Có được cơ thể khỏe mạnh là điều cốt yếu trong phòng, chống dịch COVID-19

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 - Ảnh: VGP

Thủ tướng nêu 6 nguyên tắc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19

Thủ tướng: Đến 30/9 sẽ từng bước nới lỏng giãn cách xã hội có kiểm soát

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Thống nhất dùng 1 ứng dụng phòng chống COVID-19

Y tế tuần qua: Thủ tướng đồng ý mua bổ sung vaccine Pfizer

“Sự vào cuộc của nhân dân là rất quan trọng để thực hiện các biện pháp giãn cách, cách ly, không tập trung đông người”

Tại cuộc họp sáng 23/9 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhắc tới trách nhiệm cá nhân và nhất là ý thức của người dân như là một trong điều kiện tiên quyết để công tác phòng chống dịch hiệu quả và nhanh chóng khôi phục kinh tế - xã hội.

Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh, người dân là trung tâm, là chủ thể trong phòng chống dịch, chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân. Và nhắc lại những bài học kinh nghiệm như đợt dịch bùng phát hồi đầu năm, việc không thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch trong kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 đã tạo ra đợt dịch lần thứ 4. Do đó, khi độ bao phủ vaccine chưa nhiều, phải kêu gọi nhân dân vào cuộc, chấp hành nghiêm các quy định phòng chống dịch, tăng cường sự giám sát của các cơ quan chức năng, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể.

Sự vào cuộc của nhân dân, như yêu cầu của Thủ tướng là phải chấp hành nghiêm các quy định phòng chống dịch. Bên cạnh đó, theo nhiều chuyên gia, bác sĩ thì việc có một cơ thể khỏe mạnh để phòng dịch bao giờ cũng hiệu quả và tiết kiệm hơn so với điều trị bệnh. Nền tảng này cần được tạo dựng càng sớm càng tốt, làm tận gốc bằng nhiều phương pháp phối hợp. Khi đề kháng bảo đảm, cùng với việc tiêm phòng, cơ thể sẽ có “rào chắn” vững chắc để hạn chế cao nhất sự xâm nhập của các loại virus gây bệnh.

“Tăng cường sức đề kháng là phương pháp hiệu quả trong phòng và chống dịch COVID-19”

Chia sẻ trong buổi Hội thảo trực tuyến “Tăng cường sức đề kháng là phương pháp hiệu quả phòng và chống dịch COVID-19” do Tập đoàn Đầu tư Tài chính Green+ tổ chức tại TP.HCM, các diễn giả tham gia hội thảo đến từ Đại học Y Dược TP.HCM, Bệnh viện Thống Nhất, Viện Y, Dược học Dân tộc TP.HCM, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam... cho biết, hệ miễn dịch là mạng lưới vô cùng phức tạp của tế bào, mô và các bộ phận giúp bảo vệ cơ thể con người tránh khỏi tác nhân xâm nhập như vi khuẩn, virus, ký sinh trùng hoặc sự rối loạn của tế bào giúp cơ thể khỏe mạnh.

Theo các diễn giả, người bệnh COVID-19 cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý để sớm phục hồi thể trạng

Là người tham gia công tác, từng trở thành F0 vừa hoàn thành đợt điều trị, cách ly kéo dài 21 ngày, Thạc sĩ Trương Văn Đạt - Phó Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cho rằng, bên cạnh sự hỗ trợ của y tế, ý thức phòng, chống dịch của từng cá nhân đóng vai trò rất quan trọng. Ai cũng có thể trở thành F0, vì vậy cần có sự chuẩn bị để chủ động phòng thay vì đợi đến lúc phải chống chọi với virus trong cơ thể.

Nhiều chuyên gia sức khỏe cho rằng, trong giai đoạn hiện nay con người cần nâng cao thể trạng và sức đề kháng, chủ động bảo vệ bản thân trước những tác động ngày càng khắc nghiệt của môi trường. Trong đó, sức đề kháng sinh học được hình thành từ lối sống khoa học, dinh dưỡng hợp lý, rèn luyện thể dục thể thao, cân bằng cuộc sống, tiêm chủng phòng ngừa...

Sức đề kháng tinh thần - một yếu tố không nên bỏ qua - được hình thành từ quá trình sống tích cực, hiểu được giá trị cuộc sống để có sự điều chỉnh phù hợp. Nhất là trong trường hợp không may nhiễm bệnh, chính sức đề kháng tinh thần sẽ giúp các F0 vượt qua các giai đoạn khó khăn nhất.

Hiểu cơ thể để chủ động tăng đề kháng

Bác sĩ CKII Trần Quốc Khanh, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho rằng muốn phòng, chống dịch COVID-19, phải làm tận gốc, tức là hiểu rõ để bảo vệ lá phổi khỏe mạnh ngay từ đầu. Các số liệu thống kê cho thấy, trong 10 nhóm nguyên nhân gây tử vong trên toàn cầu có tới 4 nhóm nguyên nhân thuộc về đường hô hấp với hơn 10 triệu người tử vong/năm.

Do đó, biết sớm, hiểu tiến trình và can thiệp sớm sẽ giúp chúng ta cải thiện được tình hình. Trước giai đoạn bệnh, việc tiêm vaccine đóng vai trò rất quan trọng. Cùng với đó là ý thức bảo vệ của từng cá nhân trong cộng đồng. 

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Đàn, Trưởng khoa Y học cổ truyền Bệnh viện Thống Nhất cho rằng việc chú trọng chế độ thực dưỡng phòng dịch đóng vai trò rất quan trọng. Tình trạng dinh dưỡng ảnh hưởng đến chức năng và hoạt động của hệ hô hấp cũng như hệ miễn dịch trong đề kháng với bệnh COVID-19. Với một cơ thể khỏe mạnh thì ngay cả khi nhiễm bệnh diễn tiến sẽ được giảm nhẹ hơn nhiều so với cơ thể yếu sẵn. Đợi đến khi virus gây ra biến chứng thì không chỉ tăng chi phí điều trị mà còn dẫn đến tỷ lệ tử vong cao.

Theo Bác sĩ CKII Trần Văn Năm, nguyên Phó viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TPHCM, trong đợt dịch này, trong khoảng thời gian ngắn đã xuất hiện nhiều loại biến thể của virus SARS-CoV-2 như Alpha, Beta, Gamma, Delta… Vì vậy, con người phải tìm cách tăng cường sức đề kháng để chung sống lâu dài với dịch bệnh. Không chỉ tập trung vào hệ hô hấp mà việc tăng đề kháng cần được phân bổ đều cho cả hệ thần kinh - tuần hoàn, hệ tiêu hóa, hệ vận động…

Muốn duy trì sức đề kháng tự nhiên cho cơ thể, Bác sĩ Năm khuyên mọi người uống đủ nước sạch (nước ấm), bổ sung rau, trái cây tươi đa dạng, ưu tiên các loại rau vừa là thuốc. Hạn chế đường, dầu béo, thức ăn chế biến sẵn. Việc tập luyện tâm - thân phải đủ thời gian, đều đặn, chú ý thở đúng. Đồng thời cần thường xuyên thanh lọc cơ thể và bổ sung các dược liệu phù hợp với cơ địa.

Nguyễn An H+
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội