Không để hậu quả của bão số 3 ảnh hưởng tới công tác khám chữa bệnh

Thiệt hại tại khu vực điều trị theo yêu cầu, Khoa Sản, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh - Ảnh: Báo Quảng Ninh

Chùm ảnh: Nhiều cây đại thụ ở Hà Nội bị "quật ngã" trong siêu bão YAGI

Lưu ý các biện pháp bảo vệ sức khỏe mùa mưa bão

Nỗi lo bùng phát bệnh ngoài da sau mưa lũ

Bùng phát “vi khuẩn ăn thịt người” sau bão lũ, cách phòng ngừa ra sao?

“Tan hoang” là những gì tận thấy sau khi cơn bão số 3 (bão Yagi) đổ bộ vào đất liền tỉnh Quảng Ninh – Hải Phòng, trước khi đi sâu vào đồng bằng Bắc Bộ rồi suy yếu thành vùng áp thấp. Đây là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Bắc Bộ. Dù cả hệ thống chính trị và nhân dân đã có sự chuẩn bị và ứng phó quyết liệt, khó tránh khỏi những thiệt hại nặng nề trước sức mạnh của thiên nhiên.

Hiện trạng Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh sau bão số 3, Sở Y tế tỉnh đang tập trung lực lượng khẩn trương phục hồi hậu quả của bão - Ảnh: CDC Quảng Ninh

Hiện trạng Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh sau bão số 3, Sở Y tế tỉnh đang tập trung lực lượng khẩn trương phục hồi hậu quả của bão - Ảnh: CDC Quảng Ninh

Theo thống kê của Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn, tính đến 18h ngày 8/9, đã có 22 người chết và 32 người mất tích, 199 người bị thương do bão số 3 ở 9 tỉnh, thành phố.

Dự kiến, sau khi bão tan, các đợt mưa lớn kéo theo nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét tại nhiều địa phương ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Do đó, Bộ Y tế đã có công văn hỏa tốc gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ; Các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế khu vực miền Bắc, miền Trung về việc chủ động khắc phục hậu quả sau bão số 3.

Thống kê đến của Bệnh viện Bãi Cháy sáng ngày 8/9 cho thấy, các tòa nhà A, B,E,G, nhà để bồn oxy, trạm máy phát điện và 02 nhà để xe đều bị lật, bay mái tôn. Tòa nhà B bị hư họng nặng nề, vỡ cửa kính, bay tấm trần, hư hỏng nhiều thiết bị. Rất may không có thiệt hại về người - Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy

Thống kê đến của Bệnh viện Bãi Cháy sáng ngày 8/9 cho thấy, các tòa nhà A, B,E,G, nhà để bồn oxy, trạm máy phát điện và 02 nhà để xe đều bị lật, bay mái tôn. Tòa nhà B bị hư họng nặng nề, vỡ cửa kính, bay tấm trần, hư hỏng nhiều thiết bị. Rất may không có thiệt hại về người - Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy

Bộ Y tế ghi nhận nỗ lực của các Sở Y tế và các bệnh viện đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo Bộ Y tế trong công tác phòng chống bão lụt. Một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã bị thiệt hại ở các mức độ khác nhau, nhưng công tác tiếp nhận cấp cứu, điều trị cho người bệnh vẫn đảm bảo duy trì, đặc biệt một số ca chấn thương nặng đã được cấp cứu kịp thời.

Bộ Y tế đề nghị các đơn vị theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, mưa lũ trên địa bàn, đặc biệt là nguy cơ xảy ra ngập úng cục bộ, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét tại khu vực miền núi do ảnh hưởng của mưa lớn sau bão để chủ động nắm bắt tình hình, triển khai công tác ứng phó kịp thời, hiệu quả theo phương châm "bốn tại chỗ".

Để nhanh chóng khắc phục và hạn chế thấp nhất thiệt hại và sớm triển khai các hoạt động bình thường của các bệnh viện, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị bệnh viện cần tổ chức hội chẩn chuyên môn hoặc chuyển bệnh viện khác kịp thời khi có trường hợp bệnh nhân cấp cứu chấn thương nặng, vượt quá khả năng chuyên môn. Nếu có khó khăn, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị báo cáo cấp có thẩm quyền và Bộ Y tế để có hỗ trợ, chi viện kịp thời.

 

Báo cáo nhanh của Sở Y tế Hà Nội cho thấy, về công tác đáp ứng y tế ứng phó cơn bão số 3, tính đến sáng ngày 8/9, các cơ sở y tế đã khám, chữa bệnh cho 10.745 bệnh nhân đang được điều trị nội trú, khám, cấp cứu tai nạn 929 trường hợp. Thiệt hại do bão số 3 gây ra tại các cơ sở y tế gồm: 49 cây, cành bị đổ và gãy; 14 mái tôn, mái nhựa bị bay, tốc, hỏng... không ghi nhận thiệt hại về người.

 

- Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Quảng Ninh, đến sáng 8/9, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận 357 bệnh nhân điều trị do bão, vận chuyển thành công 11 trường hợp chấn thương do bão.

- Sở Y tế thành phố Hải Phòng cho biết, sơ bộ ban đầu, một số cơ sở y tế bị bay mái, bay biển hiệu, biển chỉ dẫn; Một số trạm y tế bị đổ tường bao. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo thành phố Hải Phòng rà soát, triển khai hỗ trợ các gia đình có người thiệt mạng, bị thương do bão số 3; Rà soát, thống kê lại toàn bộ thiệt hại để có giải pháp hỗ trợ, tổ chức khắc phục hiệu quả; Khắc phục thiệt hại tại các cơ sở giáo dục, y tế đảm bảo không có học sinh nào không có lớp học, không người dân nào không có nơi khám, chữa bệnh.

- Tại Hải Dương - tỉnh nằm trên đường đi của bão số 3 trên đất liền, đến sáng 8/9, các bệnh viện tuyến tỉnh cơ bản vẫn duy trì hoạt động cấp cứu, khám chữa bệnh cho nhân dân. Theo Sở Y tế Hải Dương, ngày 7/9, khi bão đổ bộ, Trung tâm Y tế huyện Thanh Miện đã cấp cứu hàng chục bệnh nhân. Trong điều kiện bị cắt điện lưới không thể mổ nội soi, mưa to gió mạnh nên xe cấp cứu chuyển lên tuyến trên phải quay đầu, các bác sĩ đã tiến hành ca phẫu thuật viêm ruột thừa mổ mở bằng đèn gù cho một bệnh nhi. Chiều 8/9, sức khoẻ của bệnh nhi này đã ổn định, phục hồi nhanh.

 
Quỳnh Trang (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội