Theo
thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ tháng 12/2013 tới
31/7/2014, thế giới ghi nhận 1.132 trường hợp mắc EVD tại châu Phi, đã
có 729 người tử vong.
Xuất hiện đầu tiên tại các nước thuộc Tây Phi, đến nay virus Ebola đe dọa lây lan toàn thế giới, gần đây nhất là 7 trường hợp nghi nhiễm EVD tại Philippines. WHO cảnh báo tỷ lệ tử vong do EVD có thể lên đến 90%. Vì vậy, cần chủ động trang bị kiến thức và kĩ năng để phòng tránh sự lây truyền của dịch bệnh.
Đường lây truyền
Virus Ebola lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp với máu, các chất tiết (phân, nước tiểu, nước bọt, tinh dịch) của bệnh nhân. Ngoài ra, từ các dụng cụ, đồ vật mang mầm bệnh, virus có thể xâm nhập vào cơ thể thông qua các vết xước trên da hay niêm mạc.
Theo thông tin Bộ Y tế cung cấp, những người có nguy cơ nhiễm EVD cao bao gồm: thành viên gia đình người mắc bệnh, người dự tang lễ tiếp xúc trực tiếp với thi thể, người đi săn tiếp xúc với động vật mang virus và các cán bộ y tế. Trong vụ dịch Ebola lần đầu tiên tại Sudan (1976), có tới 30% người trực tiếp chăm sóc bệnh nhân bị mắc bệnh.
Bệnh cũng có thể lây nhiễm qua quan hệ tình dục (dịch tiết âm đạo và tinh dịch) và tại phòng thí nghiệm do thiếu an toàn sinh học.
Cách phòng chống
Cho tới nay, bệnh sốt xuất huyết do virus Ebola chưa có vaccine dự phòng cũng như phác đồ điều trị đặc hiệu. Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể chủ động phòng tránh căn bệnh nguy hiểm này.
1. Hạn chế đến vùng dịch
Virus Ebola có khả năng lây lan rất nhanh từ mầm bệnh sang người khỏe mạnh. Vì thế, chúng ta nên hạn chế đến những vùng lưu hành của dịch và các khu vực có rừng nhiệt đới. Nếu bắt buộc phải đến các vùng đó, bạn cần chủ động tránh mọi tiếp xúc với người mắc bệnh và động vật có nguy cơ cao nhiễm virus Ebola (như dơi ăn quả, khỉ và vượn).
2. Hạn chế tiếp xúc trực tiếp nguồn bệnh
Trong trường hợp dịch EVD xảy ra và bạn có ý định chăm sóc bệnh nhân tại nhà, cần báo cho cán bộ y tế để được cung cấp găng tay, phương tiện phòng hộ cá nhân và hướng dẫn cách chăm sóc bệnh nhân, cách phòng lây nhiễm và cách tiêu hủy vật dụng.
Để tránh lây lan virus Ebola, nên rửa tay bằng xà phòng hoặc chất sát khuẩn sau khi tiếp xúc với bệnh nhân, dịch tiết cơ thể hoặc vật dụng của người bệnh.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng khuyến cáo không giết mổ động vật nghi ngờ bị nhiễm bệnh và nấu chín kỹ thịt, tiết động vật trước khi ăn.
3. Theo dõi sức khỏe, kịp thời đến cơ sở y tế
Nếu bạn từng ở nơi có trường hợp mắc bệnh mới được thông báo, nên theo dõi sức khỏe trong 21 ngày vì đây là thời kì ủ bệnh và đã có những biểu hiện bệnh đầu tiên. Các biểu hiện này bao gồm: sốt cao 38,5 độ C hoặc hơn, ớn lạnh, đau cơ, tiêu chảy, nôn, phát ban và đôi khi chảy máu răng. Nếu thấy có bất kì dấu hiệu nào kể trên, bạn cần đến ngay cơ sở y tế để được hỗ trợ.
Bên cạnh đó, khi bất kì ai xung quanh có dấu hiệu nghi nhiễm virus Ebola, bạn nên động viên và giúp đỡ họ đến khám và điều trị tại cơ sở y tế.
Dịch bệnh diễn biến phức tạp từng ngày nên việc cập nhật thông tin để chủ động có kế hoạch phòng tránh là vô cùng cần thiết. Với mức độ nguy hiểm của mình, EVD đã và đang nhận được chú ý của toàn thế giới. Vì vậy, không khó để có được những thông tin hữu ích để bảo vệ bạn và người thân khỏi căn bệnh chết người này.
Bình luận của bạn