Top 9 sự kiện y tế nổi bật năm 2016

Top 9 sự kiện y tế nổi bật năm 2016

1. Em bé đầu tiên chào đời bằng phương pháp mang thai hộ

Mở đầu của năm 2016, sự kiện chào đời của em bé đầu tiên được thực hiện bằng phương pháp mang thai hộ không chỉ đánh dấu sự thành công của Luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi được Quốc hội thông qua năm 2015 mà còn mở ra cơ hội và hy vọng cho nhiều gia đình hiếm muộn.

Đến nay, Nghị định mang tính nhân văn cao đẹp này đã mang lại cơ hội làm cha mẹ cho hơn 200 gia đình, trong đó có 30 gia đình đã được hưởng niềm vui trọn vẹn, được đón đứa con đầu lòng tại 3 bệnh viện lớn trên cả nước (BV Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Từ Dũ (TPHCM) và Bệnh viện Trung ương Huế).

2. Dịch Zika vào Việt Nam

Rập rình vào Việt Nam từ cuối năm 2015 nhưng đến tháng 4/2016, Việt Nam mới chính thức phát hiện 2 ca bệnh đầu tiên tại TPHCM và Khánh Hòa.

Kể từ đó đến nay, bệnh do vi rút Zika đang không ngừng gia tăng. Hiện đã có 9 tỉnh, thành phố được Bộ Y tế xác định có người nhiễm vi rút Zika với tổng số gần 170 ca với hơn 20 thai phụ nhiễm vi rút này.

Zika trở thành điểm nóng của dịch bệnh mới nổi trong năm 2016. Bộ Y tế nhận định vi rút gây bệnh đang lưu hành tại nhiều địa phương trên cả nước và đối tượng thai phụ được quan tâm đặc biệt khi Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo vi rút Zika là nguyên nhân trực tiếp gây ra tật đầu nhỏ cho trẻ sơ sinh.

3. Bội chi Quỹ BHYT tại nhiều địa phương

Chỉ tính đến hết tháng 9, Quỹ đã chi KCB BHYT 49.300 tỷ đồng. Đáng chú ý là có tới 41 đơn vị bội chi quỹ với số tiền trên 8.000 tỷ. Trong đó đứng đầu là các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam… với số tiền bội chi lên tới hàng trăm tỉ.

Bên cạnh số lượt khám chữa bệnh bằng BHYT tăng hơn 10% và do việc áp dụng giá dịch vụ có lương thì việc lạm dụng quỹ bảo hiểm y tế cũng đang trở thành 1 thách thức không nhỏ với cơ quan quản lý.

Mặc dù số bội chi này vẫn nằm trong phạm vi dự toán được giao nhưng nếu năm 2018 không có giải pháp nào khả thi hơn, Quỹ sẽ đối mặt với nguy cơ mất cân đối. Một phương án đang được đặt ra là điều chỉnh mức đóng BHYT khi việc tính đúng tính đủ giá dịch vụ y tế sẽ tính thêm yếu tố khấu hao thiết bị máy móc.

4. Nhiều tấn chất tạo nạc trôi nổi trên thị trường

Từ năm 2015 đến đầu năm 2016, các cuộc kiểm tra của cơ quan chức năng cho thấy 10-15% mẫu lợn nuôi, thịt lợn dương tính với chất tạo nạc salbutamol – một chất dùng là thuốc hen và nếu sử dụng bừa bãi sẽ gây ung thư – nhưng được sử dụng trong chăn nuôi để tăng nạc, giảm mỡ.

Nhưng phải đến tháng 3/2016, Cục Chăn nuôi mới công bố con số “rúng động” dư luận: Cục quản lý Dược đã cấp phép nhập khẩu hơn 9 tấn Sabutamol nhưng chỉ có khoảng 3 tấn sản phẩm này được các công ty Dược báo cáo đã sử dụng để sản xuất thuốc, số còn lại đã “không cánh mà bay”.

Ngay lập tức, Bộ Y tế công bố số liệu, khẳng định số lượng cấp phép nhập khẩu năm 2015 chỉ là hơn 5 tấn salbutamol. Đồng thời thông báo kết quả hậu kiểm với 4/10 cơ sở vi phạm bán nguyên liệu Salbutamol cho các cơ sở không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc theo quy định và xử phạt các đơn vị này ở mức cao nhất.

Cũng từ vụ việc này, Bộ Y tế đề xuất đưa salbutamol vào diện kiểm soát đặc biệt.

5. Hai công trình đoạt giải Nhân tài đất Việt

Giải Nhất trong lĩnh vực y dược được trao cho công trình “Nghiên cứu, ứng dụng tế bào gốc trong điều trị bệnh máu” cho nhóm tác giả gồm 13 cá nhân, nhóm trưởng là GS-TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương.

Công trình này được đánh giá là rất đồ sộ vì liên quan rất nhiều lĩnh vực y tế. Trong đó, thành quả lớn nhất là xây dựng thành công 1 ngân hàng tế bào gốc máu dây rốn với hơn 3.000 mẫu máu dây rốn được lưu giữ - một nguồn tế bào gốc quý giá giúp điều trị cho các bệnh lý ác tính ở người.

Giải Nhì lĩnh vực y dược trao cho công trình “Nghiên cứu ứng dụng phẫu thuật nội soi một lỗ và qua lỗ tự nhiên điều trị ung thư đại trực tràng” của nhóm các nhà khoa học thuộc Bệnh viện Trung ương Huế. Một công trình được đánh giá là đóng góp phần rất lớn trong điều trị ung thư đại trực tràng.

Những kỹ thuật này lần đầu tiên thực hiện tại Việt Nam (Phẫu thuật nội soi một lỗ - Single Port) và lần đầu tiên trên thế giới (Phẫu thuật nội soi qua lỗ tự nhiên - NOTES) trong điều trị ung thư đại trực tràng.

6. Bảo vệ bệnh viện chặn xe chở bệnh nhi sắp qua đời

Sự lan truyền của các clip ghi lại cảnh bảo vệ bệnh viện Nhi Trung ương ngăn cản xe cứu thương chở bệnh nhân nhi nặng đang bóp bóng xin về đã khiến dư luận “dậy sóng” những ngày đầu tháng 7.

Sự vụ tiếp tục gây bức xúc dư luận và đặt ra vấn đề về quản lý các dịch vụ tại bệnh viện khi gia đình bệnh nhi cho biết em đã không được trút hơi thở cuối cùng tại nhà.

Giám đốc BV Nhi Trung ương đã chính thức xin lỗi người dân về vụ việc, đồng thời yêu cầu công ty quản lý bảo vệ AZ đình chỉ và chấn chỉnh lại toàn bộ đội ngũ bảo vệ.

Trong khi đó, phía cơ quan quản lý cũng yêu cầu các bệnh viện có những động thái kiên quyết với các công ty cung cấp dịch vụ như công ty bảo vệ; công ty taxi…không được để xảy ra sai sót, tránh gây bức xúc cho người bệnh, người nhà bệnh nhân.

7. Đưa lương vào giá viện phí

Theo thông báo tại văn bản số 6188/BYT-KH-TC do Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn ký, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bao gồm cả chi phí tiền lương sẽ tăng lên nhưng được chia làm 4 đợt trên toàn quốc. Đến hết năm 2016 mới thực hiện được tăng 3 đợt với hơn 40 tỉnh thành có mức tham gia bảo hiểm y tế cao (85-95%) và số tỉnh còn lại sẽ chia thành 2 đợt trong năm 2017.

Theo Bộ Y tế, việc tính tiền lương vào giá cũng sẽ làm thay đổi nhận thức của cán bộ y tế, bệnh viện phải phục vụ tốt thì mới có nguồn thu để trả lương và thu nhập cho cán bộ.

Việc tăng giá viện phí theo hướng tính đúng tính đủ được xem là giải pháp quan trọng để nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ làm hài lòng người bệnh, từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ.

8. Người Việt đầu tiên được phong Viện sĩ Viện Hàn lâm Y học Pháp

GS.TS Phạm Văn Thức là người đầu tiên và duy nhất đến thời điểm này của Việt Nam được Viện Hàn lâm Y học quốc gia Pháp phong viện sĩ. Viện Hàn lâm y học Quốc gia Pháp hiện là tổ chức danh giá thuộc hàng đầu thế giới về y khoa quy tụ các nhà khoa học uy tín hàng đầu quốc tế trong các lĩnh vực khác nhau của y học. Hiện nay viện có 500 thành viên, trong đó 180 thành viên là người nước ngoài.

Hiện GS.TS Thức là một trong những giáo sư hàng đầu Việt Nam về chuyên ngành dị ứng - miễn dịch.

9. Việt Nam sản xuất thành công vắc xin phối hợp sởi – rubella

Ngày 8/11/2016, Trung tâm Nghiên cứu, sản xuất vắc xin và Sinh phẩm Y tế (Bộ Y tế) cho biết đã thử nghiệm lâm sàng thành công vắc xin phối hợp sởi-rubella.

Đây là vắc xin sởi-rubella đầu tiên được chuyển giao công nghệ sản xuất thành công tại Việt Nam.

Dự kiến, loại vắc xin này sẽ được sử dụng trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng từ năm 2017.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn