Sốt xuất huyết có nguy cơ lan rộng

Nhiều ca bệnh nặng

Tuần qua ngày nào trời cũng đổ mưa, khiến hành lang và các chân cầu thang ở Khu truyền nhiễm thuộc khoa Nhi bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk càng chật chội bởi số người đi nuôi bệnh nhi sốt xuất huyết (SXH) tăng vọt, phải chen chúc sinh hoạt ở mọi nơi có thể.

Chăm sóc bệnh nhi sốt xuất huyết tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Lắk
Chăm sóc bệnh nhi sốt xuất huyết tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Lắk.

Bác sĩ Trần Thị Thúy Minh, Phó khoa Nhi xác nhận: Suốt 6 tháng đầu năm khoa chỉ tiếp nhận 69 ca SXH, nhưng chỉ hơn tháng nay, đã vọt lên 75 ca. Tuy chưa ca nào tử vong, nhưng số bệnh nặng gây co giật biến chứng tăng hẳn lên, có thể do độc tính của vi rút tăng bất thường. Bên khoa Truyền nhiễm, Bs Nguyễn Hai, Trưởng khoa cho biết chỉ tiêu của khoa là 35 giường bệnh, nhưng thực kê tới 70 giường. Hôm nay, lại nhận tới 82 bệnh nhân SXH lớn tuổi nội trú.

Tại các phòng bệnh kê san sát giường, mỗi giường 2-3 bệnh nhi, nữ điều dưỡng Hoàng Thị Liễu cho hay, việc chăm sóc bệnh nhi SXH rất vất vả, vì các cháu sốt cao liên tục, phải thường xuyên lau mát hạ sốt, cứ 4 tiếng 1 lần theo dõi thân nhiệt, lấy máu, đo huyết áp.

Một tiểu thương tên Kiều kể, chị là dì của 2 anh em ruột tên Dương 14 tuổi và Quyên 10 tuổi đều nhập viện vì SXH, nhà ở thôn 19, xã Hòa Khánh ngoại thành Buôn Ma Thuột.
Cháu Dương bệnh nặng hơn, sốt cao liên tục 40oC, cả mẹ - mợ - dì mỗi đêm thay nhau đi mua tới 20 phích nước để lau - vắt - chườm, điều trị tới ngày thứ 5 thì phải chuyển gấp vào TPHCM. Sau 3 ngày nằm khoa cấp cứu tại BV Nhi đồng 2, tính mạng cháu mới qua cơn nguy hiểm.

Nguy cơ lan rộng dịch

Trao đổi với phóng viên, thạc sĩ Phạm Thọ Dược, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên cho biết: Do nhận định sớm năm nay là đỉnh của chu kỳ, dịch sẽ lan mạnh hơn 2 năm trước, nên từ đầu năm, ngành Dịch tễ đã chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa. Hiện là tuần thứ 27, Viện đã ghi nhận 4 tỉnh Tây Nguyên có 2.359 bệnh nhân SXH, chưa trường hợp nào tử vong. Trong đó đông nhất ở Đắk Lắk với 1.672 ca, Gia Lai 331, Đắk Nông 326, Kon Tum 30. So với cùng kỳ năm 2010 thì số vụ SXH chưa bằng vì lúc đó có tới 4.113 ca SXH, 3 ca tử vong, tuy nhiên theo dự tính, do từ 3-5 tuần nữa mới tới đỉnh dịch, nên rất cần đẩy mạnh việc truyền thông để toàn xã hội tham gia phòng ngừa dịch SXH.

Đặc điểm của dịch SXH ở miền Trung - Tây Nguyên là dịch phát nhỏ lẻ, nhưng trên diện rộng, khó khăn cho việc phòng chống. Không chỉ mùa mưa nước đọng sinh muỗi, mà việc dân phải trữ nước bằng đủ loại vật dụng không có nắp đậy để " tự cứu" khi nước máy cúp, thậm chí ít thay nước lọ hoa trên bàn thờ cũng tạo điều kiện cho lăng quăng thuận lợi sinh sôi.

Viện trưởng Viện VSDT TN lưu ý nhấn mạnh: Đồng bào cần tăng cường vệ sinh môi trường, vật chứa nước phải có nắp đậy, ngừa muỗi, mắc màn khi ngủ. Nếu có triệu chứng sốt cần đến ngay trạm y tế cơ sở hay bệnh viện gần nhất thăm khám, để được điều trị đúng trước khi bệnh nặng khó chữa.

Thông tin từ Bộ Y tế: Dịch SXH ở khu vực Đông Nam Á đang diễn biến phức tạp tại Philippines, Singapore,Thái Lan khiến các nước này phải phát động chiến dịch quốc gia triệt tiêu loại muỗi mang bệnh. VN từ đầu năm 2013 tới nay có trên 14.000 người SXH, trên 10 ca tử vong, phần lớn số mắc và tử vong do SXH tập trung ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam bộ. Bộ yêu cầu các đơn vị kiểm dịch y tế quốc tế giám sát thân nhiệt khách nhập cảnh, phát hiện bệnh nhân SXH cả ở bệnh viện và các cửa khẩu.

Theo Hoàng Thiên Nga (TPO)

doandoan
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin