Càng áp lực, càng khó thụ thai

Tâm lý ảnh hưởng rất lớn tới khả năng thụ thai trong điều trị hiếm muộn

Cần bổ sung vi chất thiết yếu trước khi có thai

10 cách giảm nguy cơ vô sinh ở nam giới

Vì sao quý ông 'lãnh cảm' sau khi vợ sinh con?

Nhiều nam giới vô sinh do không có tinh trùng

Thuốc vô sinh không làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim

Căng thẳng tâm lý ảnh hưởng đến cả 2

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, nguyên nhân vô sinh xuất phát từ người vợ chiếm khoảng 40%, từ người chồng 40% và 10% không rõ nguyên nhân.

Đi điều trị hiếm muộn, chị Nguyễn Bích N. (25 tuổi) cho hay, chị và chồng lấy nhau đã được hơn 1 năm mà vẫn chưa có nổi mụn con nào. Hai bên gia đình thúc giục, bồi bổ các kiểu thuốc nam, thuốc bắc mà vẫn không ăn thua. Nửa năm trước, gia đình chị quyết định đi khám hiếm muộn thì mới biết nguyên nhân không có con là do từ phía chồng. Từ ngày biết được tin, 2 anh chị giấu ông bà, âm thầm đi thụ tinh trong ống nghiệm nhưng không thành công. “Hiện giờ vợ chồng mình đã rất căng thẳng và buồn phiền, nếu 2 bên bố mẹ mà biết chắc chắn họ sẽ lo lắng, không ăn không ngủ, áp lực sẽ lại càng tăng thêm", chị N. kể.

Có con là niềm ao ước lớn nhất của các cặp hiếm muộn

Đồng cảnh ngộ, nhưng vợ chồng anh Phạm Ngọc T. (TP.HCM) còn phải chịu áp lực hơn nhiều. Nhà anh T. neo người, bố mẹ anh chỉ có anh là đứa con duy nhất, kinh tế khá giả nên ông bà không mong gì hơn ngoài việc vợ chồng anh sinh cho ông bà một, hai đứa cháu để vui cửa vui nhà. Ấy vậy mà, đã nhiều năm nay cái tin vui ấy lại không đến với gia đình bé nhỏ của họ. Cất tiếng thở dài, vợ anh T. chia sẻ: “Đây không phải là lần đầu vợ chồng mình đi điều trị hiếm muộn, trước đây đã từng đi nhiều nơi nhưng đều không thành công. Nhiều lúc nhìn thấy ánh mắt ngóng trông hy vọng của các cụ, gánh nặng như càng nặng thêm trên vai nên thật sự mình còn không muốn về nhà…”. Chị còn cho biết thêm, có khoảng thời gian 2 anh chị rơi vào tuyệt vọng nhưng lại nghĩ đến các cụ và niềm mong mỏi có đứa con như bao các cặp đôi khác nên anh chị lại cố. 

Theo BS. Võ Thanh Liên Anh - Khoa Hiếm muộn, Bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc, tại Việt Nam, quan niệm về việc hiếm muộn đường con cái rất nặng nề. Do đó, việc chưa có con là một gánh nặng đè lên vai 2 vợ chồng, nhất là đối với bản thân người vợ. “Đa số các cặp điều trị vô sinh đều rất nóng vội, không kiên trì. Nếu việc điều trị chưa thành công, họ thường dễ bị rơi vào tình trạng chán nản, thất vọng và nghi ngờ khả năng của bác sỹ”, BS. Liên Anh chia sẻ.

BS. Nguyễn Thị Nhã - Trưởng Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Bưu điện cũng nói: “Khi người phụ nữ bị áp lực tâm lý đè nặng thì sự rụng trứng có thể bị ức chế và sẽ gặp khó khăn trong việc thụ thai. Còn đối nam giới, căng thẳng tâm lý cũng có thể ức chế sản xuất tinh trùng cũng như độ di động của tinh trùng… do đó sẽ càng khó cho việc có thai”.

Nên bắt đầu từ đâu?

Theo kết quả điều tra mới nhất tại Việt Nam tỷ lệ vô sinh chiếm khoảng 15% các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh sản. Như vậy ở nước ta có đến hàng triệu cặp vợ chồng có nhu cầu sinh con nhưng vẫn chưa thể thực hiện được mơ ước của mình. Nhiều cặp vợ chồng không có điều kiện chữa trị, nhưng cũng không ít người có điều kiện song lại không biết bắt đầu từ đâu và nên làm thế nào.

Các cặp hiếm muộn cần tin tưởng vào người bác sỹ chữa trị cho mình

BS. Võ Thanh Liên Anh cho hay, hiếm muộn là tình trạng người vợ không thể thụ thai trong khoảng thời gian hai vợ chồng sống chung từ một năm trở lên mà không sử dụng biện pháp ngừa thai nào.

Trong điều trị vô sinh, kinh nghiệm và trình độ chuyên môn của bác sỹ là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của ca điều trị. Để việc chữa trị thành công, điều cơ bản và quan trọng nhất là phải hiểu rõ nguyên nhân vô sinh. Nó có thể xuất phát từ người vợ, người chồng hoặc từ cả hai. Một người bác sỹ có kinh nghiệm sẽ nhanh chóng phát hiện ra nguyên nhân thông qua những kỹ thuật chẩn đoán như: xét nghiệm máu đầu chu kỳ, chụp buồng tử cung và vòi trứng cản quang (HSG), siêu âm bơm nước buồng tử cung, siêu âm theo dõi nang trứng hoặc làm tinh dịch đồ đối với người chồng…

Sau khi nắm rõ được nguyên nhân hiếm muộn, bác sỹ sẽ tùy thuộc vào tình hình mỗi bệnh nhân để có hướng điều trị thích hợp. Đặc biệt, BS. Liên Anh khuyến cáo: “Trong quá trình điều trị vô sinh tâm lý là yếu tố được đánh giá cao. Một phụ nữ bình thường nếu bị căng thẳng hoặc bị áp lực cũng đã khó thụ thai chứ đừng nói tới người gặp vấn đề về đường sinh nở, những áp lực từ gia đình, xã hội càng làm cho họ có tâm lý nặng nề, quá trình thụ thai lại càng thêm muôn phần khó khăn”.

Ngoài ra, việc lựa chọn môi trường và điều kiện cơ sở vật chất hiện đại đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn cũng là một trong những yếu tố quyết định sự thành công trong việc điều trị hiếm muộn.

Dù điều trị có thất bại cũng không nên tuyệt vọng, hãy tạo cho mình một cuộc sống luôn có những mục đích, niềm vui. Điều quan trọng nhất chính là phải biết làm chủ cảm xúc, loại bỏ được những áp lực, những căng thẳng và mong mỏi trong việc điều trị hiếm muộn. "Hãy để cho mọi thứ trở nên tự nhiên với tâm lý thoải mái, có như vậy thì việc ắt thành công”, BS. Liên Anh nói.  

Hiện nay, tại Việt Nam đã có các kỹ thuật điều trị hiếm muộn tiên tiến như: Cấy tinh trùng vào buồng tử cung - Intrauterine Insemination (IUI); Thụ tinh trong ống nghiệm – In vitro fertilization (IVF); Tiêm tinh trùng vào bào tương trứng - Intra-Cytoplasmic Sperm Injection (ICSI); Thụ tinh trong ống nghiệm với tinh trùng chiết từ mào tinh - Microsurgical Epididymal Sperm Aspiration (MESA ICSI); Lấy tinh trùng từ tinh hoàn bằng cách xẻ tinh hoàn - Testicular Sperm Extraction (TESE); Lấy tinh trùng từ tinh hoàn bằng chọc hút - Testicular Sperm Aspiration (TESA) hay lấy tinh trùng từ mào tinh bằng xuyên kim qua da - Percutaneous Epididymal Sperm Aspiration (PESA).
M.Hiếu H+ (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội