Thống kê cập nhật của Bộ Y tế Saudi Arabia cho biết số ca nhiễm mới được ghi nhận tại các thánh địa Mecca và Medina gồm hai người đàn ông 72 và 36 tuổi.


Người đàn ông 72 tuổi đang trong tình trạng nguy kịch và được điều trị tích cực, trong khi người còn lại là công dân nước ngoài làm việc trong ngành y tế đang được cách ly tại nhà.

Cũng trong ngày 9/6, Bộ Y tế Saudi Arabia xác nhận có thêm 2 bệnh nhân bình phục tại Riyadh và thành phố Al-Qunfudhah nằm bên bờ Biển Đỏ, nâng tổng số người được chữa khỏi lên 361 trường hợp kể từ khi virus MERS xuất hiện tại vương quốc này vào năm 2012.

Hiện tổng số người bị lây nhiễm đang được điều trị là 52 người.

Trong khi đó, báo chí sở tại cho biết bất chấp nguy cơ lây nhiễm loại virus chết người này, các tín đồ Hồi giáo từ khắp nơi trên thế giới đổ về các thánh địa Mecca và Medina ở Saudi Arabia ngày một đông.

Dự kiến, hàng trăm nghìn khách hành hương sẽ kéo về các địa điểm này nhân tháng lễ ăn chay Ramadan bắt đầu từ ngày 28/6. Tiếp đó, hàng triệu tín đồ khác sẽ tiếp tục đổ về đây để thực hiện nghi lễ Haj vào tháng 10 tới.

Ngoài Saudi Arabia, hiện nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Ai Cập, Jordan, Liban, Hà Lan, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Mỹ đã ghi nhận các ca nhiễm virus MERS.

Hầu hết bệnh nhân là những người từng du lịch đến Saudi Arabia trong thời gian gần đây. MERS gây các triệu chứng như sốt, ho, khó thở, viêm phổi và được coi là "họ hàng" của virus gây hội chứng viêm đường hô hấp cấp (SARS) từng ám ảnh châu Á năm 2003 khiến hơn 8.000 người nhiễm bệnh và 9% trong số đó tử vong.

Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng virus MERS chưa tạo ra tình trạng khẩn cấp toàn cầu đối với y tế cộng đồng.

Theo thông báo của Ủy ban khẩn cấp WHO, dựa trên thông tin hiện nay, mức nghiêm trọng xét ở góc độ tác động đối với sức khỏe cộng đồng là đáng lo ngại, tuy nhiên chưa có bằng chứng cụ thể cho thấy MERS liên tiếp lây truyền từ người sang người.