Trong một tuyên bố đăng trên trang web, Bộ Y tế Saudi Arabia cho biết các ca nhiễm mới tập trung tại thủ đô Riyadh, thành phố ven biển Jeddah, các thánh địa Mecca và Medina.

Trong khi đó, số người thiệt mạng do virus MERS cũng tăng lên 115 người với ba trường hợp tử vong mới được ghi nhận tại Jeddah, địa điểm bùng phát dịch mạnh nhất trong thời gian gần đây.

Tốc độ lây lan nhanh của virus MERS đang khiến Chính quyền Saudi Arabia hết sức lo ngại trong bối cảnh quốc gia này chuẩn bị đón hàng triệu tín đồ Hồi giáo từ khắp nơi trên thế giới trong tháng lễ Ramadan vào tháng Bảy, cũng như lễ hành hương hàng năm Haj tại hai thánh địa Mecca và Medina vào đầu tháng 10.

Trong diễn biến liên quan, ngày 5/5, giới chức y tế Ai Cập cho biết đang tiến hành xác minh một bệnh nhân nữ 60 tuổi bị tử vong do nghi nhiễm virus MERS.


Theo truyền hình nhà nước Ai Cập, bệnh nhân này đã qua đời tại một bệnh viện tại tỉnh Port Said sau chuyến hành hương tại Saudi Arabia cách đây một tuần. Các nguồn tin y tế địa phương cho biết bệnh nhân này có các triệu chứng nhiễm virus MERS và đã được điều trị cách ly.

Trước đó, hôm 4/5, Bộ Y tế Ai Cập cho biết nước này hiện chỉ ghi nhận một ca nhiễm virus MERS, đồng thời cho biết việc phân tích bệnh phẩm của 57 trường hợp nghi nhiễm khác được phát hiện trong tuần qua đều cho kết quả âm tính.

Ngày 2/5, Bộ Y tế nước này đã lên tiếng cảnh báo các công dân trên 65 tuổi, trẻ em dưới 15 tuổi, phụ nữ đang mang thai và những người bị bệnh mạn tính hủy kế hoạch hành hương tới Saudi Arabia trong năm 2014.

Kể từ khi được phát hiện lần đầu tiên tại Saudi Arabia năm 2012, đã có hàng trăm người tại 12 quốc gia, trong đó chủ yếu tập trung tại khu vực Trung Đông, đã bị nhiễm bệnh.

Ngày 5/5, Jordan cũng thông báo có ca nhiễm virus MERS mới là một đàn ông Saudi Arabia 28 tuổi có họ hàng bị nhiễm MERS trước đó.

Ở các nước Qatar, Kuwait, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, Oman, Tunisia và một số nước châu Âu cũng xuất hiện các ca nhiễm virus MERS.

MERS gây các triệu chứng như sốt, ho, khó thở, viêm phổi và được coi là "họ hàng" của virus gây hội chứng viêm đường hô hấp cấp tính (SARS) từng ám ảnh châu Á năm 2003. Mặc dù số trường hợp nhiễm chủng virus này trên thế giới tương đối thấp, song tỷ lệ tử vong lên tới khoảng 30% tại Trung Đông vẫn khiến giới khoa học và nhà chức trách thận trọng./.