Bạn đã biết về lịch sử, ý nghĩa ngày Giỗ Tổ Hùng Vương?

Giỗ Tổ Hùng Vương có ý nghĩa quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần người Việt

Tăng 32 đoàn tàu dịp giỗ Tổ và nghỉ lễ 30/4, 1/5

Nghìn người tới xem diễn xướng hầu đồng nhân dịp Quốc giỗ

Biển người chen chân dâng hương giỗ Tổ

Thời tiết ủng hộ người dân đi chơi dịp Giỗ Tổ Hùng Vương

Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương diễn ra vào ngày mồng 10/3 âm lịch hàng năm tại Đền Hùng, Việt Trì, Phú Thọ. Từ hàng nghìn năm qua, Đền Hùng luôn là biểu tượng của sự tôn kính, linh nghiêm quy tụ của dân tộc Việt.

Trước đó hàng tuần, lễ hội diễn ra với nhiều hoạt động văn hoá dân gian và kết thúc vào ngày 10/3 âm lịch với Lễ rước kiệu và dâng hương tại Đền Thượng.

Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm là ngày hội chung của toàn dân. Trong ngày này, nhân dân cả nước còn có điều kiện để tham gia vào các hoạt động văn hóa thể hiện lòng thành kính tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân đã vì dân giữ nước.

Giỗ Tổ Hùng Vương là ngày hội chung của toàn dân

Theo sử sách ghi lại, đời nhà Nguyễn vào năm Khải Định thứ 2 (1917), Tuần phủ Phú Thọ Lê Trung Ngọc đã trình bộ Lễ định ngày 10/3 âm lịch hàng năm làm ngày Quốc tế (Quốc Lễ, Quốc Giỗ). Kể từ đây, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương ngày 10/3 âm lịch hàng năm được chính thức hóa bằng luật pháp.

Kế tục truyền thống cao đẹp của cha ông, sau thành công của cách mạng tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh cho công chức nghỉ ngày 10/3 âm lịch hàng năm để tham gia tổ chức các hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương hướng về cội nguồn dân tộc.

Ngày 02/4/2007, Quốc Hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phê chuẩn sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Luật Lao động cho người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch).

Theo đánh giá của các chuyên gia UNESCO, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” đã đáp ứng được tiêu chí quan trọng nhất trong 5 tiêu chí là di sản có giá trị nổi bật mang tính toàn cầu, khích lệ ý thức chung của mọi dân tộc trong việc thúc đẩy giá trị đó. Theo đó, năm 2012, UNESCO đã chính thức công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng còn là dịp để giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, lòng biết ơn sâu sắc các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân đã có công chống giặc ngoại xâm giữ nước. Đồng thời, còn là dịp quan trọng để quảng bá ra thế giới về một Di sản độc đáo, đã tồn tại hàng nghìn năm, đi sâu vào tâm khảm, trở thành đạo lý truyền thống của đồng bào cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài.

Giỗ Tổ Hùng Vương cũng là ngày để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta cùng nguyện một lòng mãi mãi khắc ghi lời căn dặn của Bác Hồ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước - Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Hoài Thương H+ (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội