Tôi tin có bệnh viện không… phong bì

Mẹ tôi nhập bệnh viện tỉnh Thái Bình trong tình trạng khó thở, tím tái và kiểm tra của bác sĩ cho thấy tỷ lệ tim của mẹ tôi chỉ còn 22%, phải chuyển lên Bệnh viện Tim Hà Nội gấp do bệnh viện không đủ điều kiện để mổ.

Vậy nhưng mẹ tôi đã phải ở lại bệnh viện tỉnh cả tuần để điều trị theo hướng dẫn và yêu cầu của tuyến trênvì thể trạng mẹ tôi quá yếu, việc di chuyển sẽ rất nguy hiểm.

Nỗi lo lắng về bệnh tình của mẹ càng tăng lên khi lên đến Bệnh viện Tim Hà Nội, nhìn thấy bệnh viện đông mà lo không biết mẹ mình có được chăm sóc tốt, được tận tình cứu chữa hay không khi tiền chữa bệnh còn khó, nói chi tới phong bì?

Nỗi lo ấy biến thành hoảng hốt khi một y tá yêu cầu tôi ký giấy cam kết vì khả năng có thể tử vong khi làm thủ thuật chụp nội soi trước khi mổ. Lập cập đưa mẹ vào phòng, ấp úng trước câu hỏi của bác sĩ và tin rằng mình sắp bị ăn quát vì làm mất thời gian của họ, vậy mà người bác sĩ trẻ đó chỉ mỉm cười và hỏi lảng sang chuyện khác rồi động viên 2 mẹ con yên tâm rằng thủ thuật nhẹ nhàng thôi và kí cam kết chỉ là thủ tục. Và thật lạ khi rời khỏi phòng thủ thuật, mẹ tôi được 1 y tá đỡ và đưa mẹ tới tận giường bệnh, rồi còn mỉm cười và hỏi chuyện chúng tôi.

Những băn khoăn thể trạng mẹ tôi quá yếu, liệu có thể vượt qua ca mổ cũng nhanh chóng được giải tỏa khi vào phòng của người bác sĩ điều trị tên Huy. Ông nhìn tôi từ đầu đến chân, gập sổ khám lại và hẹn tôi ở phòng khám chung. Và tại đây, bác sĩ Huy giải thích cặn kẽ mọi băn khoăn của tôi; từ việc mổ càng chậm cơ hội sống càng giảm, rằng tình trạng tim của mẹ tôi cũng đã tích cực hơn rồi; rằng có hai loại van tim cơ học và sinh học - mỗi cái có ưu nhược điểm riêng nhưng mẹ tôi còn trẻ thì ông khuyên nên chọn van cơ học.

Ngay cả chuyện nhổ răng sâu cũng được giải thích rất rõ ràng rằng cần phải làm sạch các ổ vi trùng trước khi mổ để đảm bảo sau hậu phẫu sẽ không bị nhiễm trùng.

Được giải thích kỹ lưỡng, chăm sóc tận tình vậy nhưng tôi vẫn tin phải có phong bì trong cuộc mổ lớn. Hỏi một anh có vợ vừa mổ tim về phong bì cho bác sĩ, anh xua tay ngay và giải thích: Nhà anh cũng chuẩn bị phong bì cho bác sĩ nhưng vừa mới đề cập đến bác sĩ đã mắng luôn là: Đừng làm khó cho bác sĩ, ở đây họ được trả lương cao và đủ lo cho cuộc sống rồi. Hãy để tiền đó mà lo thuốc thang, đừng bao giờ nghĩ rằng có phong bì thì chúng tôi mới chữa. Tất cả chúng tôi ở đây luôn mong bệnh nhân khỏi bệnh, tỷ lệ ca mổ không thành công chỉ là điều rủi ro không ai muốn, chúng tôi chỉ muốn chữa bệnh cứu người và chúng tôi đã được trả lương xứng đáng cho những nỗ lực của chúng tôi. Gắt gỏng là vậy nhưng khi anh cất phong bì đi và chỉ biết nói lời cảm ơn thì người bác sĩ lại trở lại gương mặt hiền từ và bảo sẽ cố gắng hết sức.

Gia đình tôi nửa tin nửa ngờ vì không muốn phải ân hận vì đã không lo lắng chu toàn và đi hỏi thêm vài người nữa thì đều nhận được câu trả lời tương tự.

Ngay trước giờ mổ, mẹ tôi đột ngột kêu đau, khó thở, mặt nhợt nhạt rồi ngất lịm đi. Tôi vội kêu y tá rồi òa khóc. Tôi vẫn nhớ như in cái cảm giác tất cả như sụp đổ dưới chân khi các bác sĩ y tá chạy vào, cố gắng gạt chúng tôi đang hoảng loạn ra ngoài để cấp cứu và vội đẩy mẹ tôi vào phòng mổ.

Bác sĩ Long đã thông báo tình trạng của mẹ tôi rất nặng, trước khi mổ mẹ tôi đã ngừng tim, giờ các bác sĩ sẽ tìm mọi cách cứu chữa, tiên lượng lúc đầu là thay van 2 lá nhưng giờ buộc phải thay thêm van 3 lá nhưng rủi ro cũng cao lắm và có thể yêu cầu thủ thuật đặt bóng chi phí cũng khá cao. Biết nhà tôi nghèo, bác sĩ Long bảo họ sẽ cố gắng hết sức có thể để cứu bệnh nhân trước đã.

Sau này tôi mới biết, ca mổ cấp cứu đó còn có cả bác sĩ Dũng và hình như có cả bác sĩ Hiền và còn nhiều các bác sĩ y tá khác mà tôi không biết mặt, biết tên nhưng tất cả đều đã không từ bỏ một cơ hội nào để cứu mẹ tôi.

Và kết quả là mẹ tôi chỉ thay van hai lá và nhờ sự nỗ lực hết sức của các bác sĩ mà mẹ tôi không phải đặt bóng, chi phí 20 triệu cho thủ thuật này là 1 số tiền không hề nhỏ với gia đình tôi.

Giờ đây, sau hơn 1 tháng nằm viện, mẹ tôi chuẩn bị được ra viện với sức khỏe khác xưa rất nhiều, tôi mới thực sự tin vẫn còn những bệnh viện không phong bì và còn nhiều lắm những “Lương y như Từ Mẫu”.

Tôi xin cảm ơn bác sĩ Long, bác sĩ Huy, bác sĩ Dũng… và tất cả các bác sĩ ở khoa Can thiệp Tim mạch, bệnh viện Tim Hà Nội, đã hết lòng cứu chữa cho mẹ tôi và xin kính chúc các bác sĩ, y tá, hộ lý bệnh viện cũng luôn khỏe mạnh và hạnh phúc để tiếp tục truyền sự sống và tình thương giữa người với người.

Gia đình bệnh nhân Phạm Thị Lý

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin