Đàn gà sạch "đẻ" tiền triệu mỗi ngày ở miền Tây

Bên trong trại nuôi gà đẻ sạch. Ảnh: Hoàng Nam.

Tháng An toàn thực phẩm 2017: Xử lý dứt điểm việc sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi

Nông dân nuôi bò cũng cần phải hội nhập TPP

Vụ chất tạo nạc: Công ty nào cũng thừa nhận... thiếu sót

"Hô biến" thức ăn chăn nuôi thành TPCN: Lãi 3.000 tỷ (!!!)

Người dân xã Tân Lân (Cần Đước, Long An) nuôi gà đẻ đã trên 20 năm kinh nghiệm nhưng hiệu quả không cao do cách làm tự phát, nhỏ lẻ. Năm 2014, nhiều hộ tập hợp lại, bàn bạc thành lập tổ hợp tác chăn nuôi gà đẻ công nghiệp để có điều kiện phát triển sản phẩm bán sỉ, ổn định và mang thương hiệu riêng.

Sau khi tham quan một số mô hình nuôi gà đẻ, nhận thấy rằng xu hướng sắp tới khách hàng sẽ cần sản phẩm an toàn nên 10 thành viên, với đàn gà 35.000 con, bắt tay vào nghiên cứu quy trình chăn nuôi sạch.

"Thời gian đầu rất vất vả, đa số các hộ chăn nuôi theo truyền thống đã nhiều năm nên khó thay đổi cách nghĩ, nhiều người lại lớn tuổi nên việc tiếp thu các kỹ thuật mới gặp nhiều khó khăn", bà Nguyễn Thị Cúc, tổ viên chia sẻ.

Mất hơn một năm theo nhiều lớp tập huấn, các tổ viên như bà Cúc được hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi, hướng dẫn làm chuồng trại theo đúng tiêu chuẩn sạch. Những con gà đẻ được "cưng như trứng mỏng" bởi chuồng trại đều có hệ thống phun sương, làm mát tự động. Quy trình nuôi sinh học, thức ăn, nước uống phải đảm bảo an toàn, không sử dụng chất cấm, kháng sinh. Cách làm ăn hợp tác cũng giúp người nuôi có cơ hội chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, hạn chế thất thoát.

"Dĩ nhiên không phải vừa làm xong là ăn chắc liền, mấy tháng đầu nuôi theo quy trình sạch, chúng tôi phải vất vả đi tiếp thị theo kiểu nhỏ lẻ, gõ cửa từng nơi với lượng bán khiêm tốn. Nhờ anh chị em kiên trì, khách hàng thấy mình làm ăn uy tín nên dần tin tưởng, rồi người này giới thiệu người khác", bà Cúc cho biết.

Hiện tại, trại của bà Cúc nuôi khoảng 18.000 con gà đẻ, mỗi ngày cung cấp cho thị trường gần 15.000 trứng. Sau khi trừ tất cả chi phí, mỗi ngày lợi nhuận thu về khoảng 5 triệu đồng.

Bà Nguyễn Thị Trinh, Bí thư Đảng ủy xã Tân Lân cho biết, trại nuôi gà đẻ công nghiệp của tổ hợp tác đã mang lại hiệu quả cao, tiêu biểu cho mô hình kinh tế tập thể tại địa phương. Sau 3 năm hoạt động, nhờ làm ăn có lời nên đến nay tổ đã có 16 thành viên với tổng đàn gà 80.000 con, mỗi ngày cung ứng ra thị trường khoảng 65.000 trứng. Với giá dao động từ 300-500 đồng một trứng, sau khi trừ chi phí, tổng tiền lãi mỗi năm của tổ thu về gần 10 tỷ đồng, bình quân mỗi hộ lợi nhuận trên 600 triệu đồng. Hiện, sản phẩm của tổ cũng được Sở Khoa học và Công nghệ Long An đăng ký nhãn hiệu.

"Nhờ sản phẩm được chứng nhận an toàn thực phẩm nên tổ đã ký kết hợp đồng bán trứng không những với các đơn vị ở địa phương mà còn mở rộng làm ăn với công ty tại TP.HCM và địa bàn lân cận. Ngoài bán trứng, hiện nay một số tổ viên còn mở rộng sản xuất bằng việc bán gà đẻ cho các đơn vị có nhu cầu", bà Trinh nói.

Trong 16 thành viên của tổ hiện nay, nhiều người xuất thân khó khăn giờ đã vươn lên làm giàu. Hầu hết các thành viên giờ cũng đều là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện, tỉnh và một số cá nhân đang chờ xét duyệt cấp Trung ương.

Tổ nuôi gà sạch cũng góp phần tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương. Do làm ăn uy tín, có lời cao nên các thành viên của tổ cũng đã được địa phương cử đi Hà Nội để tập huấn công tác truyền thông, quảng bá sản phẩm. Trại gà cũng thường xuyên là điểm tham quan học tập kinh nghiệm sản xuất của nhiều đoàn trong và ngoài tỉnh.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội