Đừng để mù lòa vì thiếu hiểu biết


Khám mắt cho một bệnh nhân bị đục thủy tinh thể.

250.000 người mù do đục thủy tinh thể/năm

Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Mắt Trung ương gần trưa vẫn đông người. Mệt mỏi sau khi bước ra từ phòng đo thị lực, bác Long (ở huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) không khỏi lo lắng nói: “Vài tháng nay, đọc báo, xem tivi thấy lờ mờ, cứ nghĩ tuổi già nên mắt kém. Nhưng vài ngày gần đây, mắt tôi gần như chẳng nhìn được gì, chỉ thấy một màng trắng phía trước nên vội lên đây khám thì được các bác sĩ cho biết cả 2 mắt đều bị đục thủy tinh thể rất nặng, có nguy cơ bị mù”. Theo các bác sĩ, trong số bệnh nhân tới khám, ngoài các bệnh nhãn khoa như cận thị, loạn thị, glôcôm thì bệnh nhân bị đục thủy tinh thể chiếm đa phần và còn có chiều hướng gia tăng không chỉ ở người lớn tuổi mà có cả trẻ nhỏ cũng bị đục thủy tinh thể bẩm sinh.

Trong khi đó, điều tra của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống mù lòa cho biết, hiện nay cả nước có khoảng 2 triệu người mù, thị lực kém, đặc biệt đối với những người từ 50 tuổi trở lên, tỷ lệ mù lòa chiếm khoảng 3,1%. PGS-TS Nguyễn Chí Dũng (Bệnh viện Mắt Trung ương), Thư ký Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống mù lòa, cho biết, nguyên nhân gây mù lòa hiện nay chủ yếu do đục thể thủy tinh, chiếm tới 66,1% tổng số người mù, sau đó mới là các bệnh lý đáy mắt, glôcôm, tật khúc xạ và mắt hột. Theo thống kê của Bệnh viện Mắt Trung ương, trung bình một năm có khoảng 250.000 người bị mù do đục thủy tinh thể và số người mắc đục thủy tinh mới hàng năm trên 100.000 trường hợp.

Phòng ngừa và điều trị được

Theo một số chuyên gia nhãn khoa, đục thủy tinh thể hay còn gọi cườm khô, cườm đá, gây mờ đục thủy tinh thể trong mắt và làm rối loạn thị giác. Mặc dù căn bệnh này là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa ở nước ta, làm ảnh hưởng nặng nề tới chất lượng cuộc sống, nhưng cườm khô, cườm đá hoàn toàn có thể phòng ngừa và điều trị với kết quả rất khả quan. TS Nguyễn Xuân Hiệp, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương, cho biết, trong các biểu hiện của đục thủy tinh thể, triệu chứng quan trọng nhất là giảm thị lực, đặc biệt là thị lực nhìn xa. Giảm thị lực cũng rất khác biệt, từ mức còn một vài phần mười đến mức chỉ còn nhận biết được ánh sáng tùy thuộc vào mức độ đục và vị trí của vùng đục. Ở giai đoạn sớm, bệnh nhân nhìn thấy những điểm đen trước mắt.

Do vậy khi có các biểu hiện trên, người bệnh cần tới ngay các bệnh viện chuyên khoa mắt để được điều trị kịp thời. TS Hiệp cũng cho biết, hiện nay có nhiều phương pháp điều trị căn bệnh này nhưng hiệu quả nhất vẫn là phẫu thuật theo phương pháp Phaco đặt thủy tinh thể nhân tạo. Bệnh nhân bị đục thủy tinh thể nên mổ càng sớm càng tốt vì để lâu sẽ làm tăng nhãn áp, khi đó phẫu thuật sẽ phức tạp hơn và khả năng phục hồi thị lực sẽ kém hơn. Tuy nhiên, TS Hiệp cũng khuyến cáo, không phải bất cứ trường hợp nào bị đục thủy tinh thể cũng cần phẫu thuật. Việc chỉ định phẫu thuật cần dựa vào mức độ giảm thị lực, nếu thị lực kém hơn 4/10 mới nên phẫu thuật. Ngoài ra, cũng cần quan tâm đến những yếu tố khác như tuổi của người bệnh, tính chất công việc, điều kiện sống. Nếu người bị đục thủy tinh thể không có các bệnh khác ở mắt thì sau phẫu thuật, có tới 95% bệnh nhân thu được thị lực trên 5/10. Ngoài việc cải thiện thị lực sau phẫu thuật, còn có những lợi ích đáng kể khác như: cải thiện khả năng nhận biết màu sắc, tăng khả năng đọc và nhìn gần, tăng khả năng lao động, di chuyển và lái xe.

Theo dự thảo “Kế hoạch quốc gia Phòng chống mù lòa và chăm sóc mắt giai đoạn 2014 - 2019”, Việt Nam đặt mục tiêu đẩy mạnh hoạt động giải phóng mù lòa, tập trung vào nguyên nhân gây mù chính và nguyên nhân gây mù có thể phòng tránh được. Trong đó đẩy nhanh tốc độ mổ thể thủy tinh với tỷ lệ 2.500 - 3.000 ca/1 triệu dân. Đồng thời nâng cao chất lượng mổ đục thủy tinh thể và hạn chế biến chứng phẫu thuật.

Trên 66% nguyên nhân gây mù lòa do đục thủy tinh thể

Ngày 24 đến 26-10, tại TPHCM, trên 750 bác sĩ nhãn khoa, phẫu thuật viên, kỹ thuật viên ở 63 tỉnh thành của cả nước cùng nhiều chuyên gia nhãn khoa đến từ Pháp, Mỹ, Nhật, Đức, Singapore tham dự Hội nghị nhãn khoa toàn quốc và Hội nghị Đông Dương lần thứ 2 về viêm nhiễm mắt. Theo điều tra của Bệnh viện Mắt Trung ương, các nguyên nhân gây mù chính hiện nay là đục thủy tinh thể (chiếm 66,1%), bệnh lý đáy mắt (10,5%), bệnh glôcôm (6,4%), tật khúc xạ (2,5%). Cá biệt, ở Thanh Hóa, đục thủy tinh thể là nguyên nhân hàng đầu gây mù chiếm đến 72%. Hiện ước tính có khoảng 410.000 người mù 2 mắt, trong đó trên 270.500 người mù do đục thủy tinh thể. Năm 2012, có khoảng 200.000 ca đục thủy tinh thể được phẫu thuật.

TRƯƠNG NGỌC

doandoan
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin