|
Cuối tháng 11 vừa qua, các chuyên viên của Trung tâm sắc ký Hải Đăng TP.HCM (đơn vị về kiểm chuẩn các loại chỉ tiêu trên thực phẩm, nước...) tiến hành lấy mẫu nước đá ngẫu nhiên để khảo sát mức độ an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP).
Bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Phó chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TP, cho biết: "Về nguyên tắc, dùng nguồn nước máy hay nước giếng làm nước đá cũng phải được xử lý, kiểm tra đạt các tiêu chuẩn theo quy định. So với trước đây, hiện nay việc sản xuất nước đá đã được cải thiện hơn rất nhiều. Vì thế, đợt kiểm tra cuối năm 2012 không phát hiện nước đá có kim loại nặng, kể cả cơ sở dùng nước giếng khoan". |
Việc thực hiện lấy mẫu, bảo quản mẫu là do chuyên viên Trung tâm sắc ký Hải Đăng thực hiện, làm đúng theo quy trình, các bước lấy mẫu giống như trung tâm tiến hành lấy mẫu cho các đoàn kiểm tra ATVSTP. Mẫu sau khi lấy được bảo quản trong dụng cụ chuyên dụng và đưa về kiểm nghiệm tại trung tâm này.
Nhiễm vi khuẩn đường ruột và trực khuẩn mủ xanh
Kết quả kiểm nghiệm cho thấy 5/5 mẫu nước đá đều không đảm bảo ATVSTP. Cụ thể, mẫu nước đá lấy ở một quán cà phê trên đường Phan Văn Trị (Q.5) nhiễm vi khuẩn gây bệnh đường ruột Coliforms lên đến 2,3 x 102 (trong khi quy định bắt buộc đối với chỉ tiêu của nước đá thì loại vi khuẩn này không được phép hiện diện). Và nhiễm vi khuẩn đường ruột khác là Escherichia coli 1,8 x 102 (theo quy định cũng không được có). Ngoài ra, mẫu nước đá tại đây còn nhiễm cả trực khuẩn mủ xanh Pseudomonas 3 lần (quy định không cho phép hiện diện). Mẫu nước đá ở quán ăn trên đường Hòa Hảo (Q.10) cũng bị nhiễm trực khuẩn mủ xanh Pseudomonas khoảng 5x101.
Mẫu nước đá (loại dùng uống bia) lấy ở nhà hàng quán nhậu tại Q.1 thì cho kết quả nhiễm vi khuẩn gây bệnh đường ruột Coliforms với số lượng 1,5 x 101, và nhiễm trực khuẩn mủ xanh Pseudomonas là gấp 3 lần. Mẫu nước đá (cũng loại dùng uống bia) lấy tại đại lý nước đá thì nhiễm đến 3 loại gồm, Coliforms lên đến 2,5 x 101, Escherichia coli 2,0 x 101, và trực khuẩn mủ xanh Pseudomonas 1,1 x 102 . Mẫu nước đá ở tiệm tạp hóa (Q.7) thì nhiễm Coliforms 1,5 x 101, và Pseudomonas 1,5 x 102.
|
Theo chuyên gia Huỳnh Ngọc Trưởng (Phòng Kiểm nghiệm vi sinh, Trung tâm sắc ký Hải Đăng): với nước bị nhiễm một trong những vi khuẩn hay trực khuẩn nói trên đều không đảm bảo ATVSTP theo quy định. Với trực khuẩn mủ xanh Pseudomonas, thường chúng sẽ gây "bệnh cơ hội", làm nặng thêm với một số bệnh có sẵn trong cơ thể. Chẳng hạn, với người bệnh tim có gắn van tim nhân tạo, Pseudomonas sẽ làm hư van; người đang bị viêm phổi thì làm triệu chứng bệnh nặng và dai dẳng hơn; gây viêm đường hô hấp, áp xe... Còn với hai loại vi khuẩn Coliforms và Escherichia coli sẽ gây bệnh đường ruột, làm rối loạn tiêu hóa, ói mửa, tiêu chảy, xuất huyết tiêu hóa... Mức độ nhiễm càng lớn thì nguy cơ gây bệnh càng cao và càng nặng.
Theo một chuyên gia về y tế dự phòng của TP, "mức độ nhiễm như kết quả nêu trên là từ nhẹ đến vừa (từ 104 trở lên mới được xem là cao). Tuy nhiên, với nước đá viên thì việc nhiễm như thế là khó chấp nhận. Còn nguy cơ gây bệnh thì tùy vào cơ địa mỗi người, chỉ cần nước có nhiễm các loại vi khuẩn trên thôi cũng có thể gây bệnh".
Theo thống kê của Chi cục ATVSTP TP.HCM, hiện ở TP có 170 cơ sở sản xuất nước đá (35 cơ sở sản xuất đá viên, còn lại là sản xuất nước đá cây). Qua kiểm tra, khảo sát của Chi cục hồi cuối năm 2012 đến đầu năm 2013 trên tất cả 170 cơ sở, kết quả tỷ lệ nước đá nhiễm vi khuẩn Escherichia coli và Coliforms gần 19%. Có 40% trong 170 cơ sở không đảm bảo vệ sinh (về trang thiết bị sản xuất, nhân viên sản xuất...). 20% cơ sở sử dụng nước máy sản xuất, số còn lại dùng nước giếng khoan. Chi cục đã yêu cầu các cơ sở chưa đảm bảo vệ sinh phải cải thiện. Mới đây, chi cục đã tiến hành tái kiểm tra các cơ sở này, hiện đang chờ kết quả xét nghiệm. |
Bình luận của bạn