Lạm dụng kháng sinh: Từ bỏ cơ hội chữa bệnh

Hại thận vì kháng sinh

Vấn đề kháng kháng sinh không mới nhưng ngày càng nguy hiểm và đáng báo động. Việc sử dụng kháng sinh ngày càng tự phát, chuyển từ sử dụng sang lạm dụng. Sử dụng không đúng, không phù hợp tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn kháng thuốc xuất hiện lan rộng và kéo dài.


Lạm dụng kháng sinh gây tình trạng khó khăn cho chẩn đoán bệnh

Theo các chuyên gia y tế, việc lạm dụng kháng sinh như hiện nay là do thói quen sử dụng thuốc kháng sinh không theo đơn, chủ yếu dùng theo “truyền miệng” từ chính những người bệnh nhân với nhau và từ những người bán thuốc, không có chức năng kê đơn điều trị. Ngoài ra, còn phải kể đến một số bác sỹ kém chuyên môn, thiếu trách nhiệm trong việc khám chữa bệnh.

Kháng sinh là một nhóm thuốc được sử dụng trước hết để chữa những bệnh do vi khuẩn gây ra. Thuốc được phân làm nhiều nhóm như penicillin, cephalosporin, tetracyclin, quinolone. Với mỗi nhóm lại có một loại kháng sinh khác nhau và thường được sử dụng hiện nay là penicillin, amoxycinllin, tetracylin, doxycycline…

Thuốc có tác dụng diệt trực tiếp vi khuẩn hoặc làm chậm lại sự phát triển của vi khuẩn để tạo điều kiện cho hệ miễn dịch của cơ thể người giải quyết tình trạng nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, việc lạm dụng kháng sinh đang đẩy nhiều bệnh nhân nhiễm khuẩn đến tình trạng vô phương cứu chữa vì không đáp ứng kháng sinh đặc hiệu.

Bên cạnh đó, việc lạm dụng kháng sinh còn gây lãng phí do có một số bệnh, nhất là bệnh do virus gây ra không chữa bằng kháng sinh nếu vẫn dùng gây lãng phí; Gây khó khăn cho chẩn đoán bệnh; Sử dụng nhiều kháng sinh và liều cao dễ dẫn đến suy tủy, hại thận.

Dùng đúng cách, hiệu quả cao

Theo PGS.TS Lê Văn Truyền, Nguyên Thứ Trưởng Bộ Y tế, Chuyên gia cao cấp Dược học: “Thuốc có vai trò quan trọng trong điều trị và phòng ngừa bệnh tật. Các loại thuốc đều có thể gây ra những tác dụng phụ cho cơ thể nhưng chúng ta vẫn chấp nhận sử dụng bởi những lợi ích chữa bệnh mà chúng mang lại. Do đó, để hạn chế những tác dụng không mong muốn khi sử dụng thuốc người dùng cần phải hiểu đúng về thuốc và sử dụng theo sự chỉ dẫn của bác sỹ”.


Dùng kháng sinh phải đủ liều, đủ thời gian và theo hướng dẫn của thầy thuốc

Và, việc dùng kháng sinh phải dùng đủ liều, đủ thời gian có tác dụng và theo dõi tác dụng của kháng sinh đối với nhiễm khuẩn, như vậy mới có kết quả chắc chắn, tác dụng phụ của kháng sinh thông thường cũng được giảm nhẹ. Một số tác dụng phụ hay gặp là tiêu chảy vì kháng sinh có thể làm thay đổi cân bằng giữa vi khuẩn bình thường và các loại men, nấm… Bên cạnh đó, một số trường hợp dị ứng thuốc kháng sinh gây sốc phản vệ và có thể đe dọa đến tính mạng của người bệnh.

Phần lớn các nhiễm khuẩn thông thường trong sinh hoạt được chữa bằng uống thuốc kháng sinh. Một số thuốc kháng sinh dùng cho mắt, tai được sử dụng bằng dung dịch, nhỏ giọt. Đối với những nhiễm khuẩn nặng phải sử dụng kháng sinh qua đường tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch hoặc có khi qua đường truyền dịch nếu cần. Muốn có tác dụng tốt, thầy thuốc phải làm kháng sinh đồ để xác định loại vi khuẩn gây bệnh và chọn kháng sinh thích hợp để có tác dụng tốt; trường hợp xét nghiệm như vậy có thể dùng kháng sinh phổ hẹp. Thông thường có thể sử dụng kháng sinh phổ rộng.

Để hạn chế lạm dụng kháng sinh, trước hết các thầy thuốc phải có trách nhiệm và nêu cao vai trò của người thầy thuốc để hạn chế việc lạm dụng kháng sinh mới mong có tác dụng. Ngoài ra, cần tăng cường giám sát sử dụng kháng sinh, tổ chức giáo dục nhận thức để người dân hiểu về việc dùng thuốc và những nguy hiểm trong việc lạm dụng thuốc.

Theo thống kê của Bộ Y tế năm 2010: “Phần lớn thuốc kháng sinh vẫn được bán mà không có đơn kê với tỷ lệ 88% ở thành thị, 91% ở nông thôn. Chỉ tính riêng năm 2010, kháng sinh đã đóng góp 13% ở thành thị và gần 19% ở nông thôn trong tổng doanh thu của hiệu thuốc”.


linhly
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin