Tuy nhiên, điều khiến mọi người nhớ đến ông Lang nhất chính là cái đức, cái tâm của ông. Cả đời lên rừng hái thuốc cứu người nhưng ông vẫn sống trong cảnh nghèo túng.
Nổi tiếng bốc thuốc “mát tay”
Mỗi lần đến Tuyên Quang, chúng tôi lại nghe đồng nghiệp nhắc tới ông Vương Mạnh Lang, một vị thầy thuốc được mệnh danh là “thần y” bởi biệt tài chữa được nhiều căn bệnh bằng cái tâm, cái đức. Chính điều này đã giúp danh tiếng của ông Lang lan xa, lan rộng, được nhiều người biết đến.
Ông Lang đang bốc thuốc
Chúng tôi quyết định tìm đến xã Thượng Nông (huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang) để được diện kiến ông Lang và tìm hiểu về những bài thuốc trị bệnh, cứu người của vị “thần y” đặc biệt này. Đến nhà ông, chúng tôi không thể ngờ, một người có tiếng nức vùng như ông lại sống thật giản dị trong căn nhà sàn cũ. Thấy chúng tôi ngỡ ngàng, ông Lang liền lên tiếng: “Cả đời tôi sống thanh bạch, chuyện giàu sang với tôi là vô nghĩa. Tôi làm nghề y chỉ cốt một mục đích là hành thiện cứu đời”.
Kể về cơ duyên giúp mình trở thành một vị “thần y” nổi tiếng, hớp vội ngụm trà, ông Lang cho hay, bố ông là cụ Vương Mạnh Khải vốn nổi tiếng là một vị “thần y” chữa được nhiều loại bệnh chỉ bằng vài loại cây rừng. Vì có bố làm nghề thuốc nên từ khi được 10 tuổi, ông Lang bắt đầu được bố cho tiếp xúc với các cây thuốc. Cứ thế, ông nhanh chóng hiểu được công dụng chữa bệnh của chúng.
Năm 14 tuổi, ông Lang đã chính thức nối nghiệp bố. Ông Lang chia sẻ: “Ngày đó, rừng núi rậm rạp, cây thuốc quý rất sẵn nên đi đến đâu cũng hái được thuốc trị bệnh. Bên cạnh đó, hai bố con tôi lại nổi tiếng bốc thuốc “mát tay” nên thường xuyên được người bệnh gọi đến để chữa bệnh. Tôi nhớ, thời điểm đó, bố con tôi đi khắp các vùng biên ải để bốc thuốc cứu người. Ở đâu có bệnh nhân thì đó là nhà của hai bố con tôi. Khi chữa khỏi bệnh cho người này, người khác lại đến đón đi, có lần hai bố con tôi đi chữa bệnh gần một năm mới trở về nhà”.
Đến tuổi trưởng thành, ông Lang vẫn miệt mài theo nghiệp “bốc thuốc cứu người”. Vào thời điểm này, ông Lang đã lĩnh hội hầu như toàn bộ những kiến thức chữa bệnh của bố mình.
“Đến khi hơn 20 tuổi, tôi cưới vợ, sinh con, nhưng nghiệp chữa bệnh cứ đeo bám nên thường xuyên xa nhà. Ngày đó, gia cảnh của tôi rất nghèo khó, con đông, nhiều lúc không có đủ cơm ăn, vợ tôi phải lên rừng mót sắn, đào củ mài nuôi con ăn qua bữa để chờ đến mùa thu hoạch. Trong khi đó, tôi vẫn biền biệt đi từ làng này đến xóm kia để chữa bệnh cho người dân”, vị “thần y” chia sẻ. Khi nghe ông Lang tiết lộ rằng, công lao của những chuyến đi chữa bệnh dài ngày đó có khi chỉ là một cái đùi gà, một nắm cơm xôi hay vài ba bát gạo của bệnh nhân khỏi bệnh biếu để tỏ lòng biết ơn, chúng tôi không giấu được sự cảm phục dành cho vị “thần y” nổi tiếng miền sơn cước này.
Trong bữa cơm đãi khách đạm bạc với mấy con cá khô, bát canh rau rừng, nhưng căn nhà sàn luôn tràn ngập niềm vui và thật sự ấm cúng, ông Lang nói đầy tự hào: “Thời ấy, nhà ai cũng khó khăn, thiếu ăn, thiếu mặc, chuyện chữa bệnh là điều xa xỉ. Trước khi bố tôi qua đời có căn dặn “hãy hành thiện giúp đời”. Do đó, tôi luôn làm theo lời răn dạy của bố. Cả đời tôi chỉ bốc thuốc để cứu người nên nhà tôi nghèo là phải thôi, nhưng được cái phúc lớn là con cháu ngoan ngoãn”.
Chữa được hàng loạt căn bệnh
Được biết, các thế hệ đi trước ông Lang đã sở hữu nhiều bài thuốc quý. Đầu tiên là thế hệ cụ Vương Văn Vực, sau này cụ Vương Mạnh Khải tiếp nghề, rồi truyền tay sang ông Lang theo nghiệp trên 60 năm. Hiện tại, ông Lang đã và đang truyền nghề tiếp cho người con trai là Vương Văn Thanh (43 tuổi).
Ông Lang bật mí: “Cách đây lâu lắm rồi, cụ Vực nhà tôi có mở một hiệu thuốc Nam ngay tại phố Phúc Kiến, nay là phố Lãn Ông, Hà Nội. Do có biệt tài chữa bệnh, cụ Vực chữa khỏi bệnh cho không biết bao nhiêu người. Sau này, vì nhiều biến cố lịch sử, hiệu thuốc trên không còn nữa và gia đình tôi lưu lạc đến mảnh đất Thượng Nông này để sinh sống”.
Theo ông Lang, ở tuổi 77, ông có hơn 60 năm lặn lội với nghề hái thuốc cứu người. Vì vậy, gia tài của ông Lang là hàng loạt bài thuốc Nam có thể chữa khỏi các bệnh từ tim, gan, thận, khớp, cam sài trẻ em và cả những bệnh khó như thần kinh, trúng gió... “Hầu như các bài thuốc chữa các loại bệnh trên đều do tôi và những người đi trước trong gia đình sáng tạo ra. Người bệnh chỉ cần uống vài thang thuốc là khỏi bệnh. Đối với những người bệnh nặng thì phải mất thời gian nhiều hơn”, ông Lang cho hay.
Trong khi tôi với ông Lang đang trò chuyện thì một người hàng xóm tên Nam cũng qua góp chuyện. Anh Nam cho biết, ở vùng này, tiếng tăm của ông Lang là lan rộng tứ phía. Tính đến nay, ông Lang đã chữa bệnh cho hàng ngàn người với hàng loạt loại bệnh. Khi nghe chúng tôi đề nghị kể về những bệnh nhân “đặc biệt” nhất của ông Lang, anh Nam liền chia sẻ: “Từng nhiều lần phụ ông Lang chữa bệnh, tôi nhớ nhất là hai bệnh nhân mắc bệnh động kinh. Đó là anh Hải ở Ba Đạo, huyện Na Hang và anh Vương Văn Thử ở xã Yên Thổ, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng”.
Theo anh Nam, một số người ở bản Khoan này vẫn còn nhớ rất rõ, mỗi khi phát bệnh là anh Hải lại lên cơn, bỏ chạy cả ra đường, lúc thì ngã vật, có lúc đuổi đánh cả mọi người... Nhưng chỉ hơn nửa năm châm cứu, bốc thuốc tắm, uống, anh Hải khỏi bệnh về nhà. Còn anh Thử thì nặng hơn, bệnh đã chuyển sang giai đoạn cuối. Lúc đến nhà ông Lang chữa bệnh, anh Thử la hét vang vọng cả bản. Chưa dừng lại, anh Thử còn cầm dao dọa chém người khác. Tuy nhiên, dưới sự “mát tay” của ông Lang, sau vài tháng, anh Thử trở thành một người bình thường, không còn bệnh tật gì.
Họa theo lời anh Nam, ông Lang cho biết, cách đây mấy năm, ông đã làm “chấn động” vùng sơn cước này sau khi bốc thuốc khỏi bệnh cho anh Hưng (SN 1969, ngụ Bản Chợ, xã Yên Hoa, huyện Na Hang). Anh Hưng bị xơ gan cổ chướng, bệnh viện đã trả về. Sau khi tìm đến nhà ông Lang lấy thuốc về uống, sức khỏe anh Hưng bình phục hoàn toàn nay đã được hơn bốn năm.
Nay tuổi đã cao nhưng như cái nghiệp của cuộc đời, ông Lang vẫn hăng say hái thuốc cứu người, nhiệt tình như thời trai trẻ mỗi khi có bệnh nhân đến tìm gặp. Do tuổi tác đã cao nay ông Lang chỉ bốc thuốc chữa bệnh tại nhà. Ông Lang cho biết, cái nghiệp đi dường như là số mệnh của cuộc đời ông. Vì vậy, việc “bó chân” ở nhà khiến ông vô cùng bức bối. Tuy nhiên, con người không thể chống lại tuổi già được. Do đó, tôi tập cách chữa bệnh ngay tại nhà mình để lấy đó làm niềm vui.
Bình luận của bạn