Vẫn "nhơn nhơn" bán giấy khám sức khỏe

"Chợ" bán giấy khám sức khỏe

Trong vai người đang làm hồ sơ xin việc, chúng tôi có mặt tại phố Thợ Nhuộm (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), nơi được xem là "chợ" mua bán giấy khám sức khỏe nhanh chóng, thuận tiện. Phố Thợ Nhuộm đoạn giao với phố Quang Trung chỉ vài chục mét, thế nhưng có tới gần chục điểm treo biển "nhận hồ sơ lái xe". Đây cũng là các địa chỉ cung cấp giấy khám sức khỏe (GKSK) với tốc độ nhanh chưa từng có.

Hầu hết các giấy KNSK đều có kết luận giống nhau
Hầu hết các giấy KNSK đều có kết luận giống nhau

Để có được một GKSK nhanh chóng tại các điểm này, khách hàng chỉ cần các điều kiện khá đơn giản. Người mua chuẩn bị 2 ảnh 3x4; thông tin họ tên, ngày tháng năm sinh, quê quán và nộp tiền với giá từ 80- 200 ngàn đồng/GKSK. Nếu khách hàng nào cẩn thận thì tự cung cấp chiều cao, cân nặng, thị lực mắt (nếu như người bị cận/viễn thị).

Các "cò" hồ sơ ở đây cũng khẳng định, những GKSK được bán ở đây là những giấy chuẩn, do các bệnh viện cấp. "Từ chữ ký, con dấu đều xịn chứ không phải giả. Hơn nữa nơi nhận hồ sơ xin việc, học lái xe họ có bao giờ xem GKSK đâu, cứ có GKSK cho đủ bộ hồ sơ là được", một phụ nữ chuyên cung cấp "hồ sơ lái xe" trên phố Thợ Nhuộm nói.

Theo các "cò" hồ sơ ở phố Thợ Nhuộm, lượng người có nhu cầu mua GKSK rất nhiều, ngoài các khách hàng làm hồ sơ học lái xe, việc mua GKSK nhiều nhất là những sinh viên mới tốt nghiệp đi xin việc làm chuẩn bị một lúc 4-5 bộ hồ sơ để gửi khắp nơi. Nhu cầu lớn nên các "cò" hồ sơ ở đây không bao giờ sợ hết việc. Giá của GKSK tại điểm "cò" mà chúng tôi tìm hiểu được bán ở mức đồng hạng 120 nghìn đồng/tờ, không phân biệt A3 hay A4.

Giấy sức khỏe
Giấy sức khỏe "khống" bán ở phố Thợ Nhuộm.

Tại một điểm "cò" khác, người phụ nữ tên T. "hét" giá 200 nghìn đồng/tờ GKSK khổ A3; 150 nghìn đồng/tờ GKSK A4; bản sao in (bản thứ 2) có giá 100 nghìn đồng/tờ. Khi được hỏi về dấu đỏ của bệnh viện nào, độ tin cậy ra sao, "cò" T. trả lời ngắn gọn: "Thừa tin cậy".

Sau khi thỏa thuận xong về giá cả, "cò" T. đưa cho chúng tôi một tờ GKSK được điền đủ mọi thông tin cần thiết về sức khỏe, có chữ ký của bác sĩ Bệnh viện GTVT, kèm theo kết luận được đóng dấu chữ in hoa, màu xanh: "Đủ sức khỏe học tập và công tác", còn thông tin về người khám thì bỏ trống.

Theo lý giải của "cò" T., GKSK khổ A4 là thông dụng nhất, được làm sẵn, lấy ngay còn giấy khám khổ A3 thì rắc rối hơn, người mua phải mang ảnh để đóng dấu giáp lai, sau một giờ đồng hồ thì lấy được. "Giấy khám A3 chỉ dành cho các đối tượng cầu kỳ, các công ty liên doanh nước ngoài, còn xin việc, làm hồ sơ xe máy, ô tô thì chỉ cần giấy A4", "cò" T., nói.

Bệnh viện cũng siêu nhanh

Có mặt tại Bệnh viện Bạch Mai, chúng tôi được chứng kiến cảnh nhộn nhịp, chen chúc của bệnh nhân tại Khoa Khám bệnh, trong đó có rất nhiều người đi làm thủ tục GKSK.

Tại khu vực bàn số 1A và 1B, nơi khám và cấp giấy chứng nhận sức khỏe với quy trình được thực hiện khá đơn giản: xuất trình CMND, mua giấy khám rồi tự viết thông tin cá nhân. Tại đây, nữ y tá bàn số 1A nhìn mặt người khám để nhận định sức khỏe "Bình thường". Sau đấy, người khám cầm theo tờ giấy sang bàn số 1B để đo huyết áp. Cuối cùng người khám tự đến phòng dấu để được đóng dấu. Thời gian để có được một kết quả khám sức khỏe toàn diện để đi làm, đi học chưa đầy 5 phút, nếu không phải chờ đến lượt.

Cầm trong tay 2 giấy khám sức khỏe của Bệnh viện Bạch Mai cấp ngày 3/6/2013 và ngày 13/8/2013, chúng tôi giật mình về sự giống nhau trên kết quả thăm khám. Thông tin tiểu sử về người khám bệnh được người khám ghi trung thực. Còn lại, các mục "nhìn mặt đặt chữ" như hô hấp, tiêu hóa, tiết niệu sinh dục, cơ - xương - khớp, thần kinh, tâm thần, truyền nhiễm… đều được ghi chung kết quả "Bình thường". Ngay cả huyết áp - công việc thăm khám duy nhất khi xin giấy khám sức khỏe tại đây cũng được ghi chung chỉ số "đẹp": Huyết áp tâm thu 110 mmHg, huyết áp tâm trương 70 mmHg. Và kết luận chung của các GKSK đều với nội dung: "Hiện tại đủ sức khỏe học tập và làm việc".

Theo quy định của Bộ Y tế, để có một GKSK theo đúng quy định người khám sức khoẻ phải khám ở rất nhiều phòng chuyên môn tại các cơ sở y tế, bệnh viện…, có đủ điều kiện về khám sức khỏe. Người kết luận tình trạng sức khỏe của người đi khám sức khỏe, ký chứng nhận vào GKSK là bác sỹ phụ trách phòng ban chuyên môn của bệnh viện.

Tại bệnh viện nằm trên địa bàn quận Cầu Giấy, Hà Nội, cảnh tượng đi làm GKSK cũng tấp nập không kém. Người khám sức khoẻ xếp hàng lấy số thứ tự, đưa giấy qua các phòng khám theo chỉ dẫn trong phiếu. Sau đó được các bác sĩ cấp cho mỗi người 1 bản hướng dẫn tới các phòng khám theo các hạng mục cần phải khám theo đúng nội dung yêu cầu của tờ giấy chứng nhận sức khỏe.

Tuy nhiên, thực tế quy trình khám rất đơn giản. Sau khi hỏi người đến khám về chiều cao, cân nặng, mắt có bị cận hay không…, các mục cần phải khám tiếp theo trong GKSK như kiểm tra bộ máy tiêu hóa, bộ máy hô hấp, huyết áp… sẽ được các bác sĩ tại các phòng khám chuyên môn đánh giá luôn là "bình thường" mà không cần phải khám xét ''rườm rà'', chạy qua chạy lại tới các phòng khác.

Thậm chí, so sánh các kết luận tại các GKSK của bệnh viện này các ngày 2/7/2013, 19/7/2013, 13/8/2013 của 3 người, không khó khăn để nhận thấy sự giống nhau như hệt về kết luận.

Chúng tôi đã làm một phép so sánh khoảng chục GKSK cạnh nhau. Kết quả các kết luận của bác sỹ chỉ đơn giản hai chữ: "Bình thường" được viết tắt. Gần 20 các chỉ số được quy định khám sức khoẻ bắt buộc như hô hấp, nhịp tim, mạch, tiêu hóa, tiết niệu sinh dục, cơ - xương - khớp… đều bỏ trống, không điền các chỉ số… Tất cả các kết luận này đều giống nhau, điều khác nhau duy nhất có lẽ là tên người và… giới tính.

Trao đổi với PV, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Việt Cường cho biết, GKSK của bệnh viện đều có các cột mục, có chữ ký của các bác sĩ ở ngay bên cạnh các mục phải khám theo quy định của ngành y tế về việc cấp GKSK. "Nếu bệnh viện nào làm sai, khám qua loa không đúng quy trình chúng tôi sẽ yêu cầu kiểm tra xử lý", ông Cường nói.

Theo đại diện Sở Y tế Hà Nội, trong thời gian qua Sở đã có công văn yêu cầu các cơ sở y tế tăng cường kiểm tra công tác cấp giấy chứng nhận sức khỏe, nhằm chấn chỉnh công tác khám, cấp GKSK. "Một phần do yêu cầu của người đến khám để cấp giấy chứng nhận phục vụ cho mục đích xin việc, đi làm, đi học rất đông, họ không muốn phiền hà, mất thời gian nên đã xảy ra tình trạng có nơi bác sỹ khám chưa đạt quy trình", một cán bộ lý giải.

doandoan
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn