Chấp trước phát nguồn từ cái Tôi quá lớn
Buông xả ưu phiền - chấp nhặt làm gì cho thêm đau khổ!
Hỏi đáp về đạo Phật: 5 phút thông tỏ
Những nguyên tắc nuôi dạy con nên Người
Ngã mạn - Sai lầm lớn nhất của đời người
Chấp trước chỉ đường cho vô minh
“Chấp” nghĩa là cầm, nắm giữ. “Trước” nghĩa là giữ chặt hoặc bị vướng mắc. Ghép lại với nhau mang ý nghĩa là thiên về một ý kiến, một việc gì đó, giữ chặt lấy, không chấp nhận khác đi, cũng có nghĩa là không chịu buông bỏ.
Khi đã có tâm chấp trước thì người ta luôn có những hành vi và cử chỉ khó chịu, bướng bỉnh, thậm chí là ngoan cố, bởi vì hầu như sự việc gì cũng bị cái tâm chấp trước suy xét theo chiều hướng vị kỷ. Sống chỉ biết mình với những quan điểm và tư tưởng sai lầm nhưng không nhận biết và cũng không quyết tâm học hỏi để sửa đổi.
Có thể nói, chấp trước phát nguồn từ cái Tôi quá lớn, luôn cho rằng mình đúng, người khác sai. Tôi đúng, bạn sai là chấp trước. Tôi hay, bạn dở là chấp trước. Tôi là người tốt, cái này của tôi tốt… Vô lượng vô biên cái chấp trước. Suy xét cho cùng chỉ có hai cái chấp trước bao hàm vô lượng vô biên chấp trước mà Phật đã dạy trong Kinh Kim Cang:
- Ngã chấp (chấp vào cái Ngã, cái Tôi và của tôi).
- Pháp chấp (chấp vào tất cả các Pháp của thế gian và ngay cả pháp của xuất thế gian như Phật pháp).
Chính những cái chấp Ngã khiến ta day dứt khi đánh mất điều gì đó, những mong muốn mà không thể thực hiện được, sự khó chịu trước những điều không ưa… Tất cả tạo ra cho con người những vết tích để mỗi khi nghĩ đến lại đau đáu một nỗi niềm không biết bao giờ giải tỏa.
Chấp trước khiến ta không cam lòng, day dứt khi không đạt được điều mình muốn
Vì chấp trước mà ta luân hồi sinh tử. Chấp trước là ta tin vào những điều không thật có. Vì không có mà ta lại cho là có cho nên chấp trước, do nhận thức sai lầm đó mà ta phải đi trong luân hồi, chấp trước là biểu hiện của vô minh, định kiến.
Trong đời sống thường ngày, có nhiều loại chấp trước, ở đây chỉ xin phân tích chấp trước về tình cảm và chấp trước về sự nghiệp.
Chấp trước về tình cảm: Là sự không cam lòng, day dứt khi bất lực không thể có được người mình yêu thương hay là sự sai lầm đã đánh mất tình cảm quý giá của mình. Nó là một sự tồn tại dai dẳng, cào cấu, trầy xước như gai nhọn âm ỉ trong lòng. Khiến người mang nó khó có thể từ bỏ và cố gắng để đi tiếp dù đánh đổi bằng bất cứ giá nào với hy vọng đạt được mục đích. Dĩ nhiên tùy mức độ nặng nhẹ và tùy tâm tính của từng người mang nó.
Chấp trước về sự nghiệp: Là sự không cam lòng, sự day dứt khi bản thân chỉ là một con số 0 tròn trĩnh trong cõi đời này hoặc mơ ước khát khao được vươn lên tầm cao trong xã hội, có được công danh sự nghiệp ổn định làm rạng rỡ tổ tông dòng họ và ngẩng cao đầu trước thiên hạ mà không hổ thẹn.
Chấp trước này tạo cho người mang nó một động lực thôi thúc mạnh mẽ khiến bản thân phải học hỏi, phấn đấu để đạt được mục tiêu dù phía trước có gian khổ thế nào rồi cũng sẽ đạt được thành công…
Nhìn chung hai chấp trước này có những điểm chung đó là sự không cam lòng, không chấp nhận hiện tại và mong muốn phấn đấu để đạt được mục đích và chấp trước là lực lượng tiềm ẩn nuôi dưỡng niềm tin để con người ta bước tiếp, chống chọi với gian lao.
Chắc hẳn ai cũng nhớ câu chuyện về con khỉ và quả dừa. Rằng cái lỗ được khoét trên quả dừa quá nhỏ và nếu con khỉ cứ nắm chặt bàn tay để giữ vật trong quả dừa đó thì chẳng thể nào rút tay ra, rồi để mình bị bắt. Không ai ép con khỉ phải đút tay vào quả dừa, ngoại trừ chính lòng tham trong tâm nó. Cũng như vậy, không ai ép bạn hay trói buộc bạn, ngoài cái tâm bên trong bạn, cho nên bạn có thể thoát ra bất cứ lúc nào. Chỉ vì bám víu, chấp trước nên bạn mới khổ đau.
Làm thế nào để từ bỏ chấp trước?
Hòa thượng Thích Trí Quảng đã từng nói, chính sự chấp trước làm chúng ta đau khổ, cho nên coi nó là mối nguy hại cần phải tránh. Nhưng tránh bằng cách nào? Có phải từ bỏ bạn bè và những người ta thương? Không phải thế!
Để từ bỏ chấp trước, Phật dạy một là phá chấp, tức là có gì ràng buộc thì tìm cách phá bỏ. Hai là xả chấp, chúng ta không phá, nhưng bỏ quên để nó rơi xuống, không dính vào thân ta. Giống như đóa hoa sen mọc lên từ bùn nhơ, bùn thì nhơ bẩn tanh hôi nhưng đóa sen vẫn tinh khiết, rạng rỡ tỏa hương khoe sắc.
Thực tế cho thấy, khi có định kiến, ban đầu là ý thức tốt, nhưng vì cố thực hiện điều tốt này, chúng ta lại tạo thành oán thù, trần lao, nghiệp chướng.
Trước kia, vì tham lam chấp trước, muốn đủ thứ nên không thấy đúng, nhưng nay không còn tâm chấp trước, không còn tâm ưa ghét, nên thấy đúng sự thật của sự vật, tức là biết ta là ai, đang ở đâu, làm điều gì tốt điều gì không nên. Bởi con người vốn là cỗ máy kỳ diệu, biết tiếp thu những gì cần thiết và biết bỏ những thứ độc hại, nhưng vì vô minh nên thân lại tạo thêm tội ác và bệnh tật. Vì cố chấp, tự ta hạn chế khả năng tiếp thu của mình cho nên chỉ sống với bản năng, vô tri.
Khi ấy, cần xả pháp, từ bỏ chấp trước, nên lấy đức hạnh làm thân, lấy trí tuệ làm mạng, tùy theo sự hiểu biết mà chúng ta có được đời sống ý nghĩa, thấy việc đáng làm và việc không nên làm.
Không chấp trước là không dính mắc, không bám trụ. Khi đã hiểu được mọi pháp là vô thường, luôn thay đổi, là không có gì bất biến, hay bất di bất dịch cho nên ta buông bỏ tất cả. Khi buông bỏ, không chấp vào bất kỳ cái gì thì ta không còn dính mắc, không còn trụ ở bất kỳ điều gì, vật gì, chính bản thân ta hay ai khác, ta cũng không còn chấp nữa.
Xả pháp thì cần xả bỏ những điều vướng bận như:
Bản thân: Sắc, thọ, tưởng, hành thức. Đó chính là thân, tâm, tưởng, sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp. Là những cái mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, mùi vị, sờ và biết. Các pháp bên ngoài từ vật chất, tiền tài, cho đến cây cối, sông núi, hồ ao, thiên nhiên cây cỏ. Tất cả các pháp từ ngoài vào trong đều vô thường, ai hiểu rõ được ý nghĩa vô thường của vạn pháp thì mới không dính mắc hay chấp trước. Ai vẫn còn chấp trước, dính mắc hay trụ vào bất kỳ điều gì thì chưa hiểu được ý nghĩa vô thường của vạn pháp.
Chỉ khi không còn chấp trước, dính mắc hay vô trụ thì tâm mới tự nhiên bất động. Bất động tự nhiên là kết quả của sự buông xả sạch không còn một hạt bụi nào. Đó là sự buông xả thật sự từ nội tâm của một người Phật tử.
Tóm lại, những điều ta đang sở hữu không phải là vấn đề mà là thái độ của ta đối với sự sở hữu đó. Nếu ta đang có vật gì và vui hưởng nó, thì là bình thường nếu chẳng may đánh mất nó, cũng không sao. Nhưng nếu bị mất nó, mà trong tâm rất chấp trước, thì là điều khác. Sự bám víu trong nội tâm làm ta lao theo sự vận chuyển đó và mang đau khổ. Nếu để cho sự vật thuận theo lẽ tự nhiên sẽ không bị khổ. Nhưng cứ ôm mãi trong lòng, quyết không buông ra, tất sẽ chuốc lại khổ đau vào mình. Nhưng khi cái tâm đã buông xả thì chẳng còn điều gì chấp nhất nữa cả. Vì thế mới nói, chấp trước và buông xả là hai vế đối lập, cái này tiêu diệt cái kia, không thể song hành.
Chỉ một khi buông xả mới có thể xóa hết những chấp trước trong lòng, như thế để vị tha cho người, vị tha cho chính mình cho lòng mình bình thản, an yên.
Hòa thượng Tịnh Không đã từng nói:
“Nhìn thấu, Buông xả, Tự tại, Tùy duyên, Niệm Phật
Thanh tịnh, Bình đẳng, Chánh giác, Từ bi”.
Nếu có thể làm được những câu ấy thì chắc chắn sẽ bỏ được ngã chấp, lòng tự nhiên bình yên, tự tại.
Bình luận của bạn