Tiết kiệm tiền tỉ
Cục Quản lý Dược đã nhận được báo cáo nhanh của một số Sở Y tế cho thấytrị giá trúng thầu theo quy định mới mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Ví như tại Quảng Ngãi, so với kế hoạch tương tự theo giá trúng thầu của năm trước thì kết quả đấu thầu của Sở Y tế Quảng Ngãi giảm/tiết kiệm được khoảng 28 tỉ (24%); Sở Y tế Quảng Ninh giảm/tiết kiệm được khoảng 40 tỉ (20%); Sở Y tế Hà Tĩnh giảm/tiết kiệm được khoảng 32 tỉ (25%); Sở Y tế Hậu Giang giảm/tiết kiệm được khoảng 57 tỉ (~31%).
Ông Hùng cho biết, qua phân tích kết quả trúng thầu của 7 Sở Y tế đã thực hiện đấu thầu theo quy định mới và báo cáo về Bộ Y tế cho thấy, so sánh trị giá tiền mua thuốc theo giá thuốc trúng thầu năm 2013 của 20 mặt hàng có tỉ trọng sử dụng cao trong đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế (chiếm khoảng 30% trị giá thuốc trúng thầu tại các bệnh viện) với việc mua sắm các mặt hàng này năm 2012 cho thấy số tiền tiết kiệm được là 115,49 tỉ, tương đương với 28% tổng trị giá trúng thầu của các mặt hàng này tại 7 Sở Y tế.
Giá đấu thầu một số loại thuốc cũng giảm rõ rệt. Ví như trong năm 2012, kháng sinh Imipenem + Cilastatin (500mg + 500mg) mua 8 mặt hàng với 4,948 tỉ/17.567 lọ, năm 2013 mua 7 mặt hàng với 11,984 tỉ đồng/57.500 lọ (tiết kiệm 35,15% chi phí sử dụng)… Hầu hết các mặt hàng thuốc năm 2013 đều có giá giảm so với năm 2012, nhiều mặt hàng có giá giảm mạnh như: Fascort (Methyl prednisolon 4mg) giảm 42,86%; Quincef (Cefuroxim 125mg) giảm 34,64%; Teonam (Imipenem 500mg + Cilastatin 500mg) giảm 10,6%; Getzlox (Levofloxacin 750mg) giảm 6,88%...
Thuốc giá rẻ, chất lượng kém?
Trước ý kiến cho rằng thuốc Ấn Độ, Trung Quốc đang trúng thầu lớn, Cục Quản lý Dược đã khảo sát kết quả trúng thầu của các đơn vị trong 02 năm còn cho thấy có 120 mặt hàng thuốc Ấn Độ và 15 mặt hàng thuốc Trung Quốc cùng tên thương mại, dạng bào chế, nồng độ hàm lượng, nhà sản xuất (cùng là một thuốc) trúng thầu ở cả 2 năm, tuy nhiên trong đó 77 mặt hàng thuốc Ấn Độ, 9 mặt hàng thuốc Trung Quốc giảm giá mạnh so với kết quả năm 2012 với rất nhiều mặt hàng có mức giảm từ 20-166% so với mức giá trúng thầu năm 2012 (46/135 mặt hàng chiếm 34%). Trong số đó, số lượng mặt hàng có tăng giá so với năm 2012 chỉ có 12/135 mặt hàng (chiếm 8,8%), còn lại là các mặt hàng giữ nguyên giá so với năm 2012.
Trước lo ngại việc ưu tiên về giá làm tăng nguy cơ thuốc giá rẻ chất lượng không đảm bảo, ông Hùng cho rằng điều đó hoàn toàn không có cơ sở. “Tất cả các thuốc lưu hành tại thị trường Việt Nam phải đạt tiêu chuẩn và được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành (sau khi được thẩm định đầy đủ về tiêu chuẩn chất lượng thuốc, các dữ liệu lâm sàng về an toàn, hiệu quả của thuốc). Ngoài ra, đối với một số nhóm hoạt chất phải thực hiện nghiên cứu đánh giá tương đương sinh học theo quy định để được cấp số đăng ký lưu hành. Vì vậy chất lượng thuốc là hoàn toàn đạt yêu cầu.
Còn đối với các thuốc nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam, để được cấp số đăng ký lưu hành (hoặc Giấy phép nhập khẩu) thì yêu cầu tiên quyết về pháp lý là thuốc phải được cấp phép lưu hành tại nước sản xuất, đã được thẩm định, đánh giá đầy đủ về tiêu chuẩn chất lượng, dữ liệu an toàn, hiệu quả của thuốc…
Chưa kể, hệ thống kiểm nghiệm là Viện kiểm nghiệm trung ương và các Trung tâm kiểm nghiệm trên toàn quốc) thường xuyên thực hiện hậu kiểm, kịp thời phát hiện những loại thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng theo hồ sơ đăng ký lưu hành sẽ bị xử lý theo quy định (thu hồi, rút số đăng ký lưu hành).
“Điều này cho thấy việc nói trúng thầu theo TTLT số 01 với giá rẻ hơn có chất lượng không đảm bảo là không chính xác và không có cơ sở, vì cũng chính những mặt hàng đó đã được các đơn vị phê duyệt trúng thầu và sử dụng trong năm 2012 với mức giá cao hơn nhiều so với giá trúng thầu năm 2013 nhưng không thấy đơn vị nào phản ánh về chất lượng của chính các mặt hàng đó!”, ông Hùng nói.
Tuy thông tư số 01 đã mang lại nhiều thuận lợi, tuy nhiên, trước kiến nghị của một số đơn vị, Bộ Y tế đã thành lập ban soạn thảo để sửa đổi, bổ sung TTLT số 01 và TT số 11 về đấu thầu mua thuốc, dự kiến sẽ xem xét để bổ sung, sửa đổi một số nội dung theo kiến nghị của các đơn vị.
Bình luận của bạn