Ung thư dạ dày có phải do loét?

Chị tôi 45 tuổi, cách đây 2 năm bị loét dạ dày đã điều trị bằng cả thuốc Tây và Đông y bệnh ổn định. Gần đây đau tái phát, đi khám chẩn đoán ung thư dạ dày giai đoạn cuối. Xin hỏi bệnh ung thư có mầm mống trước đó nhiều năm hay do loét sau đó thành ung thư.

Phạm Lan


Bệnh ung thư dạ dày nguyên nhân đến giờ vẫn còn là bí ẩn, chỉ là giả thuyết. Gần đây có người cho là vi khuẩn Helicobacter Pylory là thủ phạm. Nhưng trường hợp chị bạn, đó là vết loét dạ dày bị ung thư hóa, do vậy tất cả loét dạ dày phải trị liệu tích cực, có theo dõi bằng nội soi kiểm tra trước và sau đợt điều trị để đánh giá xem vết loét đã khỏi dứt chưa.

Ngoại trừ loét tá tràng không bao giờ ung thư hóa nên có thể an tâm khi điều trị. Vì chỉ có 50% bệnh nhân loét dạ dày - tá tràng là có triệu chứng điển hình, 40-45% có triệu chứng mơ hồ, không điển hình, những trường hợp này rất khó chẩn đoán phân biệt với các bệnh khác của dạ dày như viêm dạ dày, ung thư dạ dày. Có 5-10% bệnh nhân loét hoàn toàn không có triệu chứng (loét câm) nên khi chẩn đoán bằng nội soi mới phát hiện ung thư hóa. Nếu ung thư dạ dày phát hiện muộn thường chỉ sống thêm được ít năm do vậy việc phát hiện và điều trị sớm là rất quan trọng.

Ung thư thường gặp ở người trên 40 tuổi, nên bất cứ triệu chứng như ăn không tiêu, không ngon, sút cân, thiếu máu kéo dài vài tháng phải khám, chụp, nội soi dạ dày để phát hiện sớm, đừng để khi đã có khối u thì đã quá muộn. Nếu có loét bờ cong nhỏ dạ dày thì sau khi điều trị tích cực phải nội soi kiểm tra lại để chắc chắn đã khỏi hẳn, trường hợp chưa khỏi hẳn phải tiếp tục điều trị.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Hỏi đáp Phòng bệnh & Điều trị