Tự chế bài thuốc phòng chống bệnh sởi theo đông y

Nhiều quan chức y tế cho rằng không có cơ sở khi nói rằng Đông y có thể phòng chống bệnh sởi. Sự thật thông tin này ra sao?

PV đã có cuộc phỏng vấn Bác sĩ Trần Văn Năm, Viện phó Viện y dược dân tộc TP.HCM. Vị lương y này cho biết, thật ra trước khi có thuốc Tây hàng trăm năm, dân gian đã có nhiều kinh nghiệm phòng ngừa, chữa trị bệnh sởi bằng những bài thuốc rất đơn giản.

* Thưa ông, biểu hiện của bệnh sởi như thế nào?

- Sởi thuộc chứng bệnh lây nhiễm cấp tính do siêu vi khuẩn sởi gây ra. Trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi là đối tượng dễ mắc bệnh sởi nhất. Các biểu hiện của bệnh dễ nhận thấy như: Sốt từ nhẹ đến sốt cao kèm triệu chứng ho, tăng tiết dịch mũi, mắt đỏ kéo dài 2 đến 3 ngày. Thông thường đến ngày thứ 4, cơ thể trẻ phát ban những đốm đỏ nổi trên da thành từng mảng. Đốm đỏ xuất hiện theo trình tự như sau: Từ sau tai ra trước mặt rồi lan xuống vùng cổ, ngực, lưng và bụng đến tứ chi. Và cuối cùng, đốm đỏ xuất hiện ở lòng bàn tay, bàn chân, đồng thời trong niêm mạc má có những đốm Koplic, đây là dấu hiệu đặc trưng của bệnh sởi. Tình trạng phát ban sẽ mất đi theo trình tự nơi nào xuất hiện trước sẽ hết trước.

Bệnh sởi lây lan mạnh, nhanh qua đường hô hấp (thở, ho). Bệnh lây trực tiếp khi trẻ ho, hắt hơi, nói chuyện. Bệnh ít lây gián tiếp vì virus dễ bị chết ở môi trường ngoài khí trời.

* Bệnh sởi có thể để lại những di chứng nào, thưa bác sĩ

- Bệnh sởi đa số là nhẹ. Tuy nhiên nếu cơ địa trẻ suy dinh dưỡng hoặc không được chăm sóc tốt sẽ có thể dẫn đến biến chứng nặng như: Viêm tai giữa (chảy mủ tai), viêm phổi, tiêu chảy, loét giác mạc mắt. Có trường hợp gây viêm não, trường hợp nặng có thể dẫn đến tử vong.

* Hiện nay có khá nhiều phương phápđiều trị bệnh sởi. Trong đó nhiều người cho rằng chữa trị bằng thuốc y học cổ truyền cũng rất hiệu quả. Xin bác sĩ chia sẻ một số kinh nghiệm cùng bạn đọc?

- Đối với trẻ em khi bị mắc bệnh sởi, trước tiên cần được cách ly, chăm sóc kỹ lưỡng. Gia đình phải đảm bảo trẻ uống đủ nước, ăn đủ chất dinh dưỡng; Ngoài ra có thể nhỏ mắt bằng dung dịch nước muối và chăm sóc da, răng - mũi - miệng nhằm đảm bảo vệ sinh, tránh trường hợp bệnh lây lan rộng.

Để chữa trị bệnh sởi bằng thuốc y học cổ truyền, chúng ta có thể sử dụng các dược liệu thuộc 3 nhóm đặc tính sau. Nhóm kháng sinh thực vật có tác dụng hạ sốt, lợi tiểu gồm: Kim ngân hoa, cây Sài đất, Cỏ mực, Cỏ Mần trầu, Gừng tươi, cây kinh giới, Rễ tranh. Thứ hai là nhóm dược liệu có tác dụng tăng sức đề kháng như: Lá hoặc rễ cây


Đinh lăng, Bố chính sâm, Sâm đại hành, Mạch môn, Thiên môn. Và cuối cùng là nhóm thảo dược chống dị ứng như : Lá tía tô, Rau má, Bạc hà.

* Cách thức sử dụng ra sao, thưa bác sĩ?

- Về cách thức sử dụng, sử dụng 1 hoặc 2 loại dược liệu trong mỗi nhóm trên đem trộn đều với nhau. Mỗi vị dùng từ 15 - 20g tươi. Nếu sử dụng thuốc ở dạng khô, liều lượng mỗi vị từ 10 - 12g. Chúng ta đem thuốc nấu nước hoặc sắc uống trong ngày như uống nước bình thường.

Hiện trên thị trường có một số chế phẩm được bào chế sẵn tiện dùng như: Trà tiêu độc Kim ngân hoa, trà nhân sâm bại độc, viên thuốc Kim ngân vạn ứng có tác dụng hỗ trợ chữa trị bệnh sởi. Nếu sử dụng các thuốc trên kịp thời sẽ giúp rút ngắn được thời gian phục hồi bệnh và hạn chế được các biến chứng.

* Để phòng tránh bệnh sởi, cần làm những gì, thưa bác sĩ?

- Khi trẻ bị bệnh sởi cần theo dõi chặt chẽ để phát hiện kịp thời các biến chứng xảy ra, như trẻ lừ đừ, khó thở, sốt triền miên không giảm, chảy mủ tai, co giật. Cần đưa trẻ đến bệnh viện có khoa Nhi để điều trị kịp thời. Chú ý rằng do bệnh dễ lây nhiễm nên cần cách ly không trẻ tiếp xúc với trẻ nhỏ khác, đặc biệt trẻ chưa được tiêm ngừa sởi.

Cách phòng bệnh duy nhất là tiêm ngừa, giữ gìn vệ sinh cơ thể và môi trường đồng thời đảm bảo ăn uống đủ chất, nhất là các vitamin nhóm C, B, A, D.

* Xin cảm ơn bác sĩ về cuộc trò chuyện!

Tây y khuyên phòng chống bệnh sởi như thế nào:

Theo PGS Bùi Vũ Huy, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, để phòng chống bệnh nói chung cần lưu ý mấy điểm sau:

- Thường xuyên nghe thông báo của ngành y tế về các bệnh dịch;

- Cần áp dụng đầy đủ các khuyến cáo của ngành y tế cũng như của y tế cơ sở khi có dịch xảy ra;

Khi dịch sởi đang diễn ra, cần lưu ý:

- Đây là bệnh lây truyền qua đường hô hấp, vì vậy cần tránh tụ họp, tránh chỗ đông người. Mỗi khi về nhà cần vệ sinh cơ thể, răng miệng trước khi chăm sóc trẻ, để tránh tình trạng mang vi khuẩn virus trong môi trường về.

- Thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ để phát hiện kịp thời các biểu hiện bệnh, để đưa đi khám.

Bệnh sởi đã có vắcxin phòng rất đặc hiệu. Vì vậy cần thực hiện tiêm phòng đủ hai mũi theo khuyến cáo của ngành y tế.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin