BS Phạm Thế Hiển, Khoa Chấn thương chỉnh hình, BV Nguyễn Tri Phương cho biết, nang hoạt dịch là "khối u" khá phổ biến vùng cổ tay, gần các khớp có gân đi qua. Thường xuất hiện "vô tình" hay sau chấn thương, gặp nhiều ở phụ nữ với 70% ở độ tuổi từ 20-40, hiếm gặp ở trẻ em dưới 10 tuổi. Vị trí thường gặp ở mặt lòng cổ tay, khớp gối, cổ chân, mu bàn chân. "Khối u" này là một túi chứa dịch (dịch bên trong không màu, sệt, giống như lòng trắng trứng). Kích thước bằng hạt đậu hay to bằng viên bi, không di động, có thể thay đổi theo thời gian. Tùy theo kích thước và khối lượng dịch trong túi mà khối u sờ thấy chắc hay mềm, đau hay không đau. Đa số nang hoạt dịch không gây đau. Nang hoạt dịch có thể xuất hiện đột ngột hay dần dần, thay đổi kích thước, đôi lúc nang hoạt dịch có thể biến mất hoàn toàn mà không cần điều trị.
Bướu bã thường xuất hiện do tuyến bã ở lỗ chân lông bị tắc, tích tụ thành. Bướu bã có cấu tạo bởi lớp vỏ bọc, bên trong là chất bã mềm, màu vàng nhạt hoặc vàng đục. Bướu thường mềm, không đau và di động. Vị trí xuất hiện là nơi hay tiết mồ hôi như vùng da mặt, cổ, vai, lưng… Bướu mới xuất hiện nhỏ, ngày càng lớn dần, không đau, nhưng gây cảm giác cấn, khó chịu hoặc tấy đỏ khi có nhiễm trùng. Đây là một dạng u lành tính, không phát triển thành ác tính. "Nhưng khi có bướu bã cần phải giữ vệ sinh thật kỹ vì có thể bị bội nhiễm vi trùng thành ổ áp xe" - BS Phạm Thị Bích Vân - Trưởng khoa Khám bệnh, BV Ung Bướu TP.HCM khuyến cáo.
Một nạn nhân của nạn đắp lá khối u (ảnh Dân Trí)
Ngoài ra, bướu mỡ cũng là loại bướu rất thường gặp, xuất hiện dưới da ở bất kỳ chỗ nào trên cơ thể, nhất là những nơi có nhiều mỡ như bụng, ngực, mặt trong của đùi. Bướu mới mọc nhỏ vài milimet, sau thời gian có thể lớn từ 10-15cm. Có thể xuất hiện một bướu hoặc nhiều bướu, nhưng đều lành tính, không gây khó chịu, chỉ đau khi có hiện tượng viêm.
BS Phạm Thị Bích Vân cho biết, hiện chưa có biện pháp nào giúp cơ thể không bị mọc bướu mỡ, bướu bã hoặc nang hoạt dịch. Việc đắp lá, chích lể với hy vọng xóa bỏ khối u có thể làm cho bướu bị nhiễm trùng thành ổ áp xe thì khi mổ sẽ khó khăn hơn, bệnh nhân bị đau đớn và bướu dễ tái phát hơn. Nếu bướu nhỏ, không ảnh hưởng đến sinh hoạt thì không cần phải can thiệp. Ngược lại, nếu bướu xuất hiện ở những nơi gây mất thẩm mỹ như mặt, cánh tay, cổ… hoặc gây đau, bị nhiễm trùng hoặc gia tăng kích thước thì có thể can thiệp bằng phẫu thuật cắt bỏ. Nếu được phẫu thuật khi bướu chưa bị chích, lể, đắp lá… thì thời gian tiểu phẫu chỉ mất khoảng 10-20 phút.
Theo Mộc Ly (PNO)
Bình luận của bạn