Người mẹ ung thư máu quyết sinh con

Chị Hảo đang điều trị tại Viện Huyết học Truyền máu Trung ương.

Nữ thiếu úy từ chối điều trị ung thư để cứu con đã qua đời

Mẹ ung thư mổ cứu con đang cố sống từng ngày

Hãng hàng không từ chối bé trai bị tự kỷ gây phẫn nộ

Vụ bác sỹ từ chối mổ: Lỗi thuộc về… ?

Mang thai đến tuần 26, chị  Hảo thường xuyên mệt mỏi, có dấu hiệu xuất huyết dưới da, nổi hạch vùng cổ, được gia đình đưa đến bệnh viện tỉnh khám. Kết quả cho thấy chị Hảo bị ung thư máu. Chị được chuyển đến Viện Huyết học Truyền máu Trung ương. Tại đây, kết quả xét nghiệm vẫn không thay đổi, căn bệnh ung thư máu đe dọa tính mạng của cả hai mẹ con.

Người mẹ trẻ được bác sỹ tư vấn đình chỉ thai để tập trung điều trị bệnh, song tình mẫu tử đã khiến chị kiên cường giữ lấy đứa con. Chỉ vài tuần sau khi phát hiện bệnh, sức chịu đựng của cơ thể người mẹ đã đến giới hạn. Chị liên tục phải di chuyển giữa Viện Huyết học và Bệnh viện Bạch Mai để theo dõi tình hình sức khỏe của cả hai mẹ con. Chị bảo, có đau đớn, sợ hãi bệnh tật đấy nhưng vì trong bụng còn có con nên phải gắng gượng, phải chiến đấu đến cùng. "Tôi đã chuẩn bị kỹ tinh thần, cố gắng chiến đấu và mạnh mẽ để sinh con ra khỏe mạnh", chị Hảo nói.

Ngày 18/7, khi thai nhi ở tuần thứ 30, bệnh tình của người mẹ ngày càng nguy cấp. Các bác sỹ Bệnh viện Bạch Mai đã mổ thai phụ để cứu con. Cháu bé chào đời được đặt tên là Dương Ngọc Lâm, nặng 1,8kg, bị suy hô hấp và thiếu máu trầm trọng. Bé được các bác sỹ khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai tích cực điều trị.

Còn người mẹ, sau ca mổ bắt con, lại được chuyển về Viện Huyết học để điều trị ung thư. Vết mổ sau sinh chưa lành hẳn cùng nỗi đau từ các hạch ung thư khiến chị Hảo vô cùng đau đớn. Sau sinh, chị bị sốt, căng sữa mà không được cho con bú vì đã bắt đầu vào giai đoạn điều trị. Bác sỹ phải cho chị uống thuốc cắt sữa. Hàng ngày chị ngắm con qua hình ảnh chụp từ điện thoại của chồng.

Bé Lâm đã xuất viện sau khi được điều trị tích cực ở Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Nhữ Thảo.

Hiện chị Hảo vẫn chưa được điều trị hóa chất ngay do những hạch ở cổ mưng mủ và chưa có dấu hiệu xẹp xuống. "Bác sỹ nói phải điều trị hết hạch vùng cổ mới có thể truyền hóa chất. Hằng ngày tôi được truyền kháng sinh để loại bỏ hạch và phục hồi sức khỏe", chị Hảo nói.

Các bác sỹ Khoa Điều trị hóa chất, Viện Huyết học cho biết, hiện vết mổ bắt con của chị Hảo đã ổn nhưng nhưng chưa thể truyền hóa chất là vì thể trạng còn quá yếu và có hạch vùng cổ. Nếu truyền hóa chất lúc này, nguy cơ nhiễm khuẩn cao dẫn đến bị nhiễm khuẩn huyết rất nguy hiểm.

Anh Dương Ngọc Tùng, chồng chị Hảo cho biết, sau gần một tháng điều trị tích cực tại Bệnh viện Bạch Mai, hai mẹ con đã được hội ngộ. Cách đây 2 hôm, sức khỏe ổn định, bé Lâm được xuất viện. Trước khi đưa bé về quê, gia đình đã đưa bé đến Viện Huyết học để mong hai mẹ con được đoàn tụ. Tuy nhiên, các bác sỹ khuyên không nên cho bé đến phòng bệnh của mẹ, gia đình đã thuê một phòng nghỉ để ở tạm rồi đón mẹ đến để gặp con.

Cuộc hội ngộ ngắn ngủi trong nước mắt, người mẹ bệnh tật cố gắng ôm chặt đứa con trong tiếng nấc nghẹn lòng. Không thể cho con bú, không thể tự tay thay tã, đút sữa cho con, nhưng với chị Hảo được gặp con, được ngắm nghía hình hài của con, được tận tay bồng con vào lòng đã giúp chị thỏa nỗi nhớ. "Thấy con khỏe mạnh là tôi hạnh phúc, mãn nguyện rồi", chị Hảo tâm sự.

Hiện tại, chị Hảo vẫn được điều trị tích cực tại khoa Điều trị hóa chất, Viện Huyết học. Bé Lâm đã được gia đình đưa về quê chăm sóc. Mong muốn lớn nhất của người mẹ này là việc điều trị được thuận lợi, bệnh tình thuyên giảm để có cơ hội đoàn tụ với đứa con bé bỏng.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội