Thuốc men hạn hẹp
Tại những bệnh viện có số đầu thẻ bảo hiểm y tế cao, bệnh nhân được khám, cấp thuốc đầy đủ. Ở những bệnh viện cùng tuyến có số đầu thẻ bảo hiểm y tế thấp, người bệnh lại thiệt thòi vì chỉ nhận được những dịch vụ, thuốc men hạn hẹp. Tại Bắc Ninh, một trong 4 tỉnh tham gia thực hiện đợt thí điểm lần này đã xảy ra tình trạng bệnh nhân khám bệnh ở một số bệnh viện có số đầu thẻ bảo hiểm y tế thấp bị hạn chế về thuốc mà nguyên nhân là số đầu thẻ bảo hiểm y tế thấp nên tổng số quỹ KCB BHYT tại chỗ tạm giao thấp. TTYT thành phố Bắc Ninh tổng quỹ KCB BHYT ngoại trú tại chỗ tạm giao là 7.270.244.515 đồng , trong khi đó đơn vị này đã chi hơn một nửa cho chi trả các chi phí khám chữa bệnh. Như vậy 6 tháng cuối năm, đơn vị này sẽ phải hạn chế một số các dịch vụ khám chữa bệnh và thuốc cho người bệnh nếu không được cấp thêm kinh phí.
Người bệnh khó tiếp cận các kĩ thuật cao
Nguồn kinh phí được cấp là cố định, nên không tránh khỏi tình trạng “liệu cơm gắp mắm”. Để “khéo co tấm chăn” quỹ BHYT, không ít CSYT đã tính toán trong việc chỉ định cận lâm sàng và chọn danh mục thuốc điều trị, thậm chí phải cân nhắc trong các trường hợp chuyển viện.
Với khoán định suất BHYT, người bệnh cũng khó tiếp cận được các kỹ thuật cao, chi phí lớn. Một số bệnh viện đã triển khai các kỹ thuật cao như tán sỏi ngoài cơ thể, phẫu thuật nội soi tiền liệt tuyến, phẫu thuật nội soi ổ bụng, phẫu thuật nội soi tai mũi họng… mang lại lợi ích lớn, nhưng lại làm tăng chi phí điều trị, ảnh hưởng trực tiếp đến quỹ định suất của đơn vị. Cũng vì lý do đó mà việc triển khai các kỹ thuật mới tương xứng với hạng bệnh viện như X-quang kỹ thuật số, CT-scanner, MRI, can thiệp mạch vành… đều rất khó khăn.
Ở Huế, trong 6 tháng thực hiện thí điểm, tỷ lệ chi phí phẫu thuật , thủ thuật lại có xu hướng giảm ở tất cả các bệnh viện tham gia (trừ bệnh viện Trung ương Huế). Tỷ lệ chi phí phẫu thuật của bệnh viện Phong Điền giảm từ 17,77% xuống còn 14,14 % giảm 3,63%; bệnh viện Phú Vang giảm từ 31,56% xuống còn 26,7%, giảm 4,86%... Sở dĩ tỷ lệ chi phí phẫu thuật có xu hướng giảm là do các đơn vị tham gia đang cố gắng bảo toàn quỹ chưa dám mạnh dạn triển khai các dịch vụ kỹ thuật.
Khi các cơ sở y tế thực hiện phương thức thanh toán BHYT theo định suất sẽ được tạm ứng 80% kinh phí theo từng quý dựa trên số thẻ bảo hiểm đăng ký tại cơ sở. Nghe qua cứ tưởng, cơ sở y tế đó được chủ động nguồn tài chính trong quá trình khám chữa bệnh và có thể điều chỉnh quỹ hợp lý, kiểm soát quỹ BHYT, hạn chế tình trạng lạm dụng xét nghiệm và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh (KCB). Nhưng thực chất, việc thanh toán này đã bó buộc quá trình điều trị của các bác sĩ, ảnh hưởng đến việc điều trị bệnh của bệnh nhân.
Khó trong chuyển tuyến
Theo đề án công tác chuyển viện thì dựa vào tần suất chuyển viện tuyến trên để xem xét khấu trừ chuyển viện nhưng chưa có quy định cụ thể chi phí trừ tương ứng với tần suất vượt, điều này đã khiến người bệnh gặp nhiều khó khăn.
Nguồn kinh phí mỗi bệnh viện được cấp là một con số cứng, bệnh viện buộc phải thanh tính toán chi tiêu sao cho gói gọn trong chừng ấy tiền. Nếu vừa muốn đảm bảo chuyên môn lại không được vượt trần quả là vừa thiệt thòi cho bệnh nhân lại "làm khó” bác sĩ. Thậm chí nhiều bệnh viện có đủ năng lực chữa bệnh cho người bệnh, nhưng lại phải chuyển bệnh viện lên tuyến trên vì sợ bội chi quỹ của cơ sở y tế đăng ký khám chữa bệnh ban đầu. Nhưng lại dồn gánh nặng lên bệnh viện tuyến trên, khiến nhiều cơ sở y tế tuyến trên bị chi đa tuyến tăng cao.
Một dự án luật quan trọng trong việc tạo lập các thiết chế đảm bảo an sinh xã hội như Luật BHYT , đang được đặt lên bàn nghị sự, người dân hy vọng những bất cập trong khám chữa bệnh BHYT sẽ được cân nhắc đến và có điều chỉnh sửa đổi cho phù hợp với yêu cầu của cuộc sống. Một khi những vướng mắc cản trở người dân có BHYT tiếp cận với các dịch vụ y tế theo quy định, trong đó có các bệnh viện tư nhân, vẫn chưa được tháo gỡ, thì mục tiêu toàn dân tham gia BHYT rất khó đạt được.
Bình luận của bạn