ốc sên. Nhưng đây không phải lần đầu, từ trước đến nay, đã có nhiều người ăn ốc sên phải nhập viện này điều trị viêm não. Để giúp bạn đọc hiểu biết nguy cơ viêm não do ăn ốc sên và cách phòng tránh, Báo Sức khỏe&Đời sống xin giới thiệu bài viết sau đây.
Thực tế đau lòng: nhiều người dân ăn ốc sên bị viêm não
BS. Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM, cho biết: Có trường hợp trẻ bị viêm màng não do nướng ốc sên ăn, cũng có trường hợp chỉ cầm ốc sên chơi và bị nhiễm ký sinh trùng từ ốc này. Ông nói: “Ốc sên thường bò dưới đất và nhiễm ký sinh trùng. Loại ký sinh trùng này vào con vật thì không sao nhưng khi vào cơ thể người, chúng sẽ lên não, tấn công làm tổn thương não. Triệu chứng thường gặp là đau nhức đầu dữ dội, nôn ói, hôn mê. Một số trường hợp sau đợt điều trị để lại di chứng thần kinh, ký sinh trùng có thể gây ra vết sẹo trên não, gây gánh nặng điều trị”. Ông cũng cho biết: Bình quân mỗi năm, nơi đây tiếp nhận vài chục bệnh nhi bị viêm màng não do nhiễm ký sinh trùng từ ốc sên.
Vì sao ăn ốc sên bị viêm não?
Loại ốc sên có thể gây viêm não là do chúng bị nhiễm ấu trùng của giun tròn có tên khoa học là Angiostrongylus cantonensis. Ấu trùng giun tròn nếu còn sống, khi vào cơ thể người, chúng sẽ tấn công lên não gây viêm não và màng não.
Giun tròn có ở nhiều nơi trên thế giới như Nhật Bản, Trung Quốc, Đông Nam Á và có phổ biến ở Việt Nam. Các công trình nghiên cứu đã phát hiện giun tròn phân bố từ Bắc đến Nam, có ở cả người và động vật; trong đó nguồn bệnh chủ yếu là các loại ốc, tôm, cua, cá... bị nhiễm ấu trùng giun tròn. Người bị nhiễm bệnh chủ yếu qua đường tiêu hóa do ăn phải các loại thức ăn, nước uống bị nhiễm ấu trùng giun tròn chưa được nấu chín kỹ.
Con giun tròn trưởng thành có màu trắng đục, dài từ 17 - 25mm, nhỏ như cái tăm, đầu giun tròn, có miệng nhỏ, hơi lõm vào, có 3 răng. Giun tròn thường ký sinh ở động mạch phổi của chuột; trứng giun theo máu đi đến các phế nang và nở ra ấu trùng; ấu trùng bò lên cuống phổi (phế quản), lên họng rồi sang thực quản, đi xuống ruột, theo phân chuột thải ra ngoài. Từ đất, ấu trùng giun tròn xâm nhập vào ký sinh ở ốc sên. Nếu ấu trùng giun tròn xuống nước thì đến ký sinh ở các loại ốc sống dưới nước và các loài thủy sản khác như tôm, cua, cá. Trong cơ thể ốc, ấu trùng giun biến thành kén. Chuột ăn phải ốc, tôm, cua, cá, rau... có nhiễm ấu trùng giun tròn thì bị nhiễm bệnh. Vào cơ thể chuột, ấu trùng giun sẽ phát triển thành giun trưởng thành và ký sinh ở động mạch phổi của chuột.
Người bị nhiễm ấu trùng giun tròn do ăn phải ốc sên hay các loại ốc khác, tôm, cua, cá... hoặc ăn rau sống, uống nước lã có ấu trùng. Ấu trùng giun tròn vào cơ thể người qua đường tiêu hóa, chúng xuyên qua thành ruột, theo đường máu đến não hoặc đến các phủ tạng khác. Ấu trùng giun tròn gây ra bệnh viêm não, màng não rất nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân.
Khác với ở chuột, ở người, giun tròn chỉ ký sinh ở hệ thần kinh trung ương, không đi đến phổi được nên không thể hoàn thành chu kỳ phát triển. Nhưng trên thực tế, ở nước ta đã gặp trường hợp giun tròn ở phổi của người; ấu trùng giun lạc chỗ vào gây bệnh ở mắt.
Ốc sên sống ở vườn dễ nhiễm ấu trùng giun tròn.
Dấu hiệu viêm não, màng não do nhiễm giun tròn
Một người bị viêm não, màng não do nhiễm ấu trùng giun tròn thường có các dấu hiệu như sau: có ăn ốc sên hay các loại ốc khác hoặc ăn tôm, cua, cá chưa nấu chín kỹ. Sau một thời gian, ấu trùng giun tròn xâm nhập vào cơ thể người sẽ gây ra triệu chứng viêm não, viêm màng não với các triệu chứng: bệnh nhân bị nhức đầu dữ dội nhưng chỉ sốt nhẹ hoặc không sốt; một số bệnh nhân bị kích thích màng não. Bệnh nhân có thể bị liệt mặt, mắt nhìn đôi, rối loạn cảm giác. Có hội chứng não, tâm thần: nói lảm nhảm, mất thăng bằng, mất trí nhớ, hôn mê... Xét nghiệm thấy: bạch cầu ái toan tăng cao trong dịch não tủy và trong máu. Protein trong dịch não tủy cũng tăng.
Điều trị sớm là quan trọng
Nếu phát hiện bệnh nhân có các triệu chứng bị viêm màng não, viêm não như đã nêu trên, cần phải đến khám ngay ở bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Các loại thuốc có thể dùng để diệt ấu trùng giun tròn là: thiabendazole là loại có hiệu lực cao đối với ấu trùng giun mới xâm nhập vào cơ thể. Nếu đến giai đoạn muộn, phải điều trị triệu chứng kết hợp với thuốc corticoid.
Lời khuyên của bác sĩ
Thực tế ở nước ta, bệnh nhân bị viêm não, màng não do nhiễm ấu trùng giun tròn chủ yếu do ăn ốc sên, vì vậy, biện pháp phòng tránh quan trọng nhất là mọi người dân không ăn ốc sên. Đồng thời, cần thực hiện tốt các biện pháp sau đây: không nên ăn ốc, tôm, cua, cá... còn sống hoặc chưa nấu chín kỹ. Không ăn hoặc hạn chế ăn rau sống, nhất là rau trồng dưới nước như rau muống, rau cần, rau ngổ (ngò trâu), rau răm, sen, súng... Không uống nước lã, nước đá nguồn gốc không bảo đảm vì đá có thể làm từ nước chưa nấu chín bị nhiễm ấu trùng giun. Tích cực diệt chuột bằng mọi phương pháp để tránh nguy cơ chuột sống gần khu dân cư thải phân lẫn mầm bệnh ra môi trường sống; Không nên tắm ở ao, hồ, sông, suối, đặc biệt không để nước xâm nhập vào miệng, mũi khi tắm rửa ở những nơi này.
Bình luận của bạn