Sau 0 giờ mới là cao điểm của các lò games. Tại Hà Nội, những “phố game” như Lê Thanh Nghị (quận Hai Bà Trưng), Dương Quảng Hàm (quận Cầu Giấy)… đã trở thành những con phố không ngủ về đêm. Tuy nhiên, gần đây, lối sống “ngủ ngày, cày đêm” xuất hiện ở nhiều khu trọ của sinh viên, trong các ký túc xá và ở những con phố mà dân chơi Hà thành coi là “phố không ngủ”.
Không về khi trời chưa sáng
2 giờ sáng, Lê Toàn Thắng, sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội, người tự nhận một thời nghiện game, dẫn tôi đến phố Lê Thanh Nghị gần trường để quan sát đời sống của những game thủ sinh viên. Lúc này, phố rất im lìm, chỉ một vài lò game sáng đèn.
Thắng phi xe vào một ngõ tối và đỗ trước cổng căn nhà như đã chìm sâu vào giấc ngủ. Cậu sinh viên năm thứ ba bấm chuông và lôi tôi xuống xe quả quyết: “Đây mới là thiên đường của dân nghiện game. Mấy cửa hàng game ngoài phố, đến 3-4 giờ sáng là phải đóng cửa, còn chỗ này, anh có thể chơi thâu đêm”. Quả thực, khi cánh cửa xếp kéo lên, bên trong không khí đặc quánh mùi thuốc lá, những game thủ đang dán mắt vào màn hình, tay dính chặt vào bàn phím. Để không ảnh hưởng người khác, mỗi máy có tai nghe riêng để người chơi thỏa sức tận hưởng thế giới riêng của họ.
Nếu như phố game có vẻ lén lút và dường như chỉ dành cho sinh viên thì các phố bar Tạ Hiện, Hàng Buồm, Chả Cá (quận Hoàn Kiếm) lại phô bày tất cả sự nhộn nhịp vào ban đêm. Theo quy định, các quán bar phải đóng cửa vào 0 giờ 30 phút nhưng với dân chơi đêm, lúc này cuộc vui mới bắt đầu. Để phục vụ dân chơi đêm, gần các phố bar, khu Phúc Xá được dân chơi về đêm coi là “bãi đáp”. Nằm sát bờ sông Hồng nên Phúc Xá không ồn ào nhưng mọi người có thể “chơi đến lúc nào tùy thích” như nhận xét của một dân chơi tự nhận là “đã đi chơi thì không về nhà khi trời chưa sáng” mà tôi gặp trên một phố bar.
Dân nghiện game, nghiện bar phải “cày đêm” đã đành, gần đây những trí thức tương lai như sinh viên, công chức cũng đang chuyển dần đêm thành ngày.
Thói quen xấu
PGS-TS-nhà tâm lý Trịnh Hòa Bình, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, cảnh báo: “Hệ lụy với những người trẻ có thói quen “ngủ ngày, cày đêm” không chỉ là vấn đề sức khỏe giảm sút, trí lực suy kiệt mà việc thay đổi nhịp sinh học sẽ dẫn đến thiếu tỉnh táo và không thể tập trung vào công việc chính của họ là học tập. Như vậy, họ mất đi cuộc đời thực mà lẽ ra phải cố gắng, phấn đấu để đạt được mục tiêu là kiến thức và chỗ đứng. Cuộc sống ảo dẫn các bạn trẻ đến những bệnh tâm lý như dễ cáu gắt, giao tiếp và hành xử không đúng mực”.
Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội), cho biết vừa tiếp nhận một sinh viên bị trầm cảm do nghiện lướt web thâu đêm. Lúc đầu, vào mạng chỉ để đọc thông tin, dần dần, sinh viên này bị nghiện đến mức không dứt ra được, quên cả việc học tập và không muốn giao tiếp với mọi người. Theo bác sĩ Dũng, có những bệnh nhân chỉ khoảng 14, 15 tuổi do vào mạng quá nhiều đã dẫn tới stress, rối loạn sinh lý và hành vi như không có thói quen ngủ đêm, đập phá đồ đạc, đánh người thân… Ngoài ra, “bệnh” mới mà nhiều người đang mắc phải, trong đó có dân công sở, văn phòng là nghiện Facebook. Có người, một ngày không vào Facebook là không chịu được. “Với những ai, một ngày sử dụng mạng liên tục quá 5 giờ là có dấu hiệu nghiện” - bác sĩ Dũng cảnh báo.
Theo bác sĩ Dũng, thức ngày, ngủ đêm đã thành nhịp sinh học của cơ thể. Nếu chúng ta không tôn trọng đồng hồ sinh học này, cơ thể sẽ mất cân bằng và ảnh hưởng xấu tới sức khỏe. Khi hoạt động của thần kinh trung ương bị rối loạn sẽ gây ra các triệu chứng suy nhược như mệt mỏi dai dẳng, đau đầu âm ỉ, cảm giác căng nặng đầu. Lâu ngày dẫn đến thay đổi tính tình, trí nhớ giảm, rối loạn giấc ngủ, giảm khả năng lao động…
Bình luận của bạn