Thương binh Nông Minh Đức chăm sóc cho cụ Lê Thị La (Ảnh: Ngọc An)
Hiến xác – một nghĩa cử cao đẹp
60 tỷ đồng giúp trẻ em có hoàn cảnh khó khăn
Lương y khuyết tật Trần Quang Dũng: Hết lòng vì người nghèo khó
Nhiều năm nay, cùng với việc mưu sinh, thương binh Nông Minh Đức (63 tuổi, ngụ tổ 5, ấp Bình Ý, xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) tình nguyện chăm sóc cho gia đình cụ Lê Thị La (84 tuổi).
Nói về người đàn ông 63 tuổi giàu lòng nhân ái, bà Nguyễn Thị Tý, người địa phương thán phục: "Ông ấy cụt chân, đi lại khó khăn nhưng luôn giúp đỡ người khác. Ngày nào tôi cũng thấy ông sang chăm sóc cho 3 mẹ con cụ La. Không chỉ tắm giặt, nấu ăn mà còn lo thuốc chữa bệnh cho cả gia đình cụ".
Ông Đức sinh ra và lớn lên tại vùng nông thôn xã Thái Học (huyện Bảo Lâm, Cao Bằng). Năm 1972, Đức bước sang tuổi 20 và nhập ngũ quân đội, tham gia kháng chiến chống Mỹ. Chàng thanh niên khỏe mạnh, nhanh nhẹn được tuyển chọn vào Tiểu đoàn đặc công K37 (thuộc Trung đoàn đặc công 198). Từ đó, người lính trẻ vào chiến trường miền Nam, cùng đồng đội thực hiện hàng chục trận đánh. Ông kể, tháng 3/1973, ông được cấp trên giao trách nhiệm đánh sập các lô cốt của quân đội Việt Nam cộng hòa tại cứ điểm Trung Nghĩa (tỉnh Kon Tum) để mở đường cho bộ binh.
Người thương binh nhớ lại: "Rạng sáng 7/3/1973, tôi cùng hai đồng đội thực hiện kế hoạch đánh phá một lô cốt có 3 khẩu đại liên M60 trên sườn đồi. Khi vượt qua 7 lớp rào thép gai, chúng tôi tiếp cận được mục tiêu rồi ném 2 quả lựu đạn vào trong tiêu diệt đối phương. Lần đánh đó, tôi cũng bị sức ép của lựu đạn hất tung”. Đưa tay chỉ vào vết sẹo trên đầu, người lính năm xưa cho biết ông đang bị một mảnh đạn “ký sinh” trên xương sọ, 2 mảnh khác găm vào xương tay. Tai phải bị điếc hoàn toàn sau khi trúng rocket từ máy bay trực thăng của đối phương trong đêm 10/3/1973 tại cứ điểm Trung Nghĩa. “Chiến tranh chấm dứt, tôi bị thương tật 21% (thương binh 4/4) và về Đồng Nai lập nghiệp. Năm 1993, khi làm rẫy, tôi cuốc trúng mìn còn sót lại nên bị thương nặng. Chân trái bị cụt quá gối, bàn chân phải cũng bị mìn cắt đứt từ đó", người lính đặc công năm xưa kể.
Hàng ngày, ông Đức nấu ăn, lau dọn, giặt giũ... cho 3 người trong gia đình cụ La
Sống trong thời bình, ngoài việc mưu sinh, người đàn ông từng tham gia chiến trận đã mở lòng cưu mang, tình nguyện chăm sóc cho cả gia đình cụ Lê Thị La. Thương binh Đức cho biết, năm 20 tuổi, cụ La lập gia đình và sinh hạ 4 người con. Hạnh phúc chưa được bao lâu thì người chồng cùng 2 đứa con gái út bị bệnh tật cướp đi sinh mạng. Năm 2013, người con đầu của cụ là Lê Văn Hữu đang khỏe mạnh bỗng trở thành phế nhân sau cơn tai biến mạch máu não. Từ đó, Hữu nằm liệt giường, mọi gánh nặng mưu sinh đổ lên vai người mẹ mù và đứa em tâm thần.
“Hai năm trước, trong lúc ghé nhà cụ chơi, thấy 3 mẹ con ăn chung gói mì tôm mà tôi không cầm được nước mắt. Nhìn cụ mặc chiếc áo rách, lâu lâu bón mì cho hai người con khiến ruột tôi quặn thắt. Kể từ đó, tôi tự nguyện làm người chăm sóc cho gia đình họ”, ông Nông Minh Đức tâm sự. Cũng theo thương binh Đức, ông xem gia đình của người mẹ mù như người thân trong gia đình. Hàng ngày, người đàn ông cụt chân lại chống nạng gỗ sang lau dọn nhà cửa, nấu ăn, tắm giặt, chăm sóc cho cả 3 mẹ con cụ La.
Những lúc hàng xóm bị bệnh, người cựu chiến binh lại lặn lội lo thuốc thang. Nhiều đêm mưa gió, ông không nỡ về nhà vì lo lắng cho sự an nguy của gia đình tội nghiệp. Nằm trên giường, cụ bà 84 tuổi giọng yếu ớt: “Nếu không có Đức chắc ba mẹ con tôi không sống nổi. Đức bị thương tật nhưng làm việc gì cũng nhanh, gọn. Đầu tháng 7, nhà không có nước nấu ăn nên nó gọi thêm người đào chiếc giếng trước vườn nhà”.
Theo ông Nguyễn Văn Khuyến, Trưởng ấp Bình Ý, Chi hội phó Chi hội cựu chiến binh ấp Bình Ý, gia đình cụ Lê Thị La không có đất sản xuất, gia cảnh khó khăn. Năm 2003, chính quyền địa phương cùng các doanh nghiệp trên địa bàn đã xây tặng gia đình cụ căn nhà tình thương rộng 30 m2. Hiện tại, gia đình cụ được ngành chức năng hỗ trợ mỗi tháng gần 1 triệu đồng. Về người tình nguyện chăm sóc cho gia đình cụ La, ông Khuyến nói: “Thương binh Đức là người có tấm lòng nhân hậu. Nhiều năm nay, ông tình nguyện cưu mang, chăm sóc cho gia đình cụ La là có thật. Đó là việc làm nhân văn, hiếm người làm được. Không chỉ vậy, ông thường xuyên góp gạo, tiền giúp đỡ 3 người trong gia đình cụ bà 84 tuổi”.
Bình luận của bạn