Bà là Nguyễn Thị Hồng Sen, người đã 3 năm nay phát trà xanh miễn phí trên vỉa hè đường Trần Xuân Soạn, Hà Nội.
Bát trà xanh của bà không chỉ thỏa cơn khát của những người lao động tự do, nó còn làm ấm lòng xã hội bởi ý nghĩa đích thực của cụm từ... "miễn phí".
1. Thấy có người đi chầm chậm tiến về phía mình, bà Sen lại đon đả tay cầm ấm nước chè tươi, tay cầm cốc, vừa rót vừa nở nụ cười thân thiện mời người đi đường. Nhiều người tưởng bà bán nước, cúi đầu phóng xe vụt đi. Nhiều người khác nhìn bà ái ngại dúi cho bà mấy đồng bạc lẻ.
Bà Sen cười, gạt phắt đi và nói: "Trà xanh tôi nấu đấy, ngon lắm chú ơi. Miễn phí!"
Từ "miễn phí" được bà cụ tuổi 65 nói ra vu vơ mà khiến lòng người nao nao. Ngày ngày, đập vào mắt chúng ta là vô vàn từ "miễn phí": "Trông xe miễn phí"; "Bia miễn phí"; "Du lịch miễn phí"... Nhưng có mấy bãi gửi xe miễn phí mà anh trông xe không gạ gẫm của khách dăm đồng? Mấy sự kiện bia miễn phí mà thương hiệu của hãng bia không gây ngợp thị giác cho ẩm khách? Mấy tour du lịch miễn phí mà khổng nảy lòi ra khoản tiền này, tiền khác để khách phải móc ví?
Vì "cơm áo gạo tiền", đằng sau những tấm biển "miễn phí" là những cái giá hữu hình và vô hình, vật chất và phi vật chất. Nên chẳng mấy ai còn tin rằng trên đời có điều gì "miễn phí"!
Nhưng, bát chè xanh ấm áp giữa chiều đông của bà Sen là ngoại lệ. Người phải trả giá duy nhất sau bát chè này là bà Sen. Bà Nguyễn Thị Hồng Sen (65 tuổi), quê ở một xã nghèo của huyện Hưng Hà, Thái Bình. Năm 37 tuổi, bà lấy chồng và lên Hà Nội bươn chải làm ăn, kiếm sống. Hiện bà đang sống cùng người con gái bị bệnh tại căn nhà nhỏ trong một con hẻm ở đường Trần Xuân Soạn, Hà Nội. Vì bát chè xanh miễn phí, mà cái khó, cái khắc nghiệt của cuộc sống với mẹ con bà thêm nặng nề. Song bà không bỏ cuộc và chưa bao giờ có ý định bỏ cuộc.
Bà Sen bên cốc chè xanh miễn phí
Bà giải thích: "Trước tôi ngồi bán lá chè xanh ở đây. Tôi thấy nhiều người lao công, thợ xây, đánh giày, người đi khám bệnh…qua đây, họ khát nước, nhưng không dám mua nước uống vì sợ tốn tiền. Nên tôi nảy ra ý định nấu nước chè xanh mời mọi người. Một cốc nước chẳng đáng là bao, nhưng mình làm phúc, được giúp nhiều người, tôi thấy vui và thoải mái".
2. "Quán nước" miễn phí của bà Sen chỉ có vỏn vẹn một bếp lò, mấy xô nước rửa cốc, dăm ba cái ấm
và vài chiếc thùng xốp đựng lá chè tươi. Song, "gia tài" nhỏ bé ấy của bà Sen đã khiến đường phố
nhốn nháo còi xe và "những đôi mắt mang hình viên đạn" của người đi đường trở nên chùng
xuống.
"Quán hàng" của bà Sen
"Đường này ít tắc, nhưng mỗi khi có sự cố, con đường kẹt cứng. Mọi người trông chừng khó chịu lắm. Lúc đó, tôi thường xách nước ra mời họ. Dù uống hay không uống, tôi thấy, da mặt của họ cũng giãn ra..."- Bà Sen kể.
Chính vì thế mà bếp than của bà Sen lúc nào cũng đỏ lửa, bà đun hết ấm nước này đến ấm nước khác. Những ai không uống được nước chè xanh, bà lại mời nước lọc. Thậm chí, nhiều người đi đường xa, bà còn dúi cho họ mấy chai nước mang theo uống dọc đường.
Trước khi chào bà ra về, tôi quay sang hỏi bà câu hỏi cũ kỹ (mà chưa lúc nào tìm ra được câu trả lời đích thực): "Theo bà, thế nào là sự tử tế?"
Bà Sen cười tít mắt, chưa kịp trả lời, bà đã vội vã chạy tít ra sát lề đường. Có người lao động đang xin cốc chè miễn phí.
Bình luận của bạn