Học cách thoát thân khi hỏa hoạn

Sau đây là một số biện pháp để mọi người chủ động và có kỹ năng cần thiết trong việc thoát nạn khi có cháy xảy ra.

Trước hết, để chủ động trong thoát nạn khi có cháy, cần phải chuẩn bị đường thoát nạn và phương án thoát nạn cần thiết:

- Không nên dùng lồng sắt bao bọc các ban công để chống trộm bởi vì đây là nơi để lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp dùng xe thang tiếp cận để cứu nạn.

- Không nên để những đồ vật dễ cháy trên hành lang, cầu thang bộ, gần cửa ra vào để tránh trường hợp các đồ vật này cháy sẽ làm bít đường thoát nạn.

- Chuẩn bị các dụng cụ như thang, dây thoát nạn, phương tiện phá cửa, phá tường (búa, rìu,…) và dự trù các phương án thoát nạn qua các nhà bên cạnh, lên mái nhà để làm lối thoát nạn dự phòng.


Khi trong nhà ở xảy ra cháy, cần lưu ý
:

- Phải trấn tĩnh, báo động để mọi người đều biết, tránh chen lấn, xô đẩy khi thoát nạn và tìm cách thoát ra ngoài nhanh nhất theo lối gần nhất. Mang theo trẻ em, người già cùng thoát ra ngoài.

- Khi đang ở trong phòng, nếu các lối ra đều bị lửa uy hiếp thì phải đóng kín các cửa, dùng chăn màn, quần áo thấm nước chèn kín các khe cửa để chống khói tràn vào.

- Khi thoát nạn phải cúi người sát sàn nhà để tránh hít phải khói, khí độc từ đám cháy vì thông thường khói và khí độc bốc lên phía trên. Khi thoát nạn phải nép sát vào tường để tránh các cấu kiện xây dựng và các đồ vật trên cao rơi trúng người. Dùng khẩu trang hoặc vải thấm nước che mũi, miệng để chống khói độc.

- Dùng chăn, mền nhúng ướt nước trùm lên người để vượt qua vùng lửa cháy. Khi mở cửa phải nép sát vào cánh cửa để đề phòng lửa tạt vào người gây nguy hiểm.

- Khi đám cháy xảy ra trong phòng, phải tìm mọi cách thoát ra ngoài, không nên nhảy vào hồ, bể nước trong nhà để tránh lửa vì đám cháy có thể nung nóng, sôi nước gây chết người.

- Phải bình tĩnh thoát ra hướng ban công, cửa sổ để ra hiệu hoặc kêu cứu và cố gắng chờ người khác hoặc lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đưa phương tiện đến cứu nạn. Tuyệt đối không nhảy từ trên tầng cao xuống vì như vậy sẽ dẫn đến nguy cơ thiệt mạng cao hơn (trong trường hợp cấp bách, muốn nhảy từ ban công tầng 1 xuống đất phải dùng tay bám vào các cấu kiện và treo người xuống càng gần mặt đất càng tốt trước khi nhảy, tuyệt đối không nhảy từ ban công ra ngoài).

- Tuyệt đối không lao vào đám cháy để cứu tài sản bởi vì đám cháy lan tràn rất nhanh nên không thể thoát ra ngoài. Hơn nữa, khói và khí sinh ra từ đám cháy rất độc hại nếu con người hít phải sẽ nhanh chóng bị ngạt, ngất và dẫn đến tử vong (đặc biệt, những người căng thẳng, mất bình tĩnh, vận động nhanh, mạnh càng nhanh chóng bị ngạt hơn so với bình thường do trong điều kiện này họ thường hít thở nhanh và sâu hơn). Chỉ được cứu người già, trẻ em khi vừa mới phát hiện cháy hoặc đảm bảo các điều kiện an toàn tuyệt đối cho bản thân.

Cháy là thảm hoạ đối với con người vì vậy mọi người trước hết phải quan tâm đến phòng ngừa để hạn chế việc xảy ra cháy và tất cả mọi người cần phải chủ động trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết để đảm bảo an toàn cho cuộc sống của bản thân mình.

Theo Sở Cảnh sát Phòng cháy & Chữa cháy TP.HCM

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn