Điều chỉnh giá khám, chữa bệnh theo mức lương cơ sở

Bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai thăm khám cho bệnh nhân - Ảnh: Bệnh viện Bạch Mai

Hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh theo yêu cầu

Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế

Nhiều bệnh viện lớn giảm phí dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu

Theo thông tư 21/2024/TT-BYT, phương pháp định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được xây dựng dựa trên hai phương pháp chính: Phương pháp so sánh và phương pháp chi phí. Các cơ sở y tế có thể lựa chọn áp dụng một trong hai phương pháp này để xác định giá dịch vụ. Trong trường hợp áp dụng được cả hai phương pháp định giá cùng lúc thì ưu tiên lựa chọn phương pháp so sánh.

Ngoài ra, Thông tư này còn đưa ra hướng dẫn về hồ sơ và thủ tục phê duyệt giá khám bệnh, chữa bệnh. Các hướng dẫn về việc phê duyệt giá khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu (hiện đang quy định tại Thông tư 13/2023/TT-BYT) được tiếp tục quy định và hướng dẫn tại Thông tư này như: Quy định một số nguyên tắc mà các cơ sở y tế sẽ phải thực hiện khi cung cấp dịch vụ theo yêu cầu, quy định về tỷ lệ giường bệnh theo yêu cầu không quá 20% so với giường thực hiện bình quân của năm trước. Các quy định về tỷ lệ chuyên gia, bác sĩ tham gia khám chữa bệnh theo yêu cầu cũng được xác định không quá 30%.

Nghị định 96/2023/NĐ-CP cho phép các cơ sở y tế được áp dụng mức giá hiện hành đến khi có quy định mới, nhưng không muộn hơn ngày 31/12/2024. Theo đó, các cơ sở y tế sẽ phải thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ theo mức lương cơ sở mới là 2,34 triệu đồng, thay thế mức 1,8 triệu đồng trước đây.

Đến thời điểm hiện nay, Bộ Y tế đã phê duyệt giá khám bệnh, chữa bệnh cho 5 bệnh viện hạng đặc biệt và khoảng 10 bệnh viện hạng I. Các địa phương cũng đang khẩn trưởng triển khai phê duyệt giá theo mức lương cơ sở mới, đảm bảo không vượt quá mức giá trần do Bộ Y tế quy định. Cấp có thẩm quyền phê duyệt giá ngày nào thì đơn vị được thực hiện theo mức giá mới từ ngày đó.

Việc điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh có tác động nhất định đối với quỹ Bảo hiểm Y tế (BHYT) và người dân. Theo Bộ Y tế, quỹ BHYT hiện nay đủ khả năng cân đối do số thu tăng nhanh hơn so với mức chi trả mới.

Đối với người đang tham gia BHYT, các đối tượng gồm người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và nhóm chính sách xã hội sẽ được hưởng 100% chi phí từ quỹ bảo hiểm y tế, nên không bị ảnh hưởng nhiều. Với các đối tượng có thẻ BHYT phải đồng chi trả ở mức 20% hoặc 5%, chi phí sẽ tăng nhẹ nhưng không đáng kể do thu nhập của các đối tượng cũng được tăng theo tiền lương cơ sở. Đối với những người chưa có thẻ BHYT, chi phí khám chữa bệnh sẽ tăng, tuy nhiên, tác động này chủ yếu ảnh hưởng đến khoảng 8% dân số chưa tham gia BHYT.

 
Lê Tuyết
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội