Viêm thanh quản là bệnh rất thường gặp trong thời tiết khô hanh kèm theo gió mùa đông bắc và mưa phùn. Bệnh thường có biểu hiện ban đầu là đau họng, khô họng, rát họng, ho, tiếng nói khan, cơ thể mệt mỏi, ăn uống kém, đau đầu và đau nhức các khớp xương, nếu nặng có thể mất tiếng. Đông y gọi bệnh này là thất âm. Bệnh thường gặp ở những người công việc phải nói nhiều như giáo viên, ca sĩ,… Xin giới thiệu một số bài thuốc nam trị bệnh này rất hữu hiệu.
Bài 1: xương bồ 12g, kinh giới 16g, huyền sâm 2g, xạ can 10g, mơ muối 10g, tía tô 16g, cát cánh 16g, thiên môn 16g, đương quy 16g, sâm đại hành 12g, cam thảo 10g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.
Bài 2: đậu đen sao thơm 24g, cát căn 16g, phòng phong 10g, kinh giới 16g, sa sâm 12g, huyền sâm 12g, trần bì 10g, tang diệp 20g, lá xương sông 12g, rau tần dày lá 12g, lá tía tô 12g, cam thảo 10g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần. Công dụng: bổ phế âm, chống viêm, thanh yết hầu.
Bài 3: rau má 20g, tang diệp 10g, mơ muối 10g, cát cánh 12g, thiên môn 16g, mạch môn 12g, thương nhĩ 12g, xương bồ 12g, cam thảo 10g, trần bì 10g, đương quy 12g, hoàng kỳ (sao mật) 12g, bạch mao căn 16g, ngũ vị 10g, xạ can 10g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.
Bài 4: bài rượu thuốc gồm các vị: đậu đen sao thơm 30g, xương bồ 20g, cát cánh 20g, cam thảo 20g, rau tần dày lá phơi khô 16g, ngũ vị 16g. Các vị thái nhỏ rồi cho vào bình thủy tinh, đổ ngập rượu ngâm. Sau 5 ngày là dùng được. Ngày uống 2 - 3 lần, mỗi lần 15 - 20ml. Công dụng: chống viêm, thanh phế, tiêu đờm, trừ phong, lợi yết hầu.
Bài 5: bài thuốc dân gian: lấy 1 quả khế rửa sạch thái lát rồi bỏ vào một cái ca, cho thêm vào 2 - 3 thìa đường, đậy nắp lại, sau 4 - 5 tiếng đồng hồ là dùng được. Lấy nước cốt khế uống dần ít một. Công dụng: làm cho thanh quản được mềm mại, ổn định lại chức năng đàn hồi của thanh quản và vùng lân cận. Phục hồi chức năng sinh lý, chống viêm nhiễm, chống co cứng, lấy lại sự hoạt động bình thường cho cơ quan phát âm.
Bình luận của bạn