Việc xây dựng và ban hành Thông tư Quy định danh mục chất cấm trong quản lý sẽ còn cần nhiều ý kiến đóng góp nữa để hoàn thiện
Thực hiện kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Y tế năm 2021 ban hành kèm theo Quyết định số 5625/QĐ-BYT ngày 31/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế, Cục An toàn thực phẩm (ATTP) đã triển khai xây dựng và hoàn thiện dự thảo Thông tư Quy định danh mục chất cấm sử dụng trong sản xuất kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Từ trước đến nay, Việt Nam vẫn chưa có văn bảo nào quy định cụ thể chất cấm, hóa chất cấm sử dụng trong thực phẩm nói chung, thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TP BVSK) nói riêng là những chất nào. Chính vì lẽ đó, nhiều cá nhân, tổ chức đã lợi dụng sự lỏng lẻo này để sử dụng các chất cấm gây hại đến sức khỏe trong việc sản xuất và kinh doanh TP BVSK.
Do chưa có quy định cụ thể nào về các chất cấm sử dụng nên việc xử lý là rất khó khăn, không thể xử lý hình sự các trường hợp vi phạm về ATTP vì thiếu căn cứ, ba rem để phạt. Thế nên, việc xây dựng Thông tư này là điều hết sức cần thiết.
Chất cấm trong Danh mục được lựa chọn theo nguyên tắc là các chất có hại tới sức khỏe hoặc anh hưởng tới tính mạng người sử dụng được phát hiện trong quá trình thanh tra, kiểm tra, giám sát về ATTP của Cục ATTP, trong tài liệu cảnh báo của quốc tế, hoặc các chất ma túy, chất cấm sử dụng làm thuốc quy định tại các Nghị định của Chính phủ, Thông tư của Bộ Y tế được đưa vào TP BVSK.
Tuy nhiên để có thể ra được Thông tư cần phải dựa trên sự đóng góp ý kiến của các Cục, Vụ, Viện, các đơn vị liên quan. Ở hội thảo chiều 6/5, rất nhiều ý kiến được đưa ra, phần lớn đều có chung thắc mắc về việc phải phân tích rõ ràng chất cấm là gì; chất cấm là 100% không được dùng để sản xuất TP BVSK hay sử dụng theo hạn mức nhất định; việc không được sử dụng chất cấm bắt đầu tính từ khâu nguyên liệu sản xuất hay khi đã ra thành phẩm; mức độ như thế nào và xử lý như thế nào…
TS. Đỗ Hữu Tuấn, Phó Cục trưởng Cục ATTP, đã ghi nhận các ý kiến của các đại biểu đồng thời cho biết trong quá trình xây dựng Thông tư sẽ tìm hiểu và hiệu chỉnh các mục sao cho hợp lý và chuẩn xác nhất dựa trên các ý kiến đóng góp này.
Bình luận của bạn