Độc giả hỏi
Bé gái nhà tôi năm nay 12 tuổi, đã bắt đầu dậy thì (có kinh nguyệt được 5 tháng). Có vẻ như giai đoạn dậy thì khiến cháu biến đổi khá nhiều về cơ thể cũng như tâm sinh lý: Hay ủ rũ, mệt mỏi, kém tập trung, da xanh xao. Tôi có hỏi bạn bè và thầy cô ở trường thì không có vấn đề gì ảnh hưởng đến tâm lý của cháu cả. Liệu dậy thì có làm cháu thiếu chất khiến cơ thể mệt mỏi như thế không?
Bé gái nhà tôi năm nay 12 tuổi, đã bắt đầu dậy thì (có kinh nguyệt được 5 tháng). Có vẻ như giai đoạn dậy thì khiến cháu biến đổi khá nhiều về cơ thể cũng như tâm sinh lý: Hay ủ rũ, mệt mỏi, kém tập trung, da xanh xao. Tôi có hỏi bạn bè và thầy cô ở trường thì không có vấn đề gì ảnh hưởng đến tâm lý của cháu cả. Liệu dậy thì có làm cháu thiếu chất khiến cơ thể mệt mỏi như thế không?
Hoài Lâm (Đà Nẵng)
Giai đoạn trẻ dậy thì có rất nhiều vấn đề biến đổi về tâm sinh lý mà các bậc phụ huynh cần phải quan tâm. Bạn đã loại trừ được mối lo lắng về ảnh hưởng không tốt của con gái từ phía gia đình, nhà trường, bạn bè, tức là đã phần nào loại trừ được vấn đề tâm lý.
Còn một vấn đề khác bạn phải lưu tâm là vấn đề sức khỏe. Với các bé gái trong tuổi dậy thì, vi chất dễ bị hao hụt nhất chính là sắt. Nguyên nhân thiếu sắt là do cơ thể vừa hấp thu sắt kém, vừa bị mất nhiều qua những kỳ kinh nguyệt.
Sắt là một trong những chất khoáng rất quan trọng đối với cơ thể. Sắt là nguyên liệu để tổng hợp nên hemoglobin, chất có mặt trong tế bào hồng cầu và làm cho hồng cầu có màu đỏ, có vai trò vận chuyển ôxy trong máu đến với các mô trong cơ thể. Sắt cũng là thành phần của myoglobin, có trong cơ vân, có tác dụng dự trữ ôxy cho hoạt động của cơ vân. Chúng sẽ kết hợp với các chất dinh dưỡng khác để giải phóng năng lượng cho sự co cơ. Sắt cũng là thành phần cấu tạo của một số loại protein và enzyme, có vai trò trong quá trình giải phóng năng lượng khi ôxy hóa các chất dinh dưỡng.
Nếu thiếu sắt, sự vận chuyển ôxy đến các mô cơ thể cũng như sự dự trữ ôxy ở mô cơ vân sẽ giảm sút, làm cho cơ thể hoạt động không hiệu quả, mau mệt mỏi, kém tập trung, trí nhớ kém, hay quên… Các triệu chứng thiếu sắt nặng sẽ nằm trong hội chứng thiếu máu thiếu sắt. Đa số trẻ bị thiếu sắt thường biểu hiện ở hình thức giảm dự trữ sắt trong cơ thể, chỉ một số trường hợp thiếu sắt nặng sẽ trở thành thiếu máu thiếu sắt. Việc phát hiện thiếu sắt sớm, trước khi có biểu hiện thiếu máu thiếu sắt, rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ vì sắt có vai trò quan trọng đối với tất cả tế bào trong cơ thể, trong đó có cả não.
Để bổ sung sắt cho con, bạn nên tăng nguồn sắt trong bữa ăn từ thức ăn động vật như thịt nạc, gan vì có hàm lượng sắt khá cao và dễ hấp thu. Sắt trong thức ăn thực vật thường có hàm lượng thấp hơn và khả năng hấp thu cũng kém hơn thức ăn động vật.
Cũng nên nhắc nhở trẻ giữ vệ sinh ăn uống tốt, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, để tránh nhiễm giun sán và tẩy giun định kỳ để tránh thiếu máu thiếu sắt do giun sán.
Chuyên gia tư vấn Kim Mai
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin
Bình luận của bạn