Vì quên tiêm một mũi insulin do vui Tết, cô gái này đã phải điều trị 7 ngày tại khoa Điều trị tích cực do đường huyết tăng. Ảnh: H.Hải
Vào viện cấp cứu vì nhuộm tóc làm đẹp ngày Tết
Lại chuyện cấp cứu trong dịp Tết Nguyên đán 2017
Dán miếng dán thải độc... mất luôn da chân
Chuyện "yêu quá hoá điên" của bệnh nhân ở phòng cấp cứu
Cấp cứu vì nấn ná sợ vào viện bị "giông"
TS Hoàng Bùi Hải, Trưởng khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực (BV Đại học Y Hà Nội) cho biết, ngày 1/2 (tức ngày mùng 5 Tết), đầu năm đi trực, ông gặp nhiều ca trong tình trạng cấp cứu vì đến viện muộn. Đáng tiếc, có đến 3 ca đau ngực được bác sĩ khuyên đi viện trước Tết nhưng bệnh nhân sợ cả năm “giông” phải nằm viện và hậu quả là 2 bệnh nhân không thể qua khỏi do tắc động mạch phổi.
Hình ảnh huyết khối gây tắc động mạch phổi của bệnh nhân. Ảnh: BS cung cấp.
Tương tự, tại khoa Cấp cứu (BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương), các giường bệnh đều đã kín và cả 32 ca đều rất nặng, trong đó nhiều bệnh nhân nấn ná chờ qua đầu năm mới, để quá 2-3 ngày so với lịch hẹn tái khám sau Tết.
Nhập viện khẩn sau khi xin về
Ngoài ra, có những ca bệnh điều trị chưa ổn định dịp trước Tết nhưng nằng nặc xin bác sĩ cho về nhà đón Tết. Dù đã được dặn dò chu đáo về những dấu hiệu cần tái nhập viện khẩn cấp nhưng cũng với tâm lý này nên khi vào viện biểu hiện rất nặng nề.
ThS.BS Nguyễn Trung Cấp, Phụ trách khoa Cấp cứu, đã dẫn chứng 2 trường hợp xơ gan nặng điều trị trước Tết chưa ổn định nhưng nhất định xin về. Cuối cùng, cả hai bệnh nhân đã phải nhập viện đầu giờ chiều mùng 1 vì bụng trướng, khó tiêu, nôn, không ăn uống được.
Một bệnh nhân khác bị viêm phổi trên nền bệnh nhân nhiễm HIV (52 tuổi, Sóc Sơn, Hà Nội) cũng được gia đình đưa vào viện cấp cứu ngay trong ngày đầu năm mới khi không thể trì hoãn, bệnh nhân khó thở, suy hô hấp nặng.
Hiện tại, các bác sĩ vẫn đang nỗ lực cứu chữa người bệnh, nhưng tiên lượng rất khó khăn bởi phổi bị tổn thương nặng nề, trên nền bệnh nhân suy giảm miễn dịch do nhiễm HIV.
Nhập viện vì... mải vui
Tại BV Nội tiết Trung ương, ThS.BS Tôn Thất Kha, Trưởng khoa Điều trị tích cực cho biết, trong 7 ngày Tết tiếp nhận đến 22 trường hợp bệnh nhân nặng (trong đó 19 ca đái tháo đường, 3 ca gout) phải nhập viện cấp cứu vì biến chứng đường huyết tăng, tụt đường huyết, sưng đau khớp ở người gút không thể đi lại, không thể ngủ được. Đáng nói, có nhiều ca đường huyết tăng/tụt đường huyết đến mức hôn mê, phải thở máy.
Nguyên nhân trong dịp Tết, người bệnh không tuân thủ được hướng dẫn kiểm soát đường huyết của bác sỹ. “Đường huyết bệnh nhân tăng hay giảm liên quan vào 3 yếu tố gồm: Thuốc, vận động, chế độ ăn. Chỉ 1 trong 3 yếu tố này thay đổi sẽ tác động đường huyết”, BS Kha cho biết.
Điển hình, có bệnh nhân đái tháo đường mải vui mà quên tiêm insulin. Đó là trường hợp của bệnh nhân nữ Đ.M.T (21 tuổi, Hòa Bình) bị đái tháo đường tuýp 1 đã 9 năm nay, được đưa đến cấp cứu đêm mùng 4 Tết (ngày 31/1/2017) trong tình trạng đường huyết tăng, đi ngoài, nôn.
Cô Đặng Thị Vinh, mẹ của bệnh nhân T. cho biết, sáng mùng 3 Tết, T. trước khi đi chơi với bạn bè vẫn tiêm một mũi insulin. Sau đó, T. đi chơi với bạn bè, mải vui tối về nhà cứ thế tắm giặt, nghỉ ngơi mà quên mất "nhiệm vụ" tiêm mũi insulin còn lại. Ngày hôm sau, dù tiêm mũi nữa nhưng T. có biểu hiện mệt mỏi, đi ngoài, nôn.
“Lúc đầu tôi cứ nghĩ con bé bị rối loạn tiêu hóa, nhưng đến chiều mùng 4 Tết nó mệt lả đi, kêu với mẹ là không thể chịu đựng được, tôi đưa con đến trạm xá rồi được chuyển xuống Nội tiết ngay trong đêm”, mẹ bệnh nhân cho biết.
Đến nay, bệnh nhân vẫn phải theo dõi đặc biệt tại khoa Điều trị tích cực vì các biến chứng tăng đường huyết do bỏ quên một mũi tiêm.
Theo các bác sỹ, người dân không nên nặng nề quan niệm đầu năm đi viện sẽ cả năm ốm đau. Bởi khi có các dấu hiệu trầm trọng vẫn trì hoãn không đến viện có thể mất đi cơ hội điều trị, người bệnh sẽ không thể qua khỏi. Thay vào đó, khi có biểu hiện, người bệnh cần được đưa đến viện khám sớm để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.
Bình luận của bạn