Môi trường ô nhiễm là mối đe dọa trực tiếp đến sức khỏe của con người
“Làng ung thư” giữa lòng Hà Nội đang "khát nước"
10 "làng ung thư" vì ô nhiễm nước nặng tại Việt Nam
37 'làng ung thư' do ô nhiễm môi trường sống
Làng ung thư gan nơm nớp đợi tử thần
"Làng ung thư" xuất hiện ngày càng nhiều
Thời gian gần đây, người dân cả nước không còn xa lạ gì với cụm từ "làng ung thư" để nói về những ngôi làng, xóm ấp hay khu dân cư có số người bị bệnh ung thư, tử vong cao bất thường. Những ngôi làng này xuất hiện ngày càng nhiều và ở khá nhiều địa phương trên cả nước.
Điểm chung của các "làng ung thư" là sự hiện diện của các nhà máy, các cơ sở sản xuất thủ công gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm nguồn nước. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nguyên nhân chính thức của thực trạng "làng ung thư" vẫn chưa được chính quyền địa phương cũng như các ban ngành chức năng làm rõ. Trong khi đó, người dân vẫn ngày ngày thấp thỏm với nỗi lo mắc căn bệnh ung thư quái ác.
Báo cáo của Trung tâm con người và thiên nhiên (PanNature) cho biết, hiện tượng vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường trên diện rộng đã dẫn đến sự xuất hiện của những “làng ung thư”. Theo kết quả điều tra của Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2012, cả nước có 37 “làng ung thư”. Còn theo Bệnh viện K, trong 5 năm gần đây trung bình mỗi năm có khoảng 150.000 bệnh nhân ung thư mới phát hiện và khoảng 70.000 người chết vì căn bệnh này, tăng gấp đôi so với thời gian trước đây.
Do môi trường ô nhiễm?
Theo TS Nguyễn Đức Phúc - trường Đại học Y tế công cộng, 80% các loại bệnh tật của con người đều liên quan đến nước và vệ sinh môi trường. Trong đó, ô nhiễm nước gây ra xấp xỉ 14.000 cái chết mỗi ngày, các chất hóa học và kim loại nặng nhiễm trong thức ăn nước uống có thể là mầm mống của bệnh ung thư.
Trên thực tế, tình trạng ô nhiễm môi trường gây những hậu quả nghiêm trọng ở hàng trăm các làng nghề với những hóa chất độc hại ở nhiều địa phương, gây nên những mối lo lắng rất lớn cho người dân.
Theo các chuyên gia của Viện Y học và Vệ sinh môi trường lao động (Bộ Y tế) thì việc sử dụng những hóa chất, dung môi độc hại, bừa bãi không ý thức tác hại ở nhiều làng nghề thủ công ở nước ta hiện nay đã đến mức báo động. Nó không đơn giản là chuyện của ngày hôm nay mà hầu hết các làng nghề đều có truyền thống sử dụng lâu dài khiến môi trường ở xung quanh đó đã bị ô nhiễm nặng nề.
80% các loại bệnh tật của con người đều liên quan đến nước và vệ sinh môi trường
Điển hình như làng nghề mây tre đan ở Lũng Vị (Chương Mỹ, Hà Nội), với 85% người dân làm nghề truyền thống mây tre đan xuất khẩu. Việc sử dụng lượng lớn hoá chất trong quá trình sản xuất đã gây ô nhiễm nguồn nước, kể cả nước ngầm và ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của con người. Theo lãnh đạo địa phương, từ năm 1990 đến nay “làng ung thư” Lũng Vị đã có 45 người chết do căn bệnh ung thư. Với các loại ung thư như ung thư vòm họng, ung thư tử cung và cao nhất là ung thư gan.
Công bố mới nhất của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Lũng Vị là một trong 10 ngôi làng ung thư có nguồn nước ô nhiễm nhất cả nước. Chỉ trong năm 2014, cả làng Lũng Vị với hơn 400 hộ gia đình nhưng có tới 14 người chết, trong đó quá nửa là người chết vì ung thư, tuổi thì đa phần dưới 55. Trung bình mỗi năm, làng Lũng Vị có khoảng 6 người chết vì ung thư, chiếm 0,35% tổng số dân của làng. Tỷ lệ này cao gấp 4 lần tỷ lệ người chết vì bệnh ung thư trên toàn lãnh thổ Việt Nam hàng năm.
Nước ta đang trong quá trình đô thị hóa và đẩy mạnh phát triển kinh tế, quá trình này thường đi kèm với những hệ lụy về môi trường và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng. Điều này khiến căn bệnh ung thư trở thành mối đe dọa của không ít địa phương. Mặc dù vậy, vẫn chưa có một nghiên cứu cụ thể nào từ phía ngành y tế về mối liên quan giữa ô nhiễm môi trường và các căn bệnh ung thư để đưa ra những cảnh báo cho người dân.
Kỳ tiếp: Giải pháp từ cơ quan y tế?
Bình luận của bạn