Sử dụng cây chổi, chấm vào lọ son nước sền sệt, quệt lên môi một lần, sau đó mím môi lại, bạn đã có đôi môi đỏ tươi, nhạt bên ngoài, đậm trong lòng môi. Không cần soi gương, không sợ son lem ra như nhiều loại khác, son môi nước chỉ cần tô ở lòng môi là đủ.
Độ nhàn nhạt của màu môi bên ngoài vừa tự nhiên vừa thu hút. Đôi môi đẹp xinh này sẽ nguyên vẹn trong khoảng thời gian khá dài vì nó bám dai và không có khả năng bay màu theo gió, nắng.Ngoài tô son lòng môi, loại son này cũng được nhiều bạn trẻ sử dụng rộng rãi làm phấn má hồng.
Tại các cửa hàng bán son ở chợ Nhà Xanh, chợ Hôm, chợ đêm Phùng Khoang, Mai Dịch (Hà Nội).., nhiều bạn trẻ bị hút hồn bởi vô số loại son môi nước với kiểu dáng, mẫu mã phong phú, mang nhãn hiệu: Odbo, Tony tint, Gross, Fruit… Bên ngoài mỗi lọ, ngoài tên hãng son môi là những dòng chữ Thái loằng ngoằng. Những dòng chữ này được in trực tiếp xung quanh lọ hoặc được in lên giấy bóng dán nắp lọ son.
Tuy vậy, trên lọ không hề ghi nơi sản xuất, ngày sản xuất cũng như hạn sử dụng, thành phần. Giá của chúng cực rẻ, chỉ 20-30 nghìn một lọ. Nếu mua nhiều và trả khéo, bạn có thể mua với nửa giá đó.
Màu sắc của son nước rất đa dạng, gồm: đỏ tươi, đỏ mận, cam, hồng cánh sen, hồng nhạt…, đáp ứng sở thích của chị em ở mọi lứa tuổi. Mùi vị của chúng cũng rất hấp hẫn. Trừ một số loại không có mùi vị hoặc vị đắng, các lọ son nước thường có vị ngọt và mùi thơm như: cà phê, cam, táo, dâu…
Chị Liên bán hàng mỹ phẩm ở chợ Nhà Xanh cho biết, chị toàn bán son môi nước của Thái, của Hàn với các nhãn hiệu nổi tiếng. "Màu lên rất đẹp, có thể duy trì được cả ngày. Dùng son môi nước này, em khỏi lo sẽ bị trôi kể cả sau nhiều giờ ăn uống, lớp son vẫn duy trì màu đẹp", chị đon đả chỉ tay vào lọ son nước nhãn hiệu Odbo giá chỉ 20 nghìn đồng.
Để khẳng định độ bám của son môi nước, chị bán hàng còn dùng một số loại quệt nhẹ lên tay người mua kiểm chứng. Nếu như son thỏi, son kem, son dưỡng có thể bị mờ đi thì son nước khi đã khô lau mãi vẫn không mờ. Thậm chí, dùng nước để rửa kỹ, vết son vẫn in mờ chứ khó hết hẳn.
Chị Hà (chợ đêm Phùng Khoang, Thanh Xuân) bán hàng mỹ phẩm giá rẻ lâu năm thành thật hơn: "Son môi nước nhập từ Trung Quốc chứ làm gì có chuyện hàng chính hãng Thái, Hàn mà rẻ như vậy được". Tuy nhiên, khi được hỏi về nơi nhập cũng như thành phần của loại son này thì chị tảng lờ không biết. Chọn mua hai cây son nước tại gian hàng chợ đêm, Hương (sinh viên năm 2, ĐHc Khoa học xã hội và Nhân văn) nói: "Em không quan tâm lắm đến nhãn hiệu, nguồn gốc, hạn dùng… Thử màu lên môi thấy hợp, đẹp thì lấy thôi. Giá nó lại rất rẻ, chỉ 25 nghìn cho lọ này".
Hương cho biết cô dùng loại son này được 2 năm rồi, cũng chưa bị làm sao, kể cả khi ăn uống, cô không lau son mà màu vẫn đẹp. Thậm chí, cô còn thấy môi mình cải thiện màu đáng kể khi dùng son nước, dù đã rửa kỹ rồi mà vẫn có màu hồng tự nhiên, chắc là "tác dụng dưỡng của son".
Tuy nhiên, không phải da môi nào cũng thấy dễ chịu với loại son nước này. Mới đi làm tại văn phòng nhỏ của một công ty ở Hà Nội, Mai (Nam Định) không dám bỏ ra nhiều tiền để mua son môi chính hãng, đành dùng son nước. Nhưng chỉ sau tuần đầu, da môi Mai đã có dấu hiệu bong tróc, ngứa ngáy, tấy đỏ… Cô đành phải tạm biệt loại son rẻ, đẹp, tiện lợi này.
Bác sĩ thẩm mỹ da liễu Nguyễn Xuân Quang (Trưởng khoa Da liễu tại một bệnh viện tư nhân ở Hà Nội) cho biết, các loại son môi nước đang bán tràn lan ngoài thị trường chưa được cơ quan chức năng Việt Nam nghiên cứu về thành phần. Nhưng màu son rực rỡ và lâu phai bất thường như vậy chắc chắn phải có chứa chất hóa học giúp bám, ngấm màu lâu trên da. Giá quá rẻ khiến nhà nghiên cứu có thể đưa ra nhiều dự đoán không tốt về thành phần làm ra nó.
"Nhiều chất hóa học có tính năng này nhưng không rõ người làm đã dùng những chất gì. Theo tôi, rất có thể đó là chì oxit. Nhưng dù là chất nào thì nó cũng gây độc. Màu bám càng lâu, độc tính càng cao, khả năng tổn hại sức khỏe chị em càng lớn", bác sĩ Quang cảnh báo.
Bác sĩ cho biết thêm, các sản phẩm son môi nước giá rẻ, không rõ nguồn gốc, thành phần, ngày sản xuất cũng như hạn sử dụng rất đáng e ngại. Son môi đắt tiền, chính hãng thường có chất bảo vệ da. Còn những loại son môi nước này thì không có. Với những người có da dễ kích ứng có thể thấy phản ứng ngay khi sử dụng như: đau rát, sưng tấy, rất khó chịu. Ngoài ra, hầu hết chất độc trong son môi nước sẽ tích tụ qua thời gian và gây một số bệnh về da, hệ tiêu hóa.
Chung nhận định này, bác sĩ Vũ Thị Thơm (giảng viên bộ môn sinh lý bệnh, Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam) cho rằng son môi nước giá rẻ chưa từng được nghiên cứu và công bố về mức độ độc hại. Nhưng son môi nói chung không rõ xuất xứ rất nguy hiểm, đặc biệt là son môi Trung Quốc có thể chứa một lượng lớn kim loại nặng, nhất là chì.
"Chì trong son môi có thể gây ra bệnh cao huyết áp, đau khớp, sụt giảm trí nhớ. Mặc dù những loại son nước rẻ, không rõ xuất xứ kia có thể có độ chì ít nhiều khác nhau ở từng lọ, thậm chí ít hơn với những son dạng thỏi, nhưng sự thực là nhiều người dùng đang rất lạm dụng nó bởi độ rực rỡ và bền màu trong nhiều giờ. Sự lạm dụng đồng nghĩa với việc chì tích tụ ngày càng nhiều trong cơ thể. Điều hết sức lưu ý là chì tích lũy lâu dài trong cơ thể và thải trừ rất chậm ra ngoài, có khi kéo dài vài thập kỷ là điều bình thường", bác sĩ Thơm cho biết.
Ngoài ra, theo bác sĩ Thơm, những loại son không trôi đều chứa nhiều chất Propylen glycol, gây ảnh hưởng không tốt cho não, gan và thận và là độc tố gây ung thư. Chính chất này giúp son có thể bám màu chắc hơn những loại son thông thường khác.
Bình luận của bạn