Từ cây “thuốc giấu” của người dân tộc
Lương y Đào Kim Long kể lại chuyện tìm cây "thuốc giấu" - sâm Ngọc Linh |
Dược sỹ Đào Kim Long cho biết, năm đó, ông cùng với 4 người nữa thành lập một tổ nghiên cứu do Bộ Y tế cử đi, hành quân cùng bộ đội dọc theo dãy Đông Trường Sơn để tìm hiểu về cây thuốc Việt Nam và sự di cư của những cây thuốc, và tìm cây sâm Việt Nam. “Sáng ngày 19/3/1973, trong một khoảng rừng ở vùng núi Ngọc Linh, dược sỹ Nguyễn Châu Giang – thành viên trong đoàn – có mang một cây đến hỏi tôi là cây gì, có phải là cây thuốc không. Tôi giật mình hỏi lại Giang tìm thấy cây thuốc này ở đây thì được Giang dẫn tôi quay lại khoảng mười bước chân và chúng tôi gặp được những cây nhân sâm đầu tiên trên núi Ngọc Linh. Tôi ghé tai bảo Giang: Đây là loài cây mình đang tìm đấy. Giang thiếu điều nhảy lên vì vui mừng”.
Quyết định đi lên cao hơn, vào sâu trong núi, cuối buổi chiều, tổ nghiên cứu 5 người của dược sỹ Đào Kim Long gặp được một thảm nhân sâm dày đặc bên doàng suối. “Thảm cây thuần chủng, mọc xanh tốt và hoa nở thơm ngát. Tôi quyết định dừng lại ở đây để nghiên cứu thêm về đất đai, khí hậu và đặc điểm sinh thái. Hết gạo, chúng tôi ăn rau rừng và uống nước sâm trong nửa tháng, trước khi gặp được người dân bản địa ở đây”. Khi đó, những nghiên cứu của đoàn đã chứng minh được không có bằng chứng di cư của sâm Ngọc Linh từ Trung Quốc xuống hay từ Malaysia, Ấn Độ sang. Đó là cây sâm bản địa của Việt Nam. Theo dược sỹ Đào Kim Long, điều đặc biệt là sâm Ngọc Linh phân tán theo dòng nước. Vào khoảng tháng 9, tháng 10, khi chín, cây lụi đi, đổ hạt xuống đất và những cơn mưa nhỏ kéo các hạt di cư xuống dưới mọc thành cây. Vì thế, cây sâm Ngọc Linh có thể mọc ở bờ suối hoặc ngay trên hòn đá giữa suối.
Những ngày mò mẫm trong rừng tìm hiểu về điều kiện sống, di cư của sâm Ngọc Linh, tổ nghiên cứu bị đồng bào dân tộc bắt giải về bản. May mắn có người trong bản nhận ra là bộ đội nghiên cứu nên được thả và được giúp đỡ tận tình, đặc biệt là những lúc lặn lội vào tận thung lũng Areu trên đỉnh Ngọc Linh. Dược sỹ Đào Kim Long kể. “Những ngày leo rừng, lội suối, ăn ngủ ngờ các bản làng để nghiên cứu sâm, tôi đã dạy họ cách dùng sâm quý. Nhưng thời đấy, địch cũng lặn lội cử các toán biệt kích vào bản nên tôi cũng dặn họ phải giấu kín loại thuốc quý này kẻo bị địch phát hiện. Người nọ truyền tai người kia, cây “Thuốc giấu” cũng từ đó mà ra đời”.
Đến “thần dược” sâm Ngọc Linh
Từ năm 1973 đến nay, đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về cây nhân sâm Ngọc Linh đã chứng minh nhân sâm Ngọc Linh là vị thuốc đặc biệt quý.
Sâm Ngọc Linh đang thời kỳ ra hoa (ảnh st)
Còn theo Tiến sỹ Nguyễn Bá Hoạt - Viện Dược liệu Trung ương – cũng là thành viên trong đoàn nghiên cứu tìm sâm Ngọc Linh những năm 1973 - thì về mặt hoá học, thân rễ và rễ củ sâm Ngọc Linhđã phân lập được 52 saponin trong đó 26 sanopin thường thấy ở sâm Triều Tiên, sâm Mỹ, sâm Nhật. Trong lá và cọng đã phân lập được 19 saponin pammaran, trong đó có 8 saponin có cấu trúc mới. Đã xác định được trong sâm Ngọc Linh 17 acid amin, 20 chất khoáng vi lượng và hàm lượng tinh dầu là 0,1%.
Trước khi có những nghiên cứu kỹ lưỡng về tác dụng đối với sức khỏe của sâm Ngọc Linh, sâm đã được các dân tộc thiểu số Việt Nam, như người Xê Đăng, dùng như một loại thuốc trong những bài thuốc cổ truyền cầm máu, lành vết thương, làm thuốc bổ, sốt rét, đau bụng, phù thũng. Còn theo TS. Nguyễn Bá Hoạt, những kết quả nghiên cứu dược lý thực nghiệm sâm Ngọc Linh đã chứng minh tác dụng chống stress vật lý, stress tâm lý và trầm cảm, kích thích hệ miễn dịch, chống oxy hóa, lão hóa, phòng chống ung thư, bảo vệ tế bào gan. Nghiên cứu dược lý lâm sàng của sâm Ngọc Linh cũng cho kết quả tốt: bệnh nhân ăn ngon, ngủ tốt, lên cân, tăng thị lực, hoạt động trí tuệ và thể lực cải thiện, gia tăng sức đề kháng, cải thiện các trường hợp suy nhược thần kinh và suy nhược sinh dục, nâng cao huyết áp ở người bị huyết áp thấp.
Ngoài ra, theo dược sỹ Đào Kim Long, sâm Ngọc Linh với lượng hoạt chất phong phú nên có tác dụng chữa bệnh rất đa dạng như: tăng thể lực, chống suy nhược, kích thích hoạt động não bộ, kích thích nội tiết tố sinh dục, tăng tạo hồng cầu tiểu cầu, đặc hiệu với vi khuẩn streptococci chữa viêm họng hạt, giải trừ lo âu, chống trầm cảm, tăng cường chức năng gan và bảo vệ tế bào gan, giảm cholesterol máu, giảm lipid, giảm đường huyết, điều hòa hoạt động tim mạch, chống oxy hóa, chống lão hóa, phòng chống một số loại ung thư, gia tăng sức đề kháng không đặc hiệu… Những công dụng hữu hiệu trên đã được nghiên cứu trong nhiều năm tại nhiều trung tâm y học lớn trên cả nước như Viện Nghiên cứu sức khỏe cao tuổi (GS Phạm Khuê thực hiện), Quân y viện 175 TP.HCM (GS Đỗ Đình Luận thực hiện), Viện Điều dưỡng TP.HCM, Trung tâm Sâm Việt Nam…
Đặc biệt, những nghiên cứu này đã chứng minh rằng sâm Ngọc Linh có thể sử dụng liên tục dài ngày mà không để lại tác dụng phụ. Trẻ nhỏ cũng có thể sử dụng để chữa bệnh với liều lượng từ 50 – 200mg/kg thể trọng. Nếu dùng với liều 30 - 40gr thì có tác dụng như một thuốc giảm đau rất kỳ diệu. Nghiên cứu lâm sang trong hơn 30 năm đối với những bệnh nhân K giai đoạn cuối của Trung tâm Sâm Việt Nam cho thấy, nếu dùng 30 - 40gr/ngày không còn thấy đau đớn.
Sâm Ngọc Linh thuộc loại cây
thảo, cao 80 - 100cm. Thân rễ nằm ngang trên hoặc dưới mặt đất độ 1 -
3cm, mang rễ con và củ. Thân rễ có sẹo, nhiều đốt. Các thân mang lá.
Tương ứng với một thân mang lá là một đốt dài khoảng 0,5 - 0,7cm. Trên
đỉnh của thân mang lá là các lá mọc vòng, có 5-7 lá chét với phiến lá
hình trứng ngược. Hoa mọc giữa các lá thẳng với thân. Quả dài từ 0,8 -
1,0 cm, rộng khoảng 0,5 - 0,6 cm, khi chín có màu đỏ. Cây mọc dưới tán
rừng. Bộ phận dùng làm thuốc chủ yếu là thân rễ củ. Cũng có thể dùng lá
và rễ con. Ngọc Linh thích hợp với nhiệt độ ban ngày từ 20 - 25 độ C,
ban đêm 15 - 18 độ C và có thể sống trên 100 năm. |
Bình luận của bạn