Phòng chốc lở ở trẻ em

  

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Bạn An thân mến!

 

Chốc lở là một bệnh nhiễm khuẩn da chủ yếu xảy ra ở trẻ em. Bệnh có biểu hiện là những nốt mụn đỏ, sau đó vỡ ra, rỉ nước trong một vài ngày và đóng vảy, thường xuất hiện ở vùng mặt, nhất là quanh mũi và miệng. Bệnh dễ lây từ người này sang người khác. Nguyên nhân gây bệnh thường do vi khuẩn, hay gặp nhất là tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus) và liên cầu (Streptococcus pyogenes). Cả hai đều sống trên da và xâm nhập qua vết trầy xước trên da. Khi trẻ mắc bệnh, tùy thuộc vào tuổi, thể bệnh và mức độ nặng, nhẹ để có cách xử trí khác nhau như: vệ sinh, sát khuẩn và giữ cho da trẻ sạch sẽ có thể giúp cho những nốt mụn nhỏ tự liền.

Nếu nặng, cần đưa tới cơ sở y tế bác sĩ chỉ định dùng kháng sinh bôi tại chỗ và kết hợp với kháng sinh đường uống. Về phòng bệnh, giữ cho da trẻ sạch sẽ là cách tốt nhất để tránh nhiễm khuẩn. Xử lý đúng các vết trầy xước bằng cách rửa sạch vùng bị thương để tránh nhiễm khuẩn. Nếu trong gia đình có người bị chốc lở, cần áp dụng các biện pháp để tránh lây nhiễm bằng cách nhẹ nhàng rửa sạch vùng bị bệnh bằng nước muối pha loãng và sau đó băng lại.

Giặt quần áo, khăn... của trẻ hằng ngày và không dùng chung với người khác trong nhà. Mang găng tay khi bôi thuốc và sau đó rửa tay thật kỹ. Cắt móng tay cho trẻ để trẻ khỏi cào gãi. Khuyến khích trẻ rửa tay thường xuyên. Nếu trẻ bị mắc bệnh, cần cho trẻ nghỉ ở nhà không đến lớp để tránh lây nhiễm ra cộng đồng. Cần chú ý, bệnh nhân không dùng tay để làm giập vỡ mụn nước, mụn mủ, không cạy vảy da.

linhly
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Hỏi đáp Phòng bệnh & Điều trị