. (19 tuổi, ở quận Tây Hồ, Hà Nội), suốt 3 tuần liên tục, anh H. bị ngứa vùng kín, khi đến khám còn mang theo 2 con rận nhỏ đựng trong lọ thủy tinh, được xác định là rận mu. Tương tự tại nhiều cơ sở y tế khác cũng tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân mắc rận mu, bao gồm cả nam và nữ trong độ tuổi thanh niên. Các trường hợp này đều có rận ở vùng bẹn gây ngứa và phải gãi liên tục gây lở loét. Loại rận này bám rất chắc ở chân lông, bệnh nhân có những vết thâm đen ở da vùng bẹn do rận hút máu để lại.
Không chỉ người lớn, rận mu còn ký sinh cả trên cơ thể trẻ em ở những vùng có lông, tóc như lông mi, da đầu... Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương từng tiếp nhận bệnh nhi 5 tuổi, ở Chương Mỹ, Hà Nội, vào viện trong tình trạng một bên mi mắt bị rận ký sinh gây đau, ngứa khó chịu. Rận bám sát vào chân mi mắt, khiến bờ mi nổi cộm.
Theo các bác sĩ, rận mu hay còn gọi là rận lông mu, rận cua, chấy cua, rận bẹn (danh pháp khoa học: Pthirus Pubis) là một loài rận thuộc côn trùng hút máu sống và sinh sản ở vùng lông mu của con người như vùng da lông mu, vùng sinh dục nhất là ở nam giới. Rận mu không có cánh, thân trắng, màu giống với màu da của con người và có khả năng đổi màu. Loại rận này hút máu người nơi chúng cư trú như ở chân lông mu do dễ thích nghi với lông ở nam giới cứng và khô, dương vật, bìu, bẹn, bao quy đầu đối với những người đàn ông không cắt bao quy đầu. Rận mu ngoài cư trú và sinh sản bằng hình thức đẻ trứng ở lông vùng sinh dục, chúng có thể trú ở cả ở lông mi, lông mày hoặc có thể thấy ở cả tóc. Ngoài ra rận có thể trú trong áo quần, giường chiếu mùng mền, khăn bông nhiễm mầm bệnh. Nơi rận mu hút máu thường xuất hiện nốt mẩn đỏ, chấm đỏ và gây ngứa rất khó chịu. Nhưng cũng có trường hợp xuất hiện thấy các nốt đỏ, mẩn đỏ nhưng không ngứa. Ngoài ra, có thể thấy hạch vùng bẹn sưng, đau.
Về phương pháp điều trị, khi bị bệnh, cần làm sạch nơi ở để loại bỏ rận, dùng thuốc DEP để diệt rận. Có thể diệt rận mu bằng cách dùng bông gòn, thấm dầu hỏa (dầu hôi) chà lên toàn bộ khu vực có rận mu và để 30 phút sau, rận mu sẽ bị tiêu diệt. Ngoài ra có thể dùng thuốc trừ sâu hữu cơ Cypermethyl hoặc Pyrethrin (cúc trừ trùng) trong các bình xịt muỗi.
Theo các chuyên gia y tế, một trong những nguyên nhân khiến rận mu dễ lây lan là sinh hoạt tình dục, đặc biệt là sinh hoạt tình dục không lành mạnh với người có rận mu. Vì vậy, ngoài các biện pháp phòng tránh như không nên mặc chung quần áo, không dùng chung chăn, chiếu và khăn tắm, không mặc quần lót chật nhất là vào mùa nắng nóng, cần sinh hoạt tình dục lành mạnh, không bừa bãi.
Bình luận của bạn