SUCKHOE+ Van hoa truong hoc-02
SUCKHOE+ Van hoa truong hoc-03
SUCKHOE+ Van hoa truong hoc-04
SUCKHOE+ Van hoa truong hoc-05

Nhiều năm trước đây, khi chúng tôi tốt nghiệp trường sư phạm, giáo sư khoa trưởng lúc đó, trong thông điệp gửi sinh viên, có nhắc nhở “Các bạn đừng quên, ngoài sự yêu thương tuyệt đối dành cho học sinh, các bạn sẽ phải nhớ rằng “Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”, và với đặc điểm lứa tuổi, một ít học sinh có thể là “Ngựa chứng trong sân trường”. Tuy vậy, nếu gặp phải các trường hợp này, các bạn phải bình tĩnh và không bao giờ được thành kiến với học sinh với niềm tin rằng các bạn sẽ dạy dỗ được tất cả học sinh…” Tất cả các triệu chứng nghịch ngợm là một biểu hiện tiêu cực của tâm lý “muốn khẳng định mình” trong quá trình lớn lên của các em.

SUCKHOE+ Van hoa truong hoc-06

Ngoài ra, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến văn hóa của một trường học như nội quy và lịch sử của trường. Năm 2018, tôi có dịp trở về thăm ngôi trường tiểu học của mình và trao học bổng cho các em học sinh giỏi ở đó. Tôi thất vọng khi ngôi trường cũ không còn nữa - gần như lịch sử hơn nửa thế kỷ của trường cũng biến mất theo. Cô hiệu trưởng còn trẻ, thậm chí cũng không biết tên cũ (đặt theo địa danh) của ngôi trường tiểu học này. Cô chỉ biết tên mới (đặt theo tên một liệt sỹ địa phương). Sau này, thú thật, tôi không còn muốn thăm trường tiểu học cũ nữa, dù tôi vẫn thăm trường trung học cũ (và trao học bổng cho học sinh xuất sắc toàn diện nhất trường) của mình ở cùng thành phố. Đơn giản vì trường trung học (khác với trường tiểu học cũ) vẫn giữ tên trường (đặt theo tên nhà chí sỹ yêu nước), không thay đổi suốt lịch sử 70 năm của nhà trường. Trường có một lịch sử và truyền thống xuyên suốt 70 năm, trở thành niềm tự hào không chỉ của nhiều thế hệ học sinh mà còn của cả cộng đồng.

Nhưng có lẽ mối quan hệ quan trọng nhất tạo nên văn hóa học đường chính là quan hệ giữa thầy và trò (tình thầy trò). Nhìn từ khía cạnh văn hóa học đường thì quan hệ thầy-trò bao gồm cả quan hệ thầy cô và gia đình học sinh.

SUCKHOE+ Van hoa truong hoc-07
SUCKHOE+ Van hoa truong hoc-08

Ở Việt Nam chúng ta, “môi trường nhất quán” đó chính là “lớp học của người giáo viên nhân dân” - người luôn được yêu thương và kính trọng. Một lần nữa, chúng ta hãy nghe lại bài hát “Người giáo viên nhân dân” (nhạc sỹ Hoàng Vân) để thấy đó không phải là lời ca ngợi sáo rỗng “Loài hoa ấy đẹp như em người giáo viên nhân dân, tâm hồn em tươi mát xanh như bóng lá bàng trái tim em đỏ nhiệt tình như hoa phượng vĩ… Tiếng em nói nhen nhóm bao mơ ước lý tưởng, tiếng kêu hùng của lịch sử cha ông…”

Thật ra quan hệ thầy trò bao gồm cả quan hệ của thầy cô giáo với phụ huynh, nhất là ở cấp lớp tiểu học khi các em cần nhiều sự giám hộ. Dù trong xã hội hiện đại hay bất cứ hình thái xã hội nào trong tương lai, thì người thầy bao giờ cũng phải được kính trọng. Có như vậy thì các học sinh mới có đủ niềm tin mà tiếp thu kiến thức và đạo đức từ thầy. Có thể, trong xã hội vẫn xuất hiện những thầy, cô giáo không đủ chuẩn, nhưng tỷ lệ giáo viên xấu trong cộng đồng sư phạm là rất thấp, không chỉ ở Việt Nam, mà ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Nhưng dù tỷ lệ xấu thấp ảnh hưởng của nó lại rất lớn vì thầy cô là tấm gương, là ánh sáng của xã hội.

Ngày 10/6/2022, cựu Bộ trưởng giáo dục Hoa Kỳ thời Tổng thống Donald Trump đã nói với báo chí rằng bà làm bộ trưởng là để đại diện cho các em học sinh, nhưng những gì chúng thấy trong xã hội Mỹ (ý nói cuộc tấn công Quốc hội ngày 6/1/2020) là không thể bảo vệ, vì vậy bà đã từ chức. Lưu ý rằng quan chức ngành giáo dục được mặc định là thầy cô đối với học sinh. Tiếc là nhiều năm qua, chúng ta chưa thấy quan chức nào của ngành giáo dục Việt Nam khẳng định thông điệp đó. Điều này rất quan trọng trong tạo dựng văn hóa học đường vì họ (cán bộ giáo dục, từ bộ trưởng giáo dục) là những kiến trúc sư của nền văn hóa đó.

Trong khi đó ngành sư phạm phải là ngành có sự tuyển chọn kỹ lưỡng hơn cả. Đầu năm 2020, vào thời điểm dịch COVID-19 xảy ra trên khắp thế giới, tại một huyện vùng sâu ở Cà Mau, một thầy giáo dạy Anh văn chỉ bán cho học sinh khẩu trang chống dịch mà mình mua được, đã bị báo chí thổi phồng lên thành một vi phạm đạo đức nhà giáo và dư luận xã hội, vốn đang bị hoảng loạn vì dịch, trút giận dữ không thương tiếc lên hành vi của người thầy tội nghiệp. Tất nhiên, nghề giáo có đòi hỏi rất cao về chuẩn mực nên hành vi của người thầy kia là không chuẩn, nhưng ông không nên bị “bêu xấu” như thế. Bởi vì điều đó sẽ hủy hoại hình ảnh cao quý của người thầy trong lòng các em học sinh, dẫn tới sự hoài nghi các giá trị mà thầy giảng dạy.

Nhân câu chuyện này, tôi nhớ câu chuyện của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu của Singapore trong Hồi ký (1998) của ông về thầy: “Tôi từng bị thầy hiệu trưởng đánh đòn. Thầy D. McLeod rất nghiêm khắc và công tâm, kỷ luật thầy đưa ra áp dụng cho tất cả mọi người, không phân biệt người này người kia. Hồi đó học sinh nào đi muộn ba lần trong một học kỳ đều bị phạt đánh ba roi. Tôi luôn dậy muộn, tôi thức khuya giỏi nhưng không dậy sớm được. Lần đó tôi đi muộn tới lần thứ ba trong một học kỳ năm 1938, thầy chủ nhiệm đã dắt tôi gặp thầy McLeod. Thầy hiệu trưởng biết tôi, vì tôi đã nhận nhiều giải thưởng và học bổng. Nhưng tất nhiên tôi vẫn không được tha. Tôi nằm xuống ghế và nhận ba roi. Tôi chắc là thầy không nương tay. Tôi không tài nào hiểu nổi tại sao các nhà sư phạm Tây phương lại phản đối nhục hình gay gắt đến vậy. Tôi và các bạn tôi có sao đâu”. Thật ra, trong bất cứ trường hợp nào, cố Thủ tướng Lý Quang Diệu cũng muốn bảo vệ hình ảnh tôn nghiêm của người thầy hơn là một phương pháp giáo dục.

Nói chung, văn hóa học đường có thể được chia thành hai dạng cơ bản: văn hóa tích cực và văn hóa tiêu cực. Những câu chuyện kiểu như cõng bạn đi học hay ngày nhà giáo thăm thầy cũ… đó là văn hóa học đường tích cực. Ngược lại, các nữ sinh đánh nhau, hay phụ huynh bắt thầy cô quỳ gối vì trừng phạt con mình là những loại "văn hóa tiêu cực”. Môi trường xã hội và môi trường cụ thể quanh trường cũng có thể tạo ấn tượng cho học sinh, nhưng nhà trường không chỉ dừng lại ở khẩu hiệu kiểu như cổng trường em văn minh, sạch, đẹp mà bất lực trước việc những người nghèo vẫn kiếm sống bằng cách bán hàng rong cho trẻ trước cổng trường. Giáo dục nhận thức mới là căn bản. Nhà trường và nói rộng ra, ngành giáo dục, không thể đứng ra “dẹp loạn”, mà thành bại của giáo dục là đào tạo những con người tự do, biết nhận thức đúng - sai và quyết định hành vi theo thời gian lớn lên của các em.

Văn hóa lớp học tích cực được đặc trưng bởi bầu không khí không đe dọa, nơi học sinh cảm thấy rằng các em có thể nói, đưa ra ý tưởng và chấp nhận rủi ro (sai) mà không sợ bị thầy cô thành kiến hoặc bạn bè ghét bỏ, chế nhạo. Yêu thương và tôn trọng lẫn nhau là tình cảm mà thầy cô phải thể hiện như tấm gương cho các em trong lớp học. Ngược lại phân biệt và nhạo báng sẽ là “văn hóa xấu” nếu thầy cô không tránh khỏi trong hành vi hay cử chỉ trong khi dạy học, nhất là tại cấp lớp tiểu học hay trung học. Các em sẵn sàng hành động theo người thân ở nhà và thầy cô ở trường. Trong khi đó, “giáo án thứ hai” là truyền thông ảnh hưởng lặng lẽ hơn, “hiệu quả” hơn mà các em cũng như người lớn ít khi nhận biết. Mặc dù chúng tôi chưa có điều kiện làm một thăm dò định lượng về cách mà truyền thông của Việt Nam tác động vào môi trường giáo dục nước nhà, nhưng chúng tôi cho rằng truyền thông có khuynh hướng đứng về phía phụ huynh, gia đình hơn khi có “sự cố học đường”. Trong khi đó, phụ huynh Việt Nam nặng về “trái tim” trong hành vi khi có “sự cố” đáng tiếc ở trường xảy ra với con cái mình. Phản ứng của phụ huynh hiện nay thường là riêng lẻ, cá nhân, không đại diện cho tiếng nói cộng đồng phụ huynh học sinh. Đơn giản vì chúng ta thiếu định chế “Hội phụ huynh học sinh” ở các trường trung học và tiểu học.

SUCKHOE+ Van hoa truong hoc-09
SUCKHOE+ Van hoa truong hoc-10

Theo giải thích của tác giả và nhà nghiên cứu Samuel Casey Carter, ngoài những gì các em học trong lớp, thì cũng có nhiều điều các em “học ngầm” bên ngoài lớp học, từng ngày, từng tháng, từng năm. Chúng tôi gọi đây là “giáo án thứ hai” hay “giáo án giấu mặt”, trong đó có tất cả các loại truyền thông bằng chữ, bằng hình ảnh (tĩnh và động). Sự tương tác giữa hai giáo án (do thầy cô và sách giáo khoa truyền đạt) và giáo án giấu mặt (do báo chí, truyền hình, mạng xã hội, internet ảnh hưởng) là không thể tránh khỏi. Vào thập niên 90 của thế kỷ 20, khi chúng tôi nghiên cứu 10 trường tiểu học tại Mỹ về “tác động của truyền thông trong các hành vi bạo lực của các em”, kết quả cho thấy 2/3 các vụ bạo hành do các em bắt chước trên tivi hoặc đọc trên báo chí, buồn hơn, 1/3 còn lại bắt chước từ các hành vi bạo lực của người thân trong gia đình (cha hoặc mẹ hoặc anh chị).

SUCKHOE+ Van hoa truong hoc-11

Kỳ vọng cao đối với những người chủ tương lai khiến trật tự và kỷ luật học đường nghiêm phải được tôn trọng. Ví dụ: đồng phục trường, bảng tên, hiệu đoàn ca…sẽ là dây kết nối các cá nhân khi còn học và ảnh hưởng lâu dài, tạo thành “văn hóa tuân thủ” khi trưởng thành ở mỗi người. Văn hóa học đường mặc dù có tính phổ quát, nhưng vẫn mang tính đặc thù, vì vậy, dù các nước như Mỹ hay Bắc Âu (Na Uy, Thụy Điển) học sinh ăn mặc thoải mái, không có nghĩa đó là hình mẫu của học sinh Việt Nam. Học sinh Việt Nam vẫn phải mặc đồng phục theo nội quy của nhà trường. Sở dĩ tôi nhấn mạnh điều đó, vì báo chí của chúng ta thỉnh thoảng vẫn đăng thông tin tốt về giáo dục nước ngoài để tham khảo và gợi ý để chúng ta học tập. Chúng ta biết để chọn lựa nhiều hơn là biết để bắt chước. “Tẩu hỏa nhập ma” sẽ là thảm kịch, đặc biệt trong giáo dục. Nên nhớ: giáo dục trong nhà trường theo “giáo án thứ nhất” (tức là chương trình trong lớp) không bao giờ là tất cả. Các em còn phải học rất nhiều từ xã hội, nhất là các hình thức truyền thông khác nhau, đặc biệt hiện nay là internet, mạng xã hội.

Hoạt động “kết nghĩa” giữa trường học và các đơn vị khác có thể tạo một “văn hóa học đường” tích cực khi đưa các em vào các trải nghiệm khác nhau. Ví dụ: chúng tôi từng trao cơ hội học bổng cho các em học sinh xuất sắc của một trường trung học (chưa bao giờ được đi máy bay, chưa bao giờ biết đến thành phố Hồ Chí Minh lớn nhất nước) được thực hiện ước mơ của mình. Các em đã thấy một thành phố lớn rộng hơn nơi em ở, một nhà máy lớn mà người chủ từng là một học sinh nghèo học cùng trường với các em, điều đó khiến “kỳ vọng của các em” cao hơn những gì các em nghĩ.

SUCKHOE+ Van hoa truong hoc-12

Theo một cuộc thăm dò của Gallup năm 2018, những học sinh hòa đồng có nhiều hy vọng vào tương lai cao hơn 4,5 lần so với những học sinh tự cô lập mình. Nghiên cứu này cũng nhắc lại tầm quan trọng của sự tham gia, phát hiện ra rằng những học sinh thích chơi với bạn và thân thiện với giáo viên thường có tính tương tác với cộng đồng tốt hơn. Vào thời tiểu học của chúng tôi, điểm số “hoạt động” rất cao và thầy cô thường ghi trong học bạ đánh giá thái độ dấn thân, thích hoạt động trong các sinh hoạt của lớp. Trong trường hợp này, các thầy cô giáo tiểu học ở Việt Nam chúng ta cần giải thích kỹ câu: “Gần mực thì đen gần đèn thì sáng”, để tránh cho các em thành kiến phân biệt đối với những bạn học ít may mắn, hoặc bị lỗi, hoặc chưa đạt thành tích học tốt… Làm sao để các em hiểu rằng nhờ có kiến thức mà “đèn” và “mực” có thể sống chung, và nhờ kiến thức mà “đèn” có thể soi sáng và giúp “mực” trở nên sáng hơn, hữu ích hơn. Theo nghĩa đen “mực” cũng cần thiết sử dụng đúng công năng để viết.

SUCKHOE+ Van hoa truong hoc-14

Chính vì vậy những trường có thời gian lịch sử lâu hơn, có truyền thống lâu hơn và xuyên suốt hơn, thường là nền tảng vững chắc tạo văn hóa học đường tích cực. Tiếc là, sau khi chiến tranh chấm dứt năm 1975, nhiều trường vốn đã có một truyền thống lâu dài, bị thay tên trường (vì nhiều lý do khác nhau), khiến cho lịch sử, truyền thống nhà trường và văn hóa học đường tại đây bị đứt gãy.

Trách nhiệm duy trì một nền văn hóa thuộc về tất cả những ai bị tác động bởi nó. Văn hóa thể hiện các mối quan hệ mà giáo viên, gia đình, học sinh và chính quyền địa phương tạo ra. Các trường thúc đẩy sự cộng tác thực sự, ngoài sự phân công lao động đơn giản, mời gọi sự đóng góp của tất cả các thành viên trong cộng đồng của họ.

Khi điều này xảy ra, trách nhiệm đối với sự thành công của thể chế được chia sẻ và tham gia một cách bình đẳng. Chúng tôi đã vài lần thăm Hạ viện Hoa Kỳ, và tại đó, tôi ngạc nhiên khi thấy các em học sinh tiểu học và trung học cơ sở, phục vụ một số công việc trong kỳ họp Quốc hội, như giúp liên lạc giữa các đại biểu, đưa tài liệu từ văn phòng đến các đại biểu… Những hoạt động thực tế này sẽ giúp các em “hiểu” các bài học về thể chể đất nước, và sẵn sàng trở thành người chủ tương lai. Đây là thứ văn hóa học đường nằm sâu trong trí nhớ các em khi các em trưởng thành. Hình ảnh các lãnh đạo trao thưởng hay gặp các em cũng sẽ gây ấn tượng mạnh. Câu chuyện mà TT Bill Clinton kể khi ông 17 tuổi được bắt tay TT JF Kennedy, ông vô cùng ngưỡng mộ và nuôi chí trở thành TT Hoa Kỳ. Ông đã thực hiện được ước mơ. Cuối cùng, học sinh ở cấp lớp tiểu học và trung học cần cảm thấy rằng xã hội và môi trường văn hóa chung quanh các em là tích cực. Tất nhiên, gia đình và thầy cô không thể tách các em ra khỏi các hiện tượng tiêu cực khác. Nhưng trên hết, giáo dục giúp cho các em phân biệt đâu là xấu và đâu là tốt trên những khái niệm nền tảng căn bản của đạo đức làm người (như tình gia đình, làm con phải hiếu thảo, làm bạn phải trung thực, chân tình, làm học trò phải kính trọng thầy cô…). Các em, đến một độ tuổi lớn hơn, sẽ biết rằng “cái xấu” sẽ không thể lớn hơn “cái tốt” và tin rằng cá nhân các em sẽ làm thay đổi cái xấu, đóng góp vào một xã hội tốt đẹp. Ý muốn này chính là thành tựu của văn hóa học đường, mà các bài giảng của thầy cô giáo trong nhiều năm, đã còn đọng lại nơi các em.

SUCKHOE+ Van hoa truong hoc-14 (1)
SUCKHOE+ Van hoa truong hoc-15
SUCKHOE+ Van hoa truong hoc-16

Vào thập niên 90 của thế kỷ 20 bộ phim về thiếu nhi “Sơn ca trong thành phố” gây được tiếng vang. Tiếc rằng cậu bé đóng vai chính trong bộ phim sau đó bị bạn gái tạt acid vì hiểu lầm. Xã hội và học đường dậy sóng. Khi ra tòa, khi quan tòa hỏi: Cháu làm sao biết acid và mua nó ở đâu? Cô bé thủ phạm tuổi teen trả lời: Đọc thông tin về acid trên báo chí... Ảnh hưởng của báo chí sâu đến không ngờ. Lứa tuổi học sinh bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Ngày xưa mẹ thầy Mạnh Tử phải dời nhà nhiều lần vì sợ con bị ảnh hưởng môi trường xã hội chung quanh. Ngày nay, các bậc phụ huynh không thể làm thế. Truyền thông có trách nhiệm sẽ đóng vai trò như “mẹ thầy Mạnh Tử”, thay vì dời nhà, sẽ luôn đăng tin tốt về học đường và giải thích cặn kẽ nếu phải đăng tin xấu.

SUCKHOE+ Van hoa truong hoc-17
SUCKHOE+ Van hoa truong hoc-18
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Văn hóa